Chân thành và mộc mạc, Bảo Yến chia sẻ với tôi về những đau khổ chị đã trải qua, những hạnh ngộ, được - mất trong cuộc đời và con đường mà chị đã lựa chọn.
Rất nhiều công chúng Hà Nội nhớ tiếng hát của chị. Vì sao đến bây giờ chị mới trở lại Hà Nội?
Suốt 35 năm, đi hát, nhận show đi các tỉnh, hát quên ngày tháng, tôi nhận được rất nhiều niềm vui, nhưng cũng có quá nhiều những phiền toái, thị phi, thị phi về gia đình, về đời sống riêng, người đời thêu dệt nên quá nhiều câu chuyện kinh khủng, khiến tôi suy sụp, đau đớn. Ngày đó chồng tôi còn trẻ và đào hoa. Tôi thấy cuộc đời cay đắng quá nên tôi quyết định khép lại tất cả và đi tu. Tôi thấy duyên Phật pháp đem lại cho mình sự an lạc, thanh tịnh, tôi không đánh đổi nữa.
Cuộc đời chỉ cho mình sự hào nhoáng bên ngoài, tiền bạc, vật chất không mang đến hạnh phúc. Khi tôi đứng trên vinh quang, tôi thấy, công danh địa vị, những thứ mà nhiều người say mê, tìm kiếm không có ý nghĩa gì với mình. Tôi thấy mình lạc lối, cô độc, đi trong bóng tối, không tìm được con đường để hạnh phúc. Lúc đó tiền tài cũng vô nghĩa, tình yêu cũng không có giá trị, tình cảm gia đình sứt mẻ, tôi không có điểm tựa ngay trong chính gia đình mình. Và tôi chọn con đường tu hành, ẩn dật suốt từ năm 35 đến 45 tuổi. Có lẽ đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.
Không đi hát, chị có nghĩ mình đã phụ lòng mến mộ của khán giả?
Tôi đã cống hiến cho khán giả quá đủ rồi, suốt cả một thời tuổi trẻ, cả nhạc đạo và nhạc đời. Giờ tôi phải lo phần tâm linh của mình. Tôi nghĩ đến 60 tuổi là tôi sẽ dứt hoàn toàn việc đời. Tại sao phải 60, tôi tự kỷ ám thị với chính mình luôn, để mình thức tỉnh, không bị trì níu bởi những vui buồn của đời sống. Tôi sẽ cắt hết các mối quan hệ bạn bè, anh em để đào sâu tâm linh, để được thanh thản nhất.
Tôi nhớ một thời giọng ca của chị vang lên khắp nơi, Chị nhớ gì về những ngày đó?
Đó là những ngày hạnh phúc vì Bảo Yến được khán giả yêu mến, được mang tiếng hát đến cho mọi người. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy những ngày đó khổ ải lắm, được mất - hơn thua, miệng tiếng thị phi làm cho tôi đau đớn, khổ sở. Đạt được những thành công cũng trầy da tróc vảy và nhận ra rằng, danh vọng chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống của mình cả. Tôi muốn dành 20 năm còn lại để tu và giác ngộ. Tôi muốn phải đạt tới đích để được siêu thoát về cõi A di đà.
Chị chọn con đường tu khi sự nghiệp đang rực rỡ. Với nhiều người, để từ bỏ danh vọng, sự nổi tiếng thật khó khăn. Vì sao chị có thể rời bỏ nó một cách nhẹ nhõm như thế?
Đối với tôi, tôi không coi đó là danh vọng hay đỉnh cao, tôi thấy bình thường thôi, chỉ là ông trời cho tôi một giọng hát để cống hiến cho khán giả và kiếm tiền nuôi sống gia đình thôi. Cái gì rồi cũng tàn tạ mà, ai rồi cũng đi vào cõi chết, kể cả những người tài giỏi cũng thế. Cứ trôi lăn theo sự trồi sụt của đời sống mình sẽ không thoát ra được.
Chọn đường tu rồi sao chị quay trở lại?
Vì lúc đó tôi mới 45 tuổi, nếu bỏ sớm quá thì mình cũng phụ nghề của mình. Tình yêu với âm nhạc vẫn còn, chỉ có đam mê, tham vọng là không còn, giống như khi ta khao khát có một vòng xuyến, giờ có rồi, tôi không còn muốn nữa. Tôi cũng quý trọng ca sĩ Ngọc Châm với chuỗi chương trình Vàng son một thuở. Đó cũng là duyên để chúng tôi gặp nhau. Tôi rất yêu người Hà Nội, có nhiều kỷ niệm đẹp với Hà Nội. Ngày xưa, tôi từng ao ước được đi Đức một chuyến, thế là mấy anh Hà Nội xúm vào giúp tôi đi. Khán giả Hà Nội cũng rất thủy chung, tôi muốn thăm lại họ một lần, coi như lần cuối.
Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghệ thuật. Ai đã nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát cho chị? Chị có ân hận vì mình đã đi con đường đó?
Bố tôi là nhạc sĩ đài phát thanh, ông mời thầy về dạy đàn violon, piano cho Nhã Phương và Kim Tuấn. Còn tôi, hồi đó, tôi vẽ rất giỏi, nên ông bảo, con vẽ giỏi rồi, không nên học nhạc cụ nữa. Vì thế trong nhà, chỉ tôi không biết chơi nhạc cụ. Ba cũng là người truyền cảm hứng ca hát cho tôi. Còn ân hận ư, tôi chưa bao giờ ân hận, dù cuộc đời tôi chịu quá nhiều đau khổ. Tôi vẫn cảm ơn trời Phật đã cho tôi tiếng hát, mang đến cho mọi người, chia sẻ với họ niềm vui, nỗi buồn. Nhưng thứ mà tôi mang ơn trong cuộc đời này