Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam

TPO - Bốn đại biểu tài năng trẻ Việt Nam 2020 tham gia chương trình giao lưu trực tuyến gồm: doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, Tiến sĩ Chu Đức Hà, bác sĩ Đồng Phú Khiêm và Thạc sĩ Hồ Thị Thương.
Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, tặng hoa các tài năng trẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Như Ý

Với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 11/12/2020 đến ngày 13/12/2020, với sự tham dự của 400 đại biểu tài năng trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực, đang học tập, nghiên cứu và công tác trong và ngoài nước.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả công tác tài năng trẻ Việt Nam, tuyên dương các tài năng trẻ đặc biệt xuất sắc giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2020 - 2025; đề xuất các giải pháp nhằm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ Việt Nam trong thời gian tới.

Tài năng trẻ VN

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

10/12/2020 09:20

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 2 Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn

Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Go Stream. GoStream cung cấp ứng dụng livestream hỗ trợ kinh doanh online, thông qua những tính năng ưu việt: cho phép thông tin được truyền và nhận qua lại 2 chiều từ người tổ chức đến người xem cũng như ngược lại, hay còn gọi là livestream tương tác. Đặc biệt, nhằm phục vụ hội họp trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, GoStudio thiết kế tính năng tạo tổ chức “Webinar” (hội thảo trên Web) trên các nền tảng mạng xã hội.

GoStream vừa trở thành quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest 2020. Với giải thưởng này, ngoài phần thưởng tiền mặt 200 triệu đồng GoStream sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021 tổ chức tại Mỹ sắp tới

10/12/2020 09:21

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 3 Thạc sĩ Hồ Thị Thương

Thạc sĩ Hồ Thị Thương là nhà khoa học trẻ, sinh năm 1991. Chị Thương là tác giả chính của 1 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions. World Intellectual Property Organization. Patent Number: WO/2018.115305 A1. Chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín.

10/12/2020 09:22

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 4 Bác sĩ Đồng Phú Khiêm

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, SN 1985, là Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Với vai trò là phó trưởng khoa hồi sức tích cực – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, anh đã luôn cố gắng hết sức mình phát huy trí tuệ, tinh thần xung kích đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Anh trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân COVID -19 nặng và nguy kịch vào khoa. Anh cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kĩ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), Trao đổi oxy qua màng ngoài ngoài cơ thể (ECMO) nhờ đó toàn bộ các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bênh, trong đó có những bệnh nhân rất năng, có tình trạng suy đa tạng, từng có ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung. Kết quả này cũng góp phần hoàn thành được chủ trương của Chính Phủ và Bộ Y Tế quyết tâm không để bệnh nhân COVID-19 nặng tử vong.

Anh cũng đang tham gia 1 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh COVID-19.

10/12/2020 09:23

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 5 Tiến sĩ Chu Đức Hà

Tiến sĩ Chu Đức Hà, sinh năm 1988, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Di truyền Nông nghiệp. Ở tuổi 32, anh là tác giả chính/ tác giả chịu trách nhiệm/ đồng tác giả của hơn 90 công bố khoa học và quốc tế trong đó có 51 công trình là tác giả chính  được đăng tại các tạp chí uy tín và có 19 công trình là tác giả chính đăng tại các tạp chí quốc tế. Anh cũng là đồng tác giả 3 sáng kiến hữu ích (1 giống công nhận chính thức, 1 giống công nhận sản xuất thử, 1 quy trình được công nhận cấp cơ sở).

10/12/2020 09:27

Với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”, Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020, diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 11/12/2020 đến ngày 13/12/2020, với sự tham dự của 400 đại biểu tài năng trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực, đang học tập, nghiên cứu và công tác trong và ngoài nước.

10/12/2020 09:28

400 đại biểu chính thức tham gia Đại hội được lựa chọn từ 650 hồ sơ đại biểu giới thiệu của các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc; các cơ sở Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; các bộ ngành, doanh nghiệp và Đại sứ Quán Việt Nam ở nước ngoài.

10/12/2020 09:29

Đại biểu được lựa chọn tham dự Đại hội lần này là thanh thiếu nhi không quá 35 tuổi (sinh từ năm 1985 trở lại) có quốc tịch Việt Nam; có năng lực nổi trội, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác được ghi nhận và tôn vinh, gồm các đối tượng: nhà khoa học trẻ, nhà giáo trẻ, thầy thuốc trẻ tài năng; sinh viên tài năng, học sinh tài năng; doanh nhân trẻ tài năng; vận động viên trẻ tài năng; văn nghệ sĩ trẻ tài năng; sĩ quan, chiến sĩ trẻ tài năng; công nhân trẻ tài năng; nông dân trẻ tài năng.

