Tết xưa là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch, là tiếng nói cười râm ran trong sương mờ se lạnh ngày đông để chọn cho gia đình một cành hoa, là cảnh cả nhà ngồi rửa lá dong hai tay lạnh cóng… Đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỷ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong tâm trí những người đã đi qua thời gian.
Phiên chợ Tết phía trước chợ Đồng Xuân, Tết Ất Mùi, 1955 |
SẮM TẾT
Nói là Tết xưa chứ thực ra cũng chỉ mới 50 – 60 năm về trước. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi luôn lặng lẽ mua sắm mọi thứ từ rất sớm. Mỗi hôm bà sắm một thứ, về đem cất vào tủ, chạn hoặc để trên bàn thờ. Lúc là vài lạng măng lưỡi lợn, bó miến, khi là mấy cân gạo nếp, đỗ xanh… rồi cân hành để muối, ít mộc nhĩ, nấm hương, hộp mứt, chai rượu… Mẹ tôi thường nói với bố: “Phải tranh thủ mua sớm, kẻo nhỡ hết hàng thì nhà mình mất Tết”.
Người Hà Nội không chỉ đón Tết bằng vật chất mà còn đón Tết về mặt tinh thần. Những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên trong dịp Tết đến, bàn thờ gia tiên phải được lau chùi, chỉnh sửa. Các lễ vật như vàng hương, đồ mã, hoa giấy, và mâm ngũ quả… được trang trọng đặt trên bàn thờ. Ngoài ra, trên bàn thờ bao giờ cũng phải có một cành đào nhỏ hoặc một lọ hoa để thờ gia tiên.
Thật ấm áp nếu bữa cơm chiều 30 Tết có đông đủ các thành viên trong gia đình. Con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm trong năm. Ông bà, cha mẹ cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình. Những câu chuyện rủ rỉ, nhẹ nhàng nhưng cứ liên miên, vương vấn mãi không dứt…
Sau ngày 23 tháng Chạp thì không khí chuẩn bị Tết càng gấp gáp, nhộn nhịp. Tết đã đến ngưỡng cửa mỗi nhà. Lúc này, trên phố Hàng Bồ, tràn ngập những ông đồ áo the khăn xếp, râu dài… ngồi nghiêm trang viết câu đối trên chiếc chiếu hoa trải trên vỉa hè. Những bức tranh giấy dó được treo trên những sợi dây chăng sát mép tường, còn tranh khắc gỗ in trên giấy vàng, giấy hồng có chia ô vẽ theo các tích xưa… Đám trẻ thời đó có thể ngồi ngẩn ngơ cả ngày ngắm nhìn ông đồ thảo chữ, viết câu đối hay mân mê mấy bức tranh sáng bừng dưới nắng.
Người Hà Nội thích chơi hoa tết. Nhà ai cũng phải có một cành hoa tết, mà với người Hà Nội thì hoa đào là số một, như một mặc định đã Tết thì phải có hoa đào. Vì thế mà đã hơn 500 năm, chợ Hoa Hàng Lược đã mở ra để đón xuân. Đến chợ, không vội vàng, hối hả, không bon chen, xô lấn, mà nhẩn nha vừa đi vừa ngắm. Chốc chốc, lại sà vào một hàng hoa bên đường, nhìn ngắm, xuýt xoa, trả giá rồi nếu ưng thì mang về nhà. Mọi hoạt động đều thật chậm rãi nhưng sống động, nhẹ nhàng nhưng đầy chất rất thơ… như một nghi lễ để tâm hồn trong trẻo trở lại trước thềm năm mới.
Ảnh chụp gia đình khi chuẩn bị xuất hành đầu xuân. Tết Đinh Dậu, 1957. (Mẹ tôi, ngoài cùng bên phải, hàng đứng) |
ĂN TẾT
Bởi vì hàng hóa không nhiều, không dễ mua sắm, nên Tết xưa cứ nao nức, cứ rậm rịch trước cả tháng. Thời ấy, tất cả thực phẩm, từ gạo, đậu xanh, thịt, lá dong... đến gói mứt Tết, cân bột mì đều theo tem phiếu mua hàng Tết. Trong gói hàng ấy thường có một tập bánh đa nem, khoảng 2 lạng miến, một chút mì chính, một chút hạt tiêu, một gói mứt, một gói chè khô...
