Dành trọn sức trẻ để cống hiến

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong trao đổi với 4 tài năng trẻ. Ảnh: Như Ý
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong trao đổi với 4 tài năng trẻ. Ảnh: Như Ý
TP - Giao lưu với độc giả báo Tiền Phong với chủ đề: “Khát vọng Việt Nam”, 4 tài năng trẻ: Nghiêm Tiến Viễn, Hồ Thị Thương, Đồng Phú Khiêm, Chu Đức Hà đều có điểm chung là dành trọn sức trẻ, đi đến cùng đam mê cống hiến cho cộng đồng, đất nước.

Trao đổi tại buổi giao lưu, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong đánh giá, 4 bạn trẻ tham gia buổi giao lưu là những đại biểu xuất sắc tham gia Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, do T.Ư Đoàn tổ chức.

“Qua Đại hội cũng như cuộc giao lưu này, mong rằng các tài năng trẻ lan tỏa năng lượng tích cực để cộng hưởng trong toàn xã hội nhằm nhân lên hàng vạn, hàng triệu tài năng trẻ. Đất nước có nhiều tài năng trẻ sẽ góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường”, nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.

Phát triển giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Giới thiệu về bản thân TS. Chu Đức Hà dí dỏm: “Hiện nay, tôi nặng 108kg và phấn đấu năm nay có 108 công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học”.

Để có một số lượng công trình khoa học khổng lồ ở tuổi 32, mỗi ngày TS. Hà chỉ ngủ 3-4 giờ đồng hồ. “Trong điều kiện thiết bị, máy móc cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế, muốn bắt kịp quốc tế, muốn thành công trong khoa học phải nỗ lực hết mình, phải làm việc rất nhiều. Không thể thành công nếu chúng ta ngủ nhiều, chơi nhiều được”, TS. Hà nói.  

Chu Đức Hà đạt học vị Tiến sĩ năm 2019, khi tròn 30 tuổi. Anh là tiến sĩ trẻ nhất Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. “Tôi cũng tự hào là sinh viên chính quy dưới 3 mái trường đại học: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Hà Nội. Mặc dù là tiến sĩ với ba bằng đại học, hiện nay, tôi vẫn đang là sinh viên năm 2 của Đại học Luật Hà Nội”, TS. Hà giới thiệu bản thân.

Hiện TS. Chu Đức Hà thuộc nhóm nghiên cứu xuất sắc của Viện Di truyền Nông nghiệp. Anh đã ứng dụng công nghệ sinh học để tìm ra các gen tiềm năng nhằm tạo ra những nguồn gen quý phát triển giống cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua các công cụ chọn giống phân tử hiện đại. Hiện anh là đồng tác giả cho ra đời 2 giống lúa và 1 quy trình kỹ thuật cải tiến giống lúa cho năng suất cao, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn, mặn.

Hiện giống lúa SHPT3 của nhóm TS. Hà tại Viện đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức, cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc; giống lúa HL5 đang được sản xuất thử nghiệm.

Theo đuổi ước mơ tìm ra vắc-xin cho thú y

Dành trọn sức trẻ để cống hiến ảnh 2 Thạc sĩ Hồ Thị Thương xúc động chia sẻ tại buổi giao lưu ẢNH: NHƯ Ý

Thạc sĩ Hồ Thị Thương là đại biểu nữ duy nhất tại buổi giao lưu. Khi được nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi: Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (thủ khoa) sao bạn không chọn làm ở nơi mức lương cao mà lại chọn làm nghiên cứu khoa học, với nhiều vất vả, hy sinh, Ths. Thương đã bật khóc nhắc về bố mẹ, về những hy sinh thầm lặng của người thân để cô có được thành công như ngày hôm nay.

Thương kể, cô sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Diễn Châu (Nghệ An), mặc dù, bố mẹ làm nghề nông nhưng luôn tạo điều kiện cho con cái học hành. “Từ nhỏ tôi đã luôn khát khao làm ra một giống cây trồng hay tạo ra một loại thuốc cho ngành chăn nuôi, để giúp những người nông dân vất vả như bố mẹ, người dân quê tôi”, Thương nói.

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam thủ khoa, Thương chọn con đường nghiên cứu khoa học mức lương khiêm tốn để thực hiện ước mơ. “Điều may mắn, tôi luôn được truyền lửa từ những người thầy, đặc biệt là sự động viên vô điều kiện của gia đình, bố mẹ. Tôi thấy có lỗi với bố mẹ, dù bố mẹ còn nhiều khó khăn nhưng luôn đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức để cho tôi toàn tâm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học”, Thương xúc động nói.

Năm 2018, Ths. Thương là đồng tác giả một bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Thương và cộng sự đã phát minh ra một phương pháp sản xuất protein oligomer trong tế bào nhân thực. Sáng chế nhằm tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng, ứng dụng cho việc phát triển vaccine, trong đó có vắc-xin phòng chống cúm gia cầm A/H5N1, tiêu chảy cấp ở lợn.

“Khát vọng lớn nhất của tôi là làm sao sáng chế ra những vắc-xin thú y có hiệu quả ứng dụng tốt trong tương lai”, Thương chia sẻ.

Làm chủ khoa học kỹ thuật để cứu người

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo Tiền Phong khi vừa kết thúc ca trực suốt 24 giờ đồng hồ, bác sĩ Đồng Đức Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư vẫn tràn đầy nhiệt huyết chia sẻ về chuyện nghề, khát khao chữa bệnh cho người dân.

Trong vai trò Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, anh phải cách ly, xa vợ và 3 con nhỏ hàng tháng trời để trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID -19 nặng và nguy kịch. Anh cùng với đồng nghiệp trong khoa triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Nhờ đó toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, ngoài tâm huyết đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức, trình độ chuyên môn rất cao. Điều trị cho những bệnh nhân nặng phụ thuộc vào máy móc, thiết bị y tế để duy trì sự sống. Đội ngũ bác sĩ trẻ như anh đã tiếp cận và làm chủ hoàn toàn các kiến thức, kỹ thuật hiện đại trong điều trị bệnh nhân.

“Làm bác sĩ ở khoa Hồi sức tích cực, điều ám ảnh nhất là lúc phải nói với người nhà bệnh nhân “không thể chữa trị”. Sau mỗi lần như vậy, tôi đều ngồi tĩnh lặng lại suy ngẫm, xem xét để rút ra bài học kinh nghiệm, hạn chế tối đa không còn trường hợp tương tự. Đây cũng là tiền đề tôi bắt đầu cho các công trình nghiên cứu khoa học, nỗ lực tìm ra các phương pháp hiệu quả mới để điều trị cho các bệnh nhân”, bác sĩ Khiêm nói.

Khát vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở quê nhà

Chia sẻ về khát vọng của bản thân, doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Go Stream mong muốn, được kết nối các bạn trẻ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại quê nhà Nghệ An. “Mảnh ghép mà chúng tôi cần nhất hiện tại là các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân về quê lập nghiệp. Về quê không có nghĩa là sản phẩm của bạn chỉ phục vụ trong địa bàn tỉnh. GoStream đã và đang phục vụ tốt thị trường trong nước, đang vươn ra quốc tế”, Viễn chia sẻ.

MỚI - NÓNG