10/12/2020 09:29

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội, đại biểu tham gia một số hoạt động ý nghĩa như: báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Diễn đàn với chủ đề “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam”; thăm quan những thành tựu khoa học công nghệ, mô hình giáo dục hiện đại của Việt Nam, tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội; thăm hỏi, động viên chia sẻ với các cựu chiến binh và trẻ em Việt Nam chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin; giao lưu với thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”.

10/12/2020 09:30

Phiên trọng thể của Đại hội bắt đầu vào lúc 08h30, ngày 13/12/2020 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội và được phát sóng trực tiếp (livestream) trên các trang mạng xã hội của các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Đoàn.

Tại phiên trọng thể, sẽ ra mắt Hội đồng Phát triển Tài năng trẻ Việt Nam (trên cơ sở sáp nhập Hội đồng Bảo trợ Tài năng trẻ Việt Nam và Hội đồng kết nối Tài năng trẻ Việt Nam) nhằm triển khai thực hiện các hoạt động tài năng trẻ sau Đại hội và thúc đẩy công tác tài năng trẻ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.

10/12/2020 09:35

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 6 Nhà báo - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng tặng hoa các tài năng trẻ. Ảnh: Như Ý
Chương trình giao lưu trực tuyến với các tài năng trẻ Việt Nam 2020 diễn ra tại báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và được tường thuật trực tuyến tại địa chỉ: www.tienphong.vn

10/12/2020 09:37

Buổi giao lưu là dịp để các đại biểu tài năng trẻ chia sẻ về con đường nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức để đạt được thành công, cống hiến cho cơ quan, đơn vị, cộng đồng và Tổ quốc. Chính những nỗ lực, cống hiến của các tài năng trẻ góp phần tích cực vào sự phát triển chung trên các lĩnh vực của đất nước thời gian qua.

10/12/2020 09:42

10/12/2020 09:54

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 8 Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, tặng hoa các tài năng trẻ trước buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý

10/12/2020 10:04

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 9 Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, Đại hội đại biểu Tài năng trẻ Việt Nam là nguồn động lực tích cực để các bạn hoàn thiện, phát triển bản thân nhiều hơn, qua đó, lan tỏa năng lượng tích cực để cộng hưởng trong toàn xã hội nhằm nhân lên hàng vạn, hàng triệu tài năng trẻ. Ảnh: Như Ý

Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, cho biết, từ ngày 11-13/12/2020, T.Ư Đoàn tổ chức Đại hội đại biểu Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020, với chủ đề: “Khát vọng Việt Nam”. Đây là Đại hội đặc biệt, nhằm tôn vinh những người trẻ tài năng trên các lĩnh vực.

Để tiến tới Đại hội, báo Tiền Phong được T.Ư Đoàn giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có thực hiện cuốn Kỷ yếu về 400 đại biểu. Đây là quà tặng ý nghĩa dành cho các tài năng trẻ về tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III.

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, năm nay, đất nước đạt nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là cơ bản khống chế và ngăn ngừa thành công dịch COVID-19. Thành công đó, có công sức rất lớn của các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, hành trình còn dài, các tài năng trẻ cần nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa. Được tham dự Đại hội là niềm vinh dự đồng thời là trách nhiệm lớn của các bạn trẻ.

“Chúng tôi rất tự hào vì mời được các tài năng trẻ tham gia buổi giao lưu trước thềm Đại hội tại trụ sở báo Tiền Phong. Đến thời điểm này, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về cho 4 đại biểu tài năng trẻ giao lưu ngày hôm nay”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói, đồng thời chúc các tài năng trẻ có kỳ Đại hội thành công, nhiều dấu ấn.

