>> 'Bộ tứ 10A8': tập hay mẩu phim?
Thủ khoa (thi vào và tốt nghiệp) khoa Đạo diễn- Đại học Sân khấu Điện ảnh, sau Mùa thứ 5 là phim VN duy nhất có mặt tại LHP ngắn quốc tế Rio De Janeiro (Brazil) vào tháng 12/2005, giải Ba phóng sự tài liệu của Đài THVN cho phóng sự Đứa bé..., Nguyễn Hoàng Điệp trở lại với tiểu phẩm Bộ tứ 10A8 phát sóng trên truyền hình mỗi tối với nhiều luồng dư luận khen chê.
Điều gì khiến Hoàng Điệp nhận lời làm đạo diễn tiểu phẩm Bộ tứ 10A8?
Bộ tứ 10A8 không phải là sản phẩm đầu tay của tôi và cũng không phải do tôi viết hoàn toàn kịch bản. Bộ tứ 10A8 là seri truyền hình với ý tưởng có sẵn ở dạng khung (format) sau đó chuyển đến nhà sản xuất biến thành seri tiểu phẩm.
Khi nhận làm seri phim này, tôi nghĩ đơn thuần rằng: “Sau Chit và Pi, mình đã có cơ hội được làm phim cho tuổi teen, lứa tuổi mà mình rất thích và mình lại tiếp tục kể những câu chuyện mà chưa kịp kể ở bộ phim trước”.
Điệp có nghe thấy phản ứng của mọi người về bộ phim và nhân vật?
Có, tôi không nghe thấy mà tôi đọc thấy. Đương nhiên là có những bình luận tốt, tích cực và có cả những lời chê, ví dụ có khản giả thắc mắc, ngoài đời làm gì có cô nào mang máy khâu đến trường, làm gì có ai trang điểm như thế, làm gì có ai mà mặc váy ngắn như vậy, rồi Phan Linh mặt xấu ù, rồi diễn xuất quá cường điệu của Tăng Nhật Tuệ.
Khi mới ra trường, những điều đó tác động đến tôi ghê gớm, nó làm cho tôi vừa tổn thương, vừa sợ hãi hoặc là cảm thấy thất bại. Bây giờ thì không. Bây giờ tôi cảm thấy tỉnh táo hơn, tôi cần phải nhìn rõ đâu là điểm cần phải phát huy và đâu là điểm cần phải khắc phục.
Tuy nhiên, công việc làm dâu trăm họ thì không bao giờ có một món ăn vừa miệng tất cả mọi người. Điều quan trọng là mình tạo ra seri giải trí mà tuổi teen yêu quý, thích thú.
Có nhiều thông tin cho rằng, Bộ tứ 10A8 không mang tính thực tế, chỉ nói về lối sống của những cậu ấm, cô chiêu thời hiện đại?
Trên thế giới có hai dạng thức làm phim: Một là, làm phim theo kiểu hiện thực cuộc sống (life style), các nước Đông Âu hay làm như thế. Hai là, làm những cái mình nhìn thấy; Ít nhìn thấy hoặc mơ ước nhìn thấy.
Với dạng thức thứ hai thì Holywood đã làm mãi rồi và quá thành công với nhiều siêu phẩm điện ảnh hốt bạc. Với Chit và Pi hay Bộ tứ 10A8, tôi đã đưa ước mơ thời thơ ấu của mình và của nhiều bạn bè khác.
Ví dụ trong Chit và Pi, tôi từng mơ ngôi trường mình học sẽ có một vườn hoa rực rỡ, và tôi đưa thung lũng hoa vàng vào phim, hay ngay cả chi tiết mang máy khâu mini đến lớp như Bộ tứ 10A8 mà nhiều người cho là vô lý, thì các bạn hãy thử nhớ lại, là vào mùa đông năm ngoái, nhiều bạn gái đã đi mua len các màu, hì hụi mua kim đan đến lớp và đan đủ thứ không? Chiếc máy khâu là kiểu cách điệu của những việc đó.
Hoàng Điệp muốn gửi gắm điều gì qua bộ phim này?
Slogan của phim là Đến trường không chỉ để học, câu này không phải do tôi nghĩ ra, nhưng sau này, tôi rất thích được biến nó thành một câu khác, là Đến trường không chỉ để học mà còn để học rất nhiều. Thì có lẽ đó là những điều mà tôi muốn nói.
Nhân vật của tôi là những người trẻ mà tôi yêu quý. Tôi từng trải qua thời học sinh sôi động, đáng nhớ. Có lẽ là chỉ thua kém Totto-chan của tác giả Kuroyanagi Tetsuko mà thôi.
Làm mẹ của hai bé con, đi làm phim từ sáng đến tối khuya, Hoàng Điệp có thấy quá sức?
Có lúc tôi đã từng bị trầm cảm, kiệt sức. Nhưng khi tỉnh táo trở lại, tôi không thể từ bỏ phim ảnh. Chồng, bố mẹ chồng luôn là liều thuốc trợ lực hữu hiệu và cần thiết nhất với tôi.
Phát sóng vào lúc 22h10 từ ngày 8/6 trên sóng VTV3, tiểu phẩm truyền hình dài 260 tập theo hình thức sitcom (thu hình và tiếng đồng bộ tại trường quay) - Bộ tứ 10A8 - được thực hiện với một êkip thuộc “hệ” 8x, 9x, nên có thể nói là sản phẩm toàn teen. |