Xin chào đạo diễn Bùi Tiến Huy! So với các bộ phim về đề tài gia đình trước đây, “Thương ngày nắng về” có điều gì khác biệt?
Trên màn ảnh truyền hình đã từng có nhiều bộ phim khai thác mảng đề tài gia đình rất thành công nhưng để đề cập riêng và sâu về tình cảm mẹ con như “Thương ngày nắng về” thì tôi nghĩ rằng chưa có.
Đây có phải là mảng đề tài sở trường của anh?
Thực ra, đây không phải là dòng phim sở trường của tôi. Từ trước đến giờ tôi thích làm phim về đề tài tình yêu hoặc tranh đấu thương trường. Nhưng cũng vì thế, chủ đề, nội dung của “Thương ngày nắng về” rất thu hút tôi. Tôi coi đó là một thách thức dành cho chính mình và sẽ dồn hết tâm huyết, tình cảm để thực hiện nó một cách tốt nhất.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy (áo đen) đang trao đổi cùng các diễn viên của "Thương ngày nắng về". |
Rất nhiều bộ phim về đề tài gia đình trước đây đã thành công, điều này có khiến những người đi sau như anh thấy áp lực?
“Thương ngày nắng về” đặt yếu tố tình cảm gia đình lên hàng đầu, nên khi bắt tay vào làm, tôi nghĩ muốn thể hiện được điều đó thì phải có dàn diễn viên tốt. Ngoài việc diễn tốt, hợp vai thì yếu tố tự nhiên và diễn tương tác với nhau như một gia đình là rất quan trọng. Ví dụ, 4 mẹ con trong phim do 4 diễn viên NSƯT Thanh Quý, Lan Phương, Huyền Lizzie, Ngọc Huyền đã phải tập diễn với nhau một tuần trước khi quay. Điều đó giúp họ có được sự tương tác tốt trên phim trường, vừa để có sự thân quen gần gũi tự nhiên, thoải mái, làm sao khi lên phim khán giả cảm thấy đó đúng là một gia đình.
Công cuộc tìm diễn viên chính cho phim có gì khó khăn?
Thực ra, với vai bà mẹ và hai cô chị đầu Vân Khánh, Vân Trang, chúng tôi không phải casting nhiều mà có sự bàn bạc và đưa ra lựa chọn rất nhanh. Đây là những vai diễn nặng, khó, cần những diễn viên vững vàng chuyên môn, kinh nghiệm diễn xuất mới đảm đương được. Riêng vai cô em út Vân Vân, khoảng 20 tuổi thì cần một diễn viên trẻ nên chúng tôi phải casting nhiều hơn. Mất 2- 3 tháng tìm kiếm, thử vai từ các gương mặt diễn viên nghiệp dư, sinh viên trường nghệ thuật cho đến trước ngày bấm máy khoảng 10 ngày chúng tôi mới đưa ra phương án chọn Ngọc Huyền vào vai Vân Vân.
Dàn diễn viên chính của "Thương ngày nắng về" gây ấn tượng tốt với người xem. |
Thuộc thể loại phim chuyển thể từ kịch bản phim nước ngoài, “Thương ngày nắng về” không tránh khỏi bị so sánh với kịch bản gốc của Hàn. Điều này có khiến ekip làm phim thấy áp lực?
Điều khiến tôi tự hào là trong quá trình quay phim là tất cả các diễn viên của “Thương ngày nắng về” đều đã sống với nhân vật một cách trọn vẹn. Họ không còn là chính mình ngoài đời nữa mà trở thành bà Nga béo, Khánh, Vân, Trang, Đức xoăn, Duy, Phong… Đến thời điểm hiện tại, khi đã quay được một nửa của bộ phim thì cho tôi chọn lại dàn diễn viên thì tôi vẫn chọn như vậy.
Anh có thể bật mí nội dung của “Thương ngày nắng về” sẽ có những điểm gì khác biệt so với bản gốc "Mother of Mine"?
Khi Việt hóa kịch bản phim nước ngoài, chúng tôi luôn tính toán để mang tới một câu chuyện Việt Nam nhất. “Thương ngày nắng về” được giữ lại xương sống chính của câu chuyện của bản gốc, còn nội dung, tình huống, chi tiết... được viết lại 50% cho hấp dẫn hơn và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đây là một gia đình rất đặc biệt, bình đẳng. Mọi người đều hi sinh, yêu quý nhau.
Bản gốc phim Hàn "Mother of Mine". |
Tôi, họa sĩ và đạo diễn hình ảnh cũng đi chọn cảnh khá nhiều nơi, các khu tập thể, các ngôi nhà đều không ra được màu sắc câu chuyện. Để tạo được không gian ấm cúng, chúng tôi quyết định tạo cảnh trong phim trường để làm bối cảnh riêng cho gia đình này. Để có được bản vẽ về ngôi nhà của nhân vật chính, chúng tôi cũng tranh luận nhiều mới đi đến thống nhất. Từ khu bếp, bức tường, phòng ngủ… phải sắp đặt rất kĩ càng mới ra được ngôi nhà của bà Nga béo, một người phụ nữ bán bún riêu, có chút luộm thuộm nhưng vẫn gần gũi, ấm áp.
Đoàn phim đã vượt qua những khó khăn mùa dịch để hoàn thành một cách tốt nhất. |
Quá trình thực hiện bộ phim diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đoàn làm phim chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn?
Phim quay đúng thời điểm giãn cách xã hội mùa dịch, nên chúng tôi bị ảnh hưởng về tiến độ sản xuất, đặc biệt về bối cảnh. Nhiều đoàn phim khác cũng lâm vào cảnh tương tự nên đã trưng dụng luôn ngôi nhà của nhân vật bà Nga - bối cảnh chính của “Thương ngày nắng về” để làm nơi sản xuất. Vì thế, khi xem phim, có thể có khán giả cho rằng, “Thương ngày nắng về” dùng lại bối cảnh phim khác nhưng kì thực không phải.
Cảm ơn đạo diễn Bùi Tiến Huy!