“Đại hội sẽ là nguồn động lực tích cực để các bạn hoàn thiện, phát triển bản thân nhiều hơn, qua đó, lan tỏa năng lượng tích cực để cộng hưởng trong toàn xã hội nhằm nhân lên hàng vạn, hàng triệu tài năng trẻ. Đất nước có nhiều tài năng trẻ thì sẽ góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

10/12/2020 10:14

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 10 Doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần công nghệ GoStream, giao lưu với bạn đọc báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý

Trao đổi tại chương trình, doanh nhân trẻ Nghiêm Tiến Viễn, sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần công nghệ GoStream, chia sẻ: GoStream thành lập được 3 năm và phát triển công cụ giúp những người chuyên sản xuất video, những người muốn phát trực tiếp trên mạng xã hội… Trong lĩnh vực truyền hình có thể hỗ trợ thêm hình ảnh, các màn hình khác nhau, chuyển cảnh, mời người ở xa tham gia livestream…

Với những sản phẩm của GoStream, bất cứ người dùng phổ thông nào cũng có thể sử dụng được. Thành tựu của GoStream là giải Nhì Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019, giải Nhất Techfest 2020 và một số giải khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh…

Trong thời gian tới, GoStream muốn đưa sản phẩm ra thế giới bên cạnh việc giữ vững vị thế ở thị trường trong nước.

10/12/2020 10:41

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm chia sẻ: Phải tiếp cận, điều trị cho những bệnh nhân nặng, phải phụ thuộc vào máy móc, thiết bị y tế để duy trì sự sống. Điều đó đòi hỏi rất cao sự tận tâm của cán bộ y, bác sĩ. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi người điều trị cần có nền tảng kiến thức rất tốt.

Năng lực, chuyên môn của giới trẻ Việt Nam được đánh giá cao, có thể tiếp cận được những trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất trên thế giới và gần đây tại các bệnh viện T.Ư, lãnh đạo bệnh viện tích cực tạo điều kiện cho bác sĩ trẻ học tập, tiếp cận những kiến thức mới.

Trong công tác khám, chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ nào cũng như vậy, khi bệnh nhân khỏi bệnh, ổn định, được ra viện, là điều hạnh phúc nhất.

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 11 Bác sĩ Đồng Phú Khiêm

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng trao đổi, trong quá trình công tác, đối mặt với những ca bệnh nặng, điều gì làm bạn day dứt nhất?

Theo Đồng Phú Khiêm, mặc dù đã tiếp xúc nhiều nhưng không thể quen được cảm giác thông báo đến người nhà những bệnh nhân không thể chữa trị. “Sau mỗi lần như vậy chúng tôi luôn phải nhìn lại để rút ra bài học kinh nghiệm, trăn trở có phương pháp nào tốt hơn không? Cách nào để không còn trường hợp tương tự, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân. Đây cũng là tiền đề để bắt đầu cho các công trình nghiên cứu khoa học, nỗ lực tìm ra các phương pháp hiệu quả mới để điều trị cho các bệnh nhân”, bác sĩ Khiêm nói.

10/12/2020 10:50

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 12 Về câu hỏi, với tấm bằng xuất sắc, không chọn làm ở những nơi có mức lương cao mà lại chọn làm Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam với mức lương vài triệu đồng? Hồ Thị Thương, chia sẻ: Làm ở Viện nghiên cứu, mình có điều kiện cho công tác nghiên cứu, tích lũy thêm nhiều kiến thức. 
Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 13 “Chỉ có điều, mình thấy có lỗi với bố mẹ vì không có nhiều tiền gửi về đỡ đần bố mẹ. May mắn là bố mẹ chưa bao giờ đòi hỏi gì từ mình cả”, nhà khoa học trẻ xúc động nói

10/12/2020 10:56

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 14 Tiến sĩ Chu Đức Hà giao lưu với bạn đọc báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý

Tiến sĩ Chu Đức Hà cho biết luôn tự hào khi là một cán bộ nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản trong nước. “Tôi đạt học vị tiến sĩ năm 2019 khi tròn 30 tuổi, là tiến sĩ trẻ nhất Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Tôi đồng thời cũng tự hào là sinh viên chính quy dưới 3 mái trường đại học là Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, và Đại học Hà Nội. Mặc dù là tiến sĩ với ba bằng đại học, tôi hiện nay vẫn đang là sinh viên năm 2 của Đại học Luật Hà Nội”, Tiến sĩ Chu Đức Hà cho biết.

