Gặp là cười
Trên chuyến tàu cao tốc đạp biển cấp 5-6 ra đảo Lý Sơn, cười chặp mà quên… say.
“Sóng như người con gái đang thủa ve vãn vậy, mình mà sợ là không mần được chi, nó “đè” cho chết. Phải nhìn thẳng ra xa, thấy mình kiêu hãnh nó đành khuất phục”, ông Nguyễn Văn Thân, 46 tuổi, ngư dân trên đảo An Vĩnh, Lý Sơn, ví von.
Cách nói chuyện tưng tửng của ông làm đám người trên tàu cười thích thú: Muốn yêu con gái ngoài đảo, phải nói thương nhớ, yêu đương có vần vè, như: Thuyền em mới đóng rặc ròng - Cho anh dựng thử… cột buồm chạy chơi.
Vừa cập đảo, vài anh ngư dân mặt đen rám nắng nhoẻn miệng cười thân thiện. Cứ tưởng họ cười xã giao, hóa ra với người đảo tỏi, gặp là cười. Vài câu chào hỏi nên quen, mượn xe được xe, xin ở nhờ nhà cũng gật.
“Trên đảo lo gì mất trộm. Nghe đâu, có lần kẻ trộm vào nhà người dân, thấy ông này vừa ngủ… vừa cười, cái mặt tưng tửng khiến nó phá lên cười theo, bị ông tri hô bắt được”.
Ông Đặng Lợi (trái) ứng biến nhiều câu hò vè khiến người nghe bật cười. |
Chẳng biết câu chuyện cụ ông Đặng Lợi (80 tuổi, xã An Vĩnh) thật đến đâu, nhưng cách nói trạng thì ông có tiếng. Chuyện buồn vui trên đảo ông đều viết thơ, làm vè.
Hưởng ứng dùng hàng Việt, lúc xăng tăng ông ứng khẩu thành thơ; ngay công tác kế hoạch hóa hóa gia đình, ông làm thơ vận động, kiểu: Tỏi, hành năng suất thì mừng/Dân số năng suất thì đừng…thi đua.
Ông Lợi bảo, người dân đảo vui tươi, ưa chọc cười. Cười cho sảng khoái. Cách nói ông Lợi không thẳng đuột mà cứ lòng vòng khiến người nghe ngờ ngợ rồi phá lên cười.
Ông kể, trong buổi lễ hội, có anh ngư dân đứng cạnh một người phụ nữ. Anh này tìm cách cầm tay, khiến chị mắng mỏ: Anh làm chi lạ? Tôi làm cán bộ - ngư dân đáp.
“Làm cán bộ chi, nghỉ đi cho rồi (đừng cầm tay)”/”Dân bầu thì tôi làm chứ có phải tôi tự ý là được đâu”, anh này láu cá. Thoạt nghe, người ta cứ tưởng hai người đang bàn chuyện công cán. Hóa ra là cách người dân đảo cười chọc quê cán bộ hách dịch...
Thế giới cười với người đảo tỏi có lẽ ở quanh cái bàn nhậu. Không dùng từ “nhậu”, anh Lê Hai (38 tuổi, An Hải, Lý Sơn) bảo ở đảo phải gọi nhíp nghe mới đã. Cũng như đánh bắt nhiều cá, dân đảo không gọi cá đầy ghe mà dùng lút mí (con mắt vẽ ở mũi thuyền).
Thấy ai bỏ đá nhiều vào ly, mấy anh nhậu hỏi tỉnh quơ: Đi đảo à ? Vài khách lạ ngớ người. “Thì đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa mới bỏ nhiều đá để ướp cá, chứ uống bia bỏ nhiều, chắc ướp lục phủ ngũ tạng” - anh Hai cười lý giải.
Vẫn cái kiểu khề khà, anh Hai dí dỏm: Chỉ dân lặn Lý Sơn mới gọi hải sâm là vú nàng. Gọi thế mà đỡ nhớ vợ thiệt. Vừa nghe chị Thắm, vợ anh Hai đỏ ửng má, ứng vè trị chồng: “Con cò đi uống rượu đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”. Nhưng anh Hai mau miệng nói chế “Còn anh chả uống ngụm nào/Cũng say ngây ngất ngã vào lòng em”.
Anh Lê Viên 39 tuổi, một thuyền trưởng trên đảo cao hứng trong bàn nhậu: Ra đảo gặp ông Ấn cán bộ thú y chưa ? Ngỡ chuyện chi, tôi tò mò. Anh Viên kể, có lần ông đến chích lợn ốm cho nhà dân.
Hôm sau quay lại kiểm tra. Quá trưa, hai vợ chồng nhà này đang ngủ, cửa mở hờ. Thấy có khách đến, vợ mới giục chồng: “Ấn vô, Ấn vô!”. Anh chồng tưởng vợ đòi chuyện kia, giọng uể oải: “Vừa ấn xong, nó teo rồi, ấn làm chi được nữa”.
Ông Ấn ở ngoài thắc thỏm: “Mới tiêm hôm qua, sao lợn đã teo rồi?”. Nghe đâu trên đảo chẳng mấy ai dám đặt con theo tên này. “Lại cái chuyện tên - anh Hai tiếp lời - Ở đây đố chú tìm ra tên ai là Phúc, Hậu, Ơn đó”. Rồi anh lý giải: “Dân đảo ưa nhíp, nhíp phải vô (dzô), chẳng lẽ cứ nâng ly mời nhau lại vô Phúc, vô Hậu, vô Ơn. Phải đặt là vô Biên, vô Tận… mới đã.
