tẾT NHÂM DẦN

Đào Hải Phong lần đầu họa hổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhắc đến Đào Hải Phong là nhắc đến tranh phong cảnh với linh hồn cây và nhà. Anh gần như đứng ngoài cuộc đua tranh Tết của làng họa sỹ Việt. Lần đầu tiên Đào Hải Phong vẽ hổ, với quan niệm khắt khe: Phải đưa được phong cách nghệ thuật của mình vào chùm tranh hổ. Không cần xem chữ ký, người thưởng lãm cũng nhận ra “cha đẻ” của chùm tranh ấy là ai.

Đào Hải Phong đề cao cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật, anh không ép mình phải vẽ bao giờ. Riêng về đề tài con giáp, trước Dần (hổ), họa sỹ chỉ vẽ Mão (mèo), bởi anh thích mèo, từng nuôi mèo: “Các con vật khác khiến tôi không hào hứng vẽ, vì rất nhiều họa sỹ đã vẽ. Cứ Tết đến người ta lại đua nhau vẽ tranh con giáp. Cái gì nhiều quá cũng làm tôi giảm hứng”, anh nói. Năm nay, được bạn bè cùng những người quý mến nghệ thuật Đào Hải Phong khuyến khích, suy nghĩ khá lâu, cuối cùng anh thông báo tin vui: “Tôi sẽ vẽ hổ và dành cho báo Tiền Phong độc quyền hình ảnh”. Đào Hải Phong thấy mình có duyên với tờ báo của tuổi trẻ: “Tôi tên Phong lại sinh đúng ngày báo Tiền Phong ra đời, 16 tháng 11”.

Đào Hải Phong lần đầu họa hổ ảnh 1

Hổ đi chơi xuân

Vẽ hổ không mới, dù ở ta hay nhìn ra nước ngoài. Trong mắt của Đào Hải Phong, có ba dân tộc vẽ hổ đẹp là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc: “Họ đã chắt lọc những gì đẹp nhất của hổ để đưa vào tranh. Điều đó là một thách thức đối với họa sỹ lớp sau, không ngoại trừ tôi”, anh chia sẻ. Đào Hải Phong chần chừ chưa muốn vẽ hổ, vì anh đặt ra cho mình “sức ép”: Phải đưa được phong cách nghệ thuật của anh vào tranh hổ. Nói cách khác, phải đưa ra một cách nhìn nghệ thuật về con giáp của cá nhân anh. Ở Việt Nam, anh thích hai họa sỹ vẽ con giáp. Đó là cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và cố danh họa Bùi Xuân Phái: “Hai ông ấy hay vẽ con giáp hằng năm để tặng bạn bè hoặc vẽ cho những tờ báo Tết “đặt hàng”. Ông Nguyễn Tư Nghiêm thường vẽ 12 con giáp, ở giữa là con giáp được tôn vinh của năm. Còn ông Phái hay vẽ con hổ kèm phố của ông”, Đào Hải Phong phân tích. Không đi trên con đường các danh họa đã đi, Đào Hải Phong vẽ hổ gắn với “đặc sản” của mình: Phong cảnh.

Đừng so hổ của ai đẹp hơn

“Với tôi, quan trọng vẫn là tâm hồn của người nghệ sỹ nhìn con vật. Con hổ hay con nào đó, luôn luôn phải mang được quan niệm nghệ thuật của tác giả đó. Kể cả bức tranh hổ rất đẹp nhưng không thấy bóng dáng “cha đẻ” của nó, thì đối với tôi vẫn chưa hay. Cho nên, đừng so con hổ của ai đẹp hơn ai.

Ngoài ra, vẽ tranh con giáp theo tôi nên mang hơi hướng tươi trẻ và thịnh vượng cùng tinh thần của con giáp đó, nên mang đến cho người xem cảm giác hào hứng, vui vẻ. Bởi ngày tết với người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, luôn hướng đến sự ấm no, an lành”. (Đào Hải Phong)

Hổ của Đào Hải Phong khá lành, trong không gian trữ tình, đôi khi khiến người xem nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Thế Lữ, trong thi phẩm “Nhớ rừng”: “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối/Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?”. Họa sỹ của hoài cảm phố tâm sự: “Tôi không muốn nhìn cái gì quá ghê gớm trong nghệ thuật vì bản thân cuộc đời đã quá nham nhở và ghê gớm rồi. Tôi muốn vẽ hổ đi chơi trong ngày xuân, không muốn vẽ hổ đang rình mồi, dọa đối phương. Tôi thích con hổ trong trạng thái thanh thản nhất”. Đào Hải Phong thích xem chương trình “Thế giới động vật” trên ti vi. Anh phát hiện một điều lí thú: “Con hổ tưởng rất dữ dằn nhưng lại rất có “đạo”. Nếu kiếm được mồi trong khi bụng đã no, nó tìm chỗ nằm trong bụi hoặc hang, im lặng, thanh thản, đám mồi kia dành cho những con thú khác, yếu thế hơn”.