10/12/2020 11:03

Điều gì đã khiến bạn chọn ngành công nghệ sinh học để bắt đầu sự nghiệp của mình? (vuhoangminh45@gmail.com)

Tiến sĩ Chu Đức Hà: Công nghệ sinh học là một trong những ngành mũi nhọn hiện nay, đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quay trở lại thời điểm khi tôi lựa chọn ngành công nghệ sinh học của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ở cái tuổi dậy thì ngang bướng, rõ ràng việc chọn ngành mà tương lai tôi sẽ phải ngồi hàng giờ trên bench làm thí nghiệm, cầm pipet và ống nghiệm hàng giờ thì rõ ràng làm một việc quá sức.

Thời đó, tôi lựa chọn Đại học Nông nghiệp I Hà Nội bởi lẽ đây là ngôi trường có bốn hồ nước rất đẹp, vườn táo ngon và có rất nhiều sân thể thao để thỏa mãn sức trẻ đầy ương bướng của tuổi 17. Và tôi mang tinh thần đó bước vào ngành học được xem là khó nhất. Hiển nhiên tôi rất may mắn khi học qua được 3 trên tổng số 14 môn học trong năm thứ nhất.

Tôi tiếp tục vật lộn để khi tốt nghiệp, một lần nữa rất may mắn được công tác tại nhóm nghiên cứu xuất sắc tại bộ môn Sinh học Phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp. Từ đó, dần dần, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của các anh chị đi trước, và từ lúc nào, tôi đã lựa chọn ngành công nghệ sinh học.

Tôi muốn nói rằng, chính những bài giảng của các thầy cô khoa công nghệ sinh học, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, những buổi hướng dẫn của các anh chị nghiên cứu đi trước tại Viện Di truyền Nông nghiệp đã định hình trong tôi niềm cảm hứng khi lựa chọn ngành công nghệ sinh học.

10/12/2020 11:06

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 15 Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn trả lời bạn đọc. Ảnh: Như Ý

Tại sao bạn lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ? (Trần Danh Tùng, Khoa điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn: Công nghệ là lĩnh vực mà tôi được đào tạo và làm việc trong suốt thời gian dài. Do đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là một điều tự nhiên đến với tôi. Tuy nhiên, ở thời điểm bắt đầu, tôi cũng phân vân giữa một vài hướng đi. Tôi cũng trăn trở với những vấn đề mà đất nước đang đối mặt như về nông nghiệp, tài chính…

Cuối cùng tôi đã chọn một sản phẩm thuần số, là phần mềm sử dụng như dịch vụ (SaaS). Lựa chọn này là tối ưu ở thời điểm đấy, bởi vì sản phẩm số là phương án cần ít vốn đầu tư ban đầu nhất. Khác với nông nghiệp hay các lĩnh vực khác sẽ cần rất nhiều vốn. GoStream ra đời đã đón làn sóng livestream trên mạng xã hội như Facebook và Youtube.

10/12/2020 11:10

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 16 Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn giao lưu với bạn đọc báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý

Bạn gặp khó khăn, thách thức gì trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp? Bằng cách nào để vượt qua những khó khăn đó? (tran_hoang_viettel@gmail.com)

Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn: Ở thời điểm thành lập, tôi đã từ bỏ một công việc tốt ở Hà Nội để về Nghệ An. Đây là một quyết định khó khăn, và vấp phải nhiều sự hoài nghi từ gia đình, bạn bè. Động lực lớn nhất để tôi ra quyết định đó là mong muốn thoát khỏi vòng an toàn để va chạm nhiều hơn nữa.

Khi bạn ở trong một công việc ổn định, bạn sẽ chỉ sử dụng những điều bạn đã biết để áp dụng vào công việc chứ khó phát triển được những kỹ năng mới. Và tôi không muốn chọn cuộc sống như vậy. Tôi muốn thay đổi môi trường, chọn một hướng đi khác hẳn để khám phá những khả năng khác của bản thân.

Việc quyết định về Nghệ An là một cái duyên với quê hương. Ban đầu tôi định chọn Đà Nẵng hoặc TPHCM để làm điểm dừng chân tiếp theo. Tuy nhiên đúng lúc đang lưỡng lự thì báo Nghệ An đã mời tôi về theo diện thu hút nhân lực. Và như vậy tôi cũng quyết định về Nghệ An để mong muốn đóng góp phần nào cho tỉnh nhà.

Khi về Nghệ An rồi, tôi nhìn thấy tiềm năng về phát triển công nghệ của tỉnh. Nghệ An không quá xa Hà Nội, có đường bay đi các thành phố lớn, đất rộng và dân số lớn trong khi không có nhiều các công ty công nghệ. Các cấp ban, ngành của tỉnh cũng hết lòng hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.

