Đánh thức 'mỏ vàng' ở Đam Rông

0:00 / 0:00
0:00
Suối khoáng ở Đạ Tông ảnh: Sam Ngo
Suối khoáng ở Đạ Tông ảnh: Sam Ngo
TP - Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Đam Rông (Lâm Đồng) đang tìm hướng thoát nghèo nhanh hơn bằng cách phát triển tiềm năng du lịch, đặc biệt là khai thác những “mỏ vàng” suối khoáng nóng.

Hơn 70% dân số của huyện Đam Rông là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người K’Ho và M’Nông. Nơi đây có nhiều thắng cảnh hồ thác tuyệt đẹp, nhất là chuỗi suối khoáng nóng hiếm nơi nào có được. Thế nhưng người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và thu hái lâm sản phụ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chi hơn 1 tỷ đồng triển khai đề tài nghiên cứu đánh giá trữ lượng và chất lượng nguồn nước khoáng nóng để tìm hướng phát triển kinh tế của huyện.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy 4 suối nước khoáng ở hai xã Đạ Tông và Đạ Long là nguồn nước khoáng giá trị cao bởi nhiệt độ từ 36 - 45OC (trong khi nhiệt độ ngoài trời dao động ở mức 16 - 31 độ C), chứa hàm lượng silic và flour đáng kể, lưu lượng 1.330m3/ngày, phù hợp để đầu tư sản xuất nước uống đóng chai với sản lượng không dưới 50 triệu lít/năm. Mặt khác, chuỗi suối khoáng này có tác dụng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh về hệ tiêu hóa, thần kinh, xương - khớp…

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kêu gọi doanh nghiệp xây dựng các khu tham quan, nghỉ dưỡng, ngâm tắm và chữa bệnh tại chuỗi suối khoáng bị “bỏ quên” này và đã có một số nhà đầu tư hưởng ứng. Là người đã có hàng chục năm công tác tại cơ quan quản lý du lịch ở Lâm Đồng, ông Ngô Tuấn Cường cho rằng: “Chuỗi suối khoáng nóng ở Đam Rông là món quà thiên nhiên vô giá. Làn nước trong vắt chảy qua hệ thống đá bàn, đá phiến tự nhiên cùng màu xanh tươi tốt của cỏ cây nơi đại ngàn đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa thơ mộng vừa hoang sơ, đậm chất Tây Nguyên”.

Sau khoảng 15 phút để làn nước nóng chảy qua, massage nhẹ nhàng làn da, du khách đi bộ vài trăm mét để đến dòng suối mát trong vắt, tựa lưng vào phiến đá trắng để ngâm mình thư giãn, cảm nhận làn nước mát ngấm vào da khoan khoái, nghe chim ríu rít, ngắm những giò phong lan rừng và những chú sóc chuyền cành đáng yêu. Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng, du khách lâng lâng trong men rượu cần cùng tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.

“Để hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thì nhà hàng, khách sạn trong các khu suối khoáng nóng nên được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên. Người dân địa phương sẽ có nguồn thu nhập đáng kể nhờ ủ rượu cần, cung cấp cá suối, rau rừng, tái hiện các lễ hội văn hoá phi vật thể truyền thống lâu đời như lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới, lễ bỏ mả…”, ông Cường chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.