Dù thiếu thốn nhưng Tết đến nhà nào cũng phải lo nồi bánh chưng. Để có được một nồi bánh chưng đầy đặn, người nội trợ đảm đang trong nhà phải rất khéo thu vén. Củi nấu bánh phải gom để dành từ rất lâu. Lá dong, đậu, thịt, gạo nước cũng xếp hàng từ sớm để mua. Rồi ngày sát Tết, nhà nhà rộn ràng rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ xanh và í ới mượn nồi to để luộc bánh… Khi nổi lửa, bên trên nồi bánh để cái thau đồng có thả nắm mùi già. Khi bánh sôi lục bục thì thau nước cũng bốc hơi tỏa ra một mùi thơm rất riêng. Trong tiết trời rét căm căm của tháng Chạp, đó là mùi của Tết.
Buổi chiều cuối năm lúc nào cũng là khoảng thời gian tất bật, nào là chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, mâm cúng giao thừa, rồi cho mồng Một. Trong khoảng sân giữa của ngôi nhà tại ngõ Phất Lộc ngày ấy, bố tôi thịt gà, mẹ quấn nem, còn chúng tôi được giao nhiệm vụ nhặt rau thơm, tỉa hoa cà rốt, làm chân tẩy bóng... Mẹ tôi vừa làm, vừa rủ rỉ dặn dò những phong tục liên quan đến năm mới, uốn nắn nết ăn nết mặc cho con cái sao cho thanh nhã, lịch sự. Mẹ tôi luôn tin rằng, một mâm cỗ được nấu nướng và bày biện cẩn thận và thành kính dâng lên tổ tiên trong ngày đầu năm mới sẽ mang đến cho gia đình mọi điều tốt đẹp.
CHƠI TẾT
Phút giao thừa, pháo nổ dậy vang khắp nơi báo hiệu năm mới đã đến. Để rồi sang mùng Một Tết, bà con, hàng xóm vía tốt, mệnh hợp xông đất cho nhau, người nào cẩn trọng thì tự mình xông đất nhà mình. Đón người xông đất cũng là một việc đòi hỏi sự long trọng lắm, pháo đốt cả dây đì đùng. Phần xông đất đã xong thì những đình, những đền, chùa là nơi người dân nô nức đi lễ đầu năm.
Từ đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đến chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ..., người Hà Nội lễ chùa đầu năm không chỉ đơn thuần là cầu tài cầu lộc, mà quan trọng hơn, đó là cách để mỗi người cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng mong chờ một năm mới an lành. Cũng dịp này, nhiều nhà xin chữ các thầy đồ để treo trong nhà. Người nào có chữ thì tự mình viết câu đối, viết thơ xuân cũng là khai bút vậy.
Sau “ăn Tết” là đến “chơi Tết”. Với người Hà Nội xưa, “đi chơi tết” có nghĩa là ra ngoài ngắm phố phường, thăm hỏi bạn bè, họ hàng. Hà Nội là đất kẻ chợ, từ xưa đã đông đúc thương lái từ khắp nơi đổ đến làm ăn, đến Tết mới trở về quê hương. Do đó, cứ đầu năm Âm lịch, Hà Nội lại trở nên vắng lặng, trong lành và trầm tịch. Trên những con phố vắng lặng mưa phùn giăng như tơ, xác pháo hồng trải đầy đất, các gia đình dạo bộ thành từng nhóm nhỏ, ăn mặc lịch thiệp, nói năng nhã nhặn, nét mặt tươi cười…
Thiếu nữ đất Hà thành ngày ấy khéo tay trong trang điểm làm tôn lên vẻ đẹp Á Đông thuần Việt với những tà áo dài nhẹ bay, những mái tóc vấn gọn, những chiếc khăn nhung khoác hờ… Cánh nam giới đi chơi xuân không chỉ ngắm hoa, ngắm cảnh mà còn ngắm người và say “cái đẹp muôn vẻ của người phụ nữ đất kinh kỳ”…