Nhận thấy cơ hội đó, tôi đã quyết định mở công ty khởi nghiệp tại Nghệ An. Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp ở quê đó là nguồn nhân sự không được như kì vọng, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong suốt một thời gian dài, chúng tôi rất chật vật để xoay xở tuyển những nhân sự chất lượng trong ngành công nghệ.

Hiện tại, chúng tôi có một nửa nhân sự là thu hút từ các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, một nửa là đào tạo từ sinh viên các trường trên địa bàn.

Nhân đây, tôi cũng mong muốn những bạn trẻ Nghệ An muốn về quê để làm việc, khởi nghiệp và để xây dựng quê hương thì hãy mạnh dạn thực hiện. GoStream sẽ luôn bên cạnh giúp đỡ các bạn trẻ.

10/12/2020 11:12

Nói đến khát vọng Việt Nam, chị có khát vọng gì? Là một nhà khoa học trẻ chị muốn đóng góp gì cho đất nước? (Vũ Lan Anh, Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM)

Nhà khoa học Hồ Thị Thương: Tôi có một khát vọng đó là được đóng góp và cống hiến một phần sức lực, nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời mang đến cho nước nhà những sản phẩm vaccine thú y có hiệu quả ứng dụng tốt trong tương lai.

10/12/2020 11:14

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 17 Tiến sĩ Chu Đức Hà. Ảnh: Như Ý

Anh có kế hoạch và mục tiêu gì cho năm 2021? (tathutrang_89_76@gmail.com)

Tiến sĩ Chu Đức Hà: Năm 2021 là bắt đầu cho giai đoạn tiếp theo của đất nước 2021 – 2025. Vì vậy, rất nhiều thời cơ và thách thức đang chờ đón tôi và nhóm nghiên cứu. Chúng tôi đã có những kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ càng cho việc đăng ký các đề tài phù hợp với tầm vóc của thanh niên. Đồng thời, tiếp tục hướng đến việc chọn tạo thành công các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu để phục vụ bà con vùng chịu thiệt hại của thiên tai.

Đây có lẽ là kế hoạch dài hạn của nhóm nghiên cứu chúng tôi tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Trên tất cả, nhiệm vụ mà tôi được các anh chị Viện Di truyền Nông nghiệp và gia đình giao phó trong năm 2021 là lập gia đình.

10/12/2020 11:16

Anh đánh giá như thế nào về xu thế khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số hóa hiện nay và cơ hội thành công của các startup trẻ? (tuanduong_vu09@gmail.com)

Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là một làn sóng trong xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm ngành công nghệ số hoá. Sở dĩ ngành này thu hút các bạn trẻ khởi nghiệp là bởi khả năng tiếp cận thị trường và phát triển nhanh. Dân số Việt Nam vẫn đang là dân số trẻ và số lượng kết nối internet ngày càng tăng là mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ khai thác.

Tuy nhiên hiện nay, phần lớn dữ liệu của người Việt Nam đều nằm trong tay các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google. Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đều nung nấu khát vọng thay đổi được thực trạng này.

Cơ hội thành công của các startup rất tốt bởi chúng ta đang có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị cũng như các nhà đầu tư quốc tế. Rất nhiều ý tưởng đã được đầu tư, hỗ trợ và đang phát triển rất tốt. GoStream cũng kì vọng mang sản phẩm của mình ra để chinh phục thị trường quốc tế, mang thương hiệu Việt Nam tiếp cận thế giới.

10/12/2020 11:21

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 18 Nhà khoa học trẻ, Thạc sĩ Hồ Thị Thương. Ảnh: Như Ý

Được biết, chị là đồng tác giả sáng chế quốc tế năm 2018: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions. World Intellectual Property Organization. Patent Number. Chị có thể chia sẻ cụ thể về sáng chế này được không? Sáng chế này đã được ứng dụng vào thực tiễn chưa và có ý nghĩa thế nào đối với cuộc sống? (Trần Hiền Lương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Nhà khoa học Hồ Thị Thương: Cùng với hai thầy của tôi là GS Udo Conrad và TS. Phan Trọng Hoàng (Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng, IPK, CHLB Đức), trong sáng chế này, chúng tôi đã phát minh ra một phương pháp sản xuất protein oligomer trong tế bào nhân thực bằng cách đồng biểu hiện của hai protein dung hợp trong tế bào nhân thực, bao gồm 1 protein dung hợp S-Tag, trong đó protein có thể là kháng nguyên hoặc kháng thể và một protein dung hợp S-protein- tp.