Nếu khán giả để ý, trong chùm tranh hổ của Đào Hải Phong, không gian luôn luôn mở. Ở không gian tự do ấy, hổ gần như là con vật độc tôn, chúa tể muôn loài, không có gì bó buộc nó, kể cả khi nó nằm, nó ngồi, hay chuẩn bị bước đi…

Vẽ hổ đi chơi xuân, Đào Hải Phong chọn sắc hồng: “Những chấm màu hồng vừa là hoa đào, vừa là xác pháo ngày xưa. Màu hồng điểm xuyết cả chùm tranh, nó định vị cho một mùa xuân, là tín hiệu báo một năm mới đến”. Được mệnh danh là “Mr Blue” nên tranh hổ của Đào Hải Phong không thể thiếu sắc xanh: “Con người hay con thú, đều có trạng thái thanh bình. Tất cả những con thú ghê sợ nhất chỉ khi nó kiếm ăn. Sau khoảng thời gian kiếm ăn ấy, cũng có lúc nó ngủ hay nó nằm giữa bãi cỏ trên nền trời xanh biếc”.

Như một nhánh xuân dâng đời

Chất liệu Đào Hải Phong ưa dùng là sơn dầu, song với chùm tranh hổ, anh lại chọn bột màu trên giấy: “Tôi không muốn vẽ tranh sơn dầu hoành tráng, như một tác phẩm hội họa độc lập, nó không liên quan gì đến ngày Tết. Tôi có thể vẽ con hổ trên nền đen, con hổ trong khu rừng bằng chất liệu sơn dầu song bức tranh ấy chuyển người xem qua trạng thái khác, không còn gợi không khí tết. Cái chúng ta đang mong đợi là ngày xuân”. Đào Hải Phong nhấn mạnh, tranh hổ của anh không lệ thuộc tranh dân gian, như tranh thờ ngũ hổ đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống: “Tôi đi thẳng vào giá trị gốc, chứ không đi vào giá trị đã được hoàn thiện. Con hổ của tôi có thể vừa thật, vừa không thật, theo suy nghĩ của tôi. Một số họa sỹ vẫn lệ thuộc tranh hổ dân gian trong tranh thờ ngũ hổ. Tôi không làm điều ấy, không phải vì không hay mà nó quá hay, đến mức cũ rồi”, anh nói.

Đào Hải Phong lần đầu họa hổ ảnh 2

Tranh hổ

Chùm tranh hổ của Đào Hải Phong gồm bao nhiêu bức? Anh tiết lộ: “Tùy thuộc cảm hứng, tôi sẽ vẽ và chọn lọc. Nhưng chắc chắn tôi không vẽ nhiều, cùng lắm là 12 bức. Vì đó cũng chỉ là dấu hiệu của mùa mới, nhất định không là một tác phẩm hoành tráng. Theo tôi, tranh tết chỉ nên như một tiểu phẩm, một tản văn trong văn chương, được sinh ra trong phút thăng hoa của nghệ sỹ. Tôi không lạm dụng, khiến chúng mang màu sắc thương mại. Tôi vẽ hổ đến khi hết hứng là dừng ngay”. Tôi hỏi Đào Hải Phong: “Sao anh không nhân cơ hội này để tăng thêm thu nhập? Không ít họa sỹ “gặt hái” tốt dịp tết nhờ tranh con giáp?”. Anh đáp: “Với lối tồn tại của tôi, tôi không lấy tranh con giáp làm thương mại thời vụ. Tôi chỉ vẽ số lượng ít để người sở hữu chúng thấy quí, giữ làm kỷ niệm, vẽ như sản xuất, như tranh in Đông Hồ, thì không! Tôi là họa sỹ chuyên nghiệp, tôi sống bằng tác phẩm của tôi, không sống theo thời vụ”.

Một điều đặc biệt, Đào Hải Phong nhường quyền đặt tên tranh cho người sở hữu tranh: “Tôi chỉ mượn năm Dần để vẽ, không muốn áp đặt, bởi chắc gì tôi đặt tên đã đúng với những gì người thưởng thức chờ đợi? Nghệ thuật là sự tương tác. Chùm tranh này vừa là sự chia sẻ, vừa là sự cộng hưởng. Người sở hữu tranh sẽ đặt tên cho tranh. Cách đặt tên tranh của họ cũng chính là một nhận định về tác phẩm của tôi”. Tranh hổ của Đào Hải Phong nhỏ xinh, kích thước 38 cm x56 cm. Quan niệm của họa sỹ: “Với tôi, tranh nhỏ là tranh nhỏ. Tranh to là tranh to. Không phải tranh nhỏ phóng to ra thành tranh to. Hai câu chuyện khác nhau. Tranh to là suy nghĩ khác, không nên lạm dụng kích thước. Như tôi đã nói, tranh hổ chỉ là một nhánh xuân, một tín hiệu xuân”.

MỚI - NÓNG