Thuộc gia đình Toyota danh giá, Hilux vốn có chỗ đứng vững chắc trong thị trường xe hơi Việt, nhưng bán tải Hilux phiên bản 2016 vừa được Toyota Việt Nam giới thiệu vẫn cần phải chứng tỏ mình, để cạnh tranh trong phân khúc khốc liệt, với nhiều cái tên ấn tượng này.
Người ta thường nói Ranger là dành cho "người thành phố", những người ngày thường khoác lên mình những bộ vest lịch thiệp, nhưng ngày nghỉ sẵn sàng thay bằng những bộ đồ bụi bặm, và cùng với chiếc bán tải kia lên non xuống biển.
Vậy Hilux mới thuộc về ai? Chiếc bán tải mới này của Toyota có lẽ phủ sóng rộng hơn, bởi nó đơn giản hơn, ít công nghệ hơn, có phần bền bỉ hơn và dã chiến hơn. Sự thật phũ phàng vẫn luôn hiện hữu: Ít công nghệ hơn đồng nghĩa với ít lỗi hơn, ít hỏng hóc hơn và ít phải tới xưởng dịch vụ hơn. Toyota vẫn vậy, thực dụng tới lạnh lùng và khiến nhiều người phật lòng, nhưng vẫn có nhiều khách hàng trung thành và yêu thích.
Phiên bản được sử dụng trong bài viết là bản Hilux cao cấp nhất, có giá 877 triệu đồng, sở hữu hộp số tự động 5 cấp, động cơ 3.0L, dẫn động 2 cầu, cùng nhiều trang bị nhất.
Vẻ bề ngoài của Hilux đậm chất bán tải hơn, trong khi nhiều cái tên bán tải khác trên thị trường đã lai SUV khá nhiều, bởi sự thay đổi về thị hiếu người dùng. Điều đó không có nghĩa Hilux tỏ ra kém sắc hơn những đối thủ, mà nó là hình tượng điển hình với sự mạnh mẽ và bền bỉ đặc trưng của bán tải.
Hilux có vóc dáng to lớn, phần đầu hơi thuôn nhọn so với những bán tải khác vốn được làm vuông vắn. Nhưng bù lại, nắp capo gồ lên khe hút gió tản nhiệt tạo cảm giác mạnh mẽ riêng. Nhìn từ bên trong xe, "lỗ mũi" này cũng khiến người lái có cảm giác chiếc xe trông to lớn và bệ vệ hơn.
Phần đầu xe cũng đẹp hơn khá nhiều so với phiên bản trước, với lưới tản nhiệt được làm mới, cụm đèn pha với điểm nhấn là dải LED chiếu sáng ban ngày. Hilux không sở hữu giá để đồ trên nóc xe, trang bị bên ngoài còn có thêm gương chiếu hậu chỉnh điện và gập điện, vốn rất cần thiết với những chiếc xe to lớn.
Gầm cao là ưu điểm vượt trội của Hilux so với các đối thủ. Khoảng sáng gầm xe lên tới 286mm, vô địch so với các bán tại tại Việt Nam (Ford Ranger có khoảng sáng gầm xe 210mm). Hệ thống treo trước độc lập tay đòn kép, hệ thống treo sau nhíp lá, mang lại cảm giác tương đối chắc chắn, kết hợp cùng gầm cao và góc thoát, góc tới tốt, cho khả năng offroad có lẽ là tốt nhất phân khúc.
Bên trong xe, không gian đơn giản đúng phong cách bán tải cũng được Toyota áp dụng triệt để trên Hilux. Không rườm rà như các đối thủ, Hilux chọn cách tấn công trực diện. Không gian vừa đủ rộng rãi, vị trí ngồi cao, tầm quan sát tốt và các thao tác đơn giản, hiệu quả là những gì Hilux mang lại cho người lái cũng như những người ngồi bên trong xe.
Vô lăng to bản, cầm lái rất chắc tay, các nút bấm trên vô lăng ở vị trí phù hợp dễ dàng sử dụng, điều chỉnh âm thanh, gọi điện thoại rảnh tay hay chuyển các chế độ trên đồng hồ trung tâm. Hệ thống âm thanh giải trí trên Hilux ở mức đủ nghe, không phải là quá xuất sắc. Không có màn hình LCD, Hilux sở hữu khe cắm đĩa và các cổng kết nối nghe nhạc thông dụng.