Sáng chế có mục tiêu là tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng cũng như một phương pháp dễ dàng để sản xuất các protein oligomer trong tế bào nhân thực, ứng dụng cho việc phát triển vaccine, trong đó có vaccine phòng chống cúm gia cầm A/H5N1.

Cúm gia cầm thể độc lực cao là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh với tỉ lệ gây chết cao trong đàn gia cầm bị bệnh. Dịch cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Hàng chục triệu gia cầm và thuỷ cầm đã bị chết hoặc bị tiêu huỷ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho ngành chăn nuôi. Việc chủ động được nguồn vaccine phòng chống cúm gia cầm sẽ giảm chi phí cho nền kinh tế và chủ động đáp ứng nhanh nhu cầu khi có các biến chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam. Một vaccine cúm tiểu đơn vị tiềm năng được phát triển dựa vào kháng nguyên HA có cấu trúc phù hợp, được kỳ vọng sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Trong công bố trước của Phan Trọng Hoàng và cộng sự (2013), HA trimer được chứng minh là có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm. Với mục tiêu tăng cường tính sinh miễn dịch của kháng nguyên HA tái tổ hợp, chúng tôi đã phát minh ra một phương pháp sản xuất HA dạng oligomer từ các HA dạng trimer trong thực vật thông qua việc đồng biểu hiện protein HA trimer S-tag với S protein-tp.

Protein HA oligomer tạo ra đã được chứng minh có khả năng kích thích sản sinh kháng thể IgG đặc hiệu HA và kháng thể trung hòa mạnh mẽ hơn protein HA trimer.

Kết quả này cho thấy tiềm năng ứng dụng của phương pháp sản xuất protein oligomer thông qua việc dung hợp S-tag và S-protein trong việc phát triển vaccine trong tương lai.

10/12/2020 11:25

Bạn mong muốn đóng góp sức trẻ của mình thế nào đối với sự phát triển của đất nước? (nguyenhoang_tran89@yahoo.com)

Doanh nhân Nghiêm Tiến Viễn: Là một người trẻ, tôi rất mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của đất nước. GoStream đã có những hành động cụ thể, đó là khởi nghiệp tại Nghệ An. GoStream hiện có trụ sở chính tại Nghệ An với 25 nhân sự và văn phòng đại diện ở TPHCM. Chúng tôi liên tục thu hút các bạn trẻ Nghệ An từ các thành phố lớn về làm việc tại Nghệ An để cùng chung tay xây dựng tỉnh nhà. Mong muốn của GoStream là xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Nghệ An và hướng đi này đang được các cấp chính quyền rất ủng hộ và hỗ trợ về mặt chính sách.

Mảnh ghép mà chúng tôi cần nhất hiện tại là các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân về quê lập nghiệp. Về quê không có nghĩa là sản phẩm của bạn chỉ phục vụ trong địa bàn tỉnh. GoStream đã và đang phục vụ tốt thị trường toàn quốc và hoàn toàn có thể tự tin vào sự thành công ở thị trường quốc tế.

10/12/2020 11:27

Thương có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình nghiên cứu cấu trúc của virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) của nhóm nghiên cứu? (Nhà báo Hoàng Long, phụ trách Ban Thanh niên, báo Tiền Phong)

Nhà khoa học Hồ Thị Thương: Khó khăn trong quá trình nghiên cứu cấu trúc của virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) là rất phức tạp bao gồm hơn 160 loại protein khác nhau. Cho đến nay các nghiên cứu khác trên thế giới hiện tại chưa có nghiên cứu nào chắc chắn loại kháng nguyên nào là có vai trò then chốt trong việc kích thích sản sinh đáp ứng miễn dịch và có vai trò bảo hộ được lợn khỏi virus này.

Việc lựa chọn, biểu hiện và đánh giá hoạt tính sinh miễn dịch của các kháng nguyên tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra ứng viên vaccine phòng chống tả lợn Châu Phi. Hiện tại nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã và đang lựa chọn được một số kháng nguyên tiềm năng để biểu hiện các kháng nguyên này trên hệ thống thực vật. Hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới có thể đánh giá hoạt tính sinh miễn dịch của các kháng nguyên trên.