Cười… chữa bệnh
Ông Viễn làm cải lương hài, vui cùng gia đình, khách lạ. |
Theo ông Nguyễn Minh Viễn (57 tuổi, thôn Đông, An Vĩnh): Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phần lớn câu hò vè người dân đảo tỏi nói về tình yêu, gia đình.
Ông Viễn nổi tiếng là người sáng tác nhiều bài hò vè, cải lương về sinh hoạt, tập tục trên đảo.
Nói về cái sự hài hước trên đảo, ông Viễn mau miệng: Biết người phụ nữ có chồng, muốn ghẹo chơi, có nhiều cách nói tếu táo mà tinh tế, như: Em có chồng rồi, anh thương đỡ đỡ chẳng dám thương luôn - Nước biển Đông không bao giờ trở về nguồn, hay: Em có chồng - mặc. Cho anh ăn miếng trầu. Anh gặp em đây xin nắm áo, mở khăn…
Một chị bán tỏi cười bảo: Nói bậy người ta bắt, nói sai người ta chê, nói thọc ngoáy kẻ khác sinh mâu thuẫn, thôi thì nói trạng, nói tếu để cười cho vui.
Cái cười xứ đảo Lý Sơn dung dị, thâm thúy, thanh tục và cười để vượt qua nghịch cảnh.
Anh Thành “cua gẫy càng” vẫn rộn tiếng cười. |
Gần 20 năm nằm liệt trên giường bệnh, nhưng hỏi chuyện, anh Lê Văn Thành (45 tuổi, xóm Tây, xã An Hải) lại ứng vè chọc cười: “Lấy chồng thợ lặn, như cua gẫy càng/Gãy càng thì mặc gãy càng/ Có xe em chạy, có vàng em đeo”.
Anh Thành gặp nạn sau chuyến theo ghe tàu lặn hải sâm đầu những năm 1990. Ngoi lên từ độ sâu vài chục mét dưới đáy biển, lúc nên bờ anh bị tụt huyết áp, chân tay tím tái và liệt hẳn từ ngày đó.
Cứ tưởng thành “cua gẫy càng”, anh Thành sầu đời. Nhưng suốt cuộc trò chuyện, anh Thành cười nhiều hơn nói khiến người nghe cảm nhận sự lạc quan. Chị Nguyễn Thị Tăng, vợ anh Thành dí dỏm: Làm vợ ngư dân hồn treo đầu sóng/Em chẳng mong vàng, chẳng muốn chạy xe.
Cũng chỉ riêng ở xứ đảo Lý Sơn, chuyện những ngư dân “gãy càng cua” mới có nhiều chuyện cười, cách làm độc nhất vô nhị. Ngư dân Bùi Huệ (36 tuổi, An Bình, Lý Sơn), cả tuổi thanh niên ngang dọc lặn hải sâm khắp các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, cách đây chục năm anh bị liệt.
Không để mình thành tàn phế, anh Huệ nghĩ ra “chiêu độc” - thuần chủng 2 con chó để chuyên kéo xe lăn cho mình.
Một cán bộ y tế huyện Lý Sơn vui bảo: Tinh thần lạc quan, vui tươi trước nghịch cảnh góp phần đáng kể vào hiệu quả điều trị bệnh cho ngư dân. Nhiều người bị liệt nhưng họ không để mình tàn phế mà luôn tìm cách khắc phục khó khăn, sống vui với gia đình.
Đảo cười
Lý Sơn vốn nổi tiếng là “vương quốc tỏi”, quê hương của Hải đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa), những đội tàu lớn vẫn ngày đêm trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Người ta biết đến một đảo tiền tiêu đầy truyền thống ngư phủ. Nơi những chàng ngư dân cuồn cuộn, săn chắc mặt rám nắng cả đời theo nghiệp tổ tiên hướng về với biển.
Giờ thêm danh hiệu “đảo cười”. Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Hoàng Linh, bảo: Cái này chưa ai cấp giấy chứng nhận. Nhưng người Lý Sơn hiếu khách vui vẻ, hòa nhã thì có thật. Cái cười dung dị, gần gũi dân sinh, có thể chưa mang nhiều tính hàn lâm, bác học.
Theo ông Linh, nơi đảo nhỏ bốn bề sóng nước, từ xa xưa người dân trên đảo có truyền thống hụi hò đối đáp, như những lần làm móng nhà, đêm tước gai làm bánh tét.
Dưới ánh trăng, từng đôi nam nữ hát hò giao duyên sinh động mà ấm áp… Chính truyền thống đi biển, thường trực hiểm nguy, ăn sóng nói gió đã hun đúc tinh thần lạc quan, vui tươi, đầy hi vọng cho người dân xứ đảo bao đời nay.
Ông Phạm Thoại Tuyền (An Vĩnh) - người am hiểu văn hóa, lịch sử Lý Sơn cũng bảo: Lý Sơn già trẻ hay cười/Người người nói tiếu đã thành câu khẩu ngữ gắn với người dân. Đảo nhỏ, người dân ngày ngày “đụng mặt nhau” nên ai cũng quen, thân thuộc.
Vị trí cách biệt đất liền khiến dân đảo ít có điều kiện thưởng thức những chương trình biểu diễn văn nghệ, ca múa nhạc. Họ tự gây cười, hòa hiếu với nhau cũng là cách tự làm cho đời sống tinh thần mình thêm sinh động, phong phú.
Theo UBND huyện Lý Sơn: chưa có thống kê đầy đủ, nhưng rõ ràng nhờ cách sống vui, lạc quan nên phần lớn các gia đình trên đảo đều sống hòa thuận, hạnh phúc. Rất ít trường hợp phải ly hôn, tình trạng bạo lực gia đình được hạn chế tối đa. |