Hai điểm khiến Hilux được cho là tốt hơn đối thủ, đó là khởi động bằng nút bấm Start/Stop và cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau. Đây đều là những tiện nghi không quá cao cấp, nhưng là cần thiết để tạo cho người ngồi trên xe cảm giác được chăm sóc chu đáo nhất, và Hilux đã thông minh khi trang bị 2 thứ này.
Đó chính là yếu tố đặc biệt khiến cho nhiều người luôn đánh giá Hilux mang lại cảm giác thoải mái như 1 chiếc xe thể thao đa dụng.
Tuy vậy, Hilux thiếu đi chế độ hỗ trợ đổ đèo, kiểm soát hành trình, cảm biến lùi cũng như camera lùi. Với 1 chiếc xe cồng kềnh như Hilux, việc trang bị “mắt thần” ở phía sau sẽ giúp cho việc lùi đỗ hay điều khiển xe ở không gian hẹp trở nên thuận lợi hơn.
Toyota Hilux mới sử dụng hộp số tự động 5 cấp được tinh chỉnh để tối ưu hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu. Trên thực tế, động cơ 3.0L công suất 161 mã lực và mô men xoắn cực đại 360 Nm hoạt động khá mạnh mẽ, âm thanh tạo cảm hứng trên đường đèo dốc, và không e ngại địa hình nào. Ưu điểm của dòng động cơ này của Toyota là rất lành, ít hỏng hóc và không kén nhiên liệu, cũng là ưu điểm mà 1 chiếc bán tải dã chiến rất cần tới.
Ngồi trong xe, khả năng cách âm của Hilux là tương đối tốt, âm thanh vọng vào xe chủ yếu tới từ tiếng động cơ dầu đặc trưng, và một chiếc bán tải nếu không có âm thanh này thì có vẻ kém hấp dẫn. Vô lăng hoạt động linh hoạt trong cả 3 điều kiện đường thành phố, đường cao tốc và đường đồi núi, một ưu điểm của Hilux mới. Chân ga đáp ứng tương đối chuẩn xác, khiến việc điều khiển Hilux tạo cảm giác khá thú vị, dù ở trong điều kiện giao thông nào.
Không có hỗ trợ đổ đèo, nên việc đổ đèo hoàn toàn là kỹ năng của người lái, gồm phanh và vị trí S trên cần số, và chiếc xe cũng không khiến người lái thất vọng, với sự an toàn và chắc chắn luôn được thể hiện. Một điểm nổi bật khác không thể bỏ qua trên Hilux, đó là dù có khoảng sáng gầm xe cao nhất phân khúc, nhưng xe không hề thể hiện sự chòng chành và mất cân bằng hay gợn tay lái trong những tình huống vào cua. Các khúc cua đều được Hilux thực hiện êm ái, an toàn và chắc chắn.
7 là số túi khi được Toyota trang bị trên Hilux phiên bản cao cấp nhất, trong đó các phiên bản khác có 3 túi khí. Ngoài ra, các hệ thống an toàn khác gồm chống bó cứng phanh, phân bổ lực phanh điện tử, hỗ trợ phanh khẩn cấp, chống trơn trượt, đặc biệt là hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A - TRC kiểm soát lực kéo ở tất cả các bánh xe trong mọi tình huống, khởi hành ngang dốc và cảnh báo phanh khẩn cấp. Có thể nói Hilux mới sở hữu những trang bị an toàn rất hữu ích, khá vượt trội cho với phiên bản trước.
Có thể kết luận Toyota Hilux thế hệ mới chưa chiếm vị trí cao nhất trong làng xe bán tải tại Việt Nam, tuy nhiên nó có những cá tính riêng và chất bán tải nhiều nhất với sự thực dụng, sự mạnh mẽ, sự bền bỉ, cùng sự năng động trên nhiều điều kiện đường xá cũng như địa hình.
Với những người muốn có một người bạn đường trung thành, tận tụy và không quá khoa trương, Hilux là lựa chọn hợp lý.