10/12/2020 11:31

Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam ảnh 19 Bác sĩ Đồng Phú Khiêm. Ảnh: Như Ý

Chắc hẳn thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19 vừa qua là khoảng thời gian xa nhà lâu nhất. Vậy bác sĩ có thể chia sẻ đến bạn đọc Tiền Phong quãng thời gian đó? Gia đình đã có những ủng hộ như thế nào với anh? (Lý An An, Cổng thông tin Điện tử Thánh Gióng)

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm: Đúng là khoảng thời gian tham gia chống dịch là lần tôi xa nhà lâu nhất. Theo quy định về phòng chống dịch, các bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh nhân là những người nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì vậy cần phải thực hiện cách ly tại đơn vị điều trị bệnh nhân. Đồng thời sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trước khi trở về với gia đình, cộng đồng cần được cách ly thêm ít nhất 2 tuần, có kết quả xét nghiệm âm tính mới được về.

Trong khoảng thời gian cách ly như vậy sự quan tâm động viên từ người thân, bạn bè và cả từ cộng đồng là động lực rất lớn để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Sự động viên về tinh thần và cả những vật chất là các phương tiện phòng hộ, phương tiện giúp hỗ trợ điều trị, hay đơn giản là nhưng ly trà sữa, những cốc cà phê gửi từ cộng đồng này là nguồn động viên khích lệ rất lớn, khiến chúng tôi cảm thấy tự tin hơn, quyết tâm hơn trong cuộc chiến này.

10/12/2020 11:35

Là một nhà khoa học, đồng thời là người cán bộ Đoàn. Anh đã làm những gì để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp nói riêng đến với các bạn trẻ? (Trần Quang Long, Nghệ An)

Tiến sĩ Chu Đức Hà: Làm chủ khoa học công nghệ là sứ mệnh của thế hệ trẻ. Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ trong thế hệ thanh niên, cũng như thúc đẩy thanh niên làm chủ khoa học công nghệ là nhiệm vụ của tổ chức Đoàn. Là một thủ lĩnh Đoàn của Viện Di truyền Nông nghiệp, tôi đã cố gắng xây dựng các hoạt động gắn liền với chuyên môn với các tổ chức Đoàn cơ sở, như một số chương trình Nhà khoa học trẻ thời đại, Hội nghị Khoa học thanh niên cũng như cố gắng xuất bản tạp chí và ấn phẩm số giành riêng cho các nghiên cứu độc lập của thanh niên.

Dưới sự hỗ trợ của Đoàn cấp trên, các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở được ưu tiên dành cho thanh niên trẻ dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện đồng ý tạo điều kiện để Đoàn thanh niên trở thành 1 kênh đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.

Mặt khác, tăng cường mở rộng trao đổi thông tin và gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đơn vị đào tạo và các địa phương trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, từ đó tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ mở rộng tầm nhìn, sức sáng tạo và qua đó tăng thêm cơ hội hợp tác, kết nối. Chính sự kết nối đó đã mở ra các cơ hội hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ trẻ.

10/12/2020 11:43

Hiện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân COVID - 19. Vậy bệnh viện đang thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo điều trị song song cho bệnh nhân mắc COVID – 19 và các bệnh nhân điều trị các bệnh thông thường khác, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế? (Hoàng Minh Thảo, Đại học Y Hà Nội)

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm: Hiện tại các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt như giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Bệnh viện vẫn tiếp tục được duy trì và tăng cường thực hiện các biện pháp cách ly điều trị bệnh nhân dương tính, thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm lây nhiễm chéo…

Rất may mắn là dịch bệnh trong cộng đồng được khống chế tốt nên hiện nay bệnh viện chủ yếu tiếp nhận là người từ nước ngoài về. Do số lượng không quá lớn nên quy mô số giường, nhân viên cần trực chiến chống dịch cũng được giảm bớt. Hiện tại bệnh viện bố trí khu vực cách lý riêng biệt, phân luồng riêng để tiếp nhận bệnh nhân dương tính và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn cho các khu vực điều trị các bệnh nhân thông thường cũng như nhân viên ở các khu vực này.

Hiện nay dù dịch bệnh trong nước đang được khống chế rất tốt, tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp. Một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý chủ quan và không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, nhân buổi này tôi rất mong người dân cần tiếp tục duy trì tinh thần phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế và các quy định của địa phương.

Theo Ảnh: Như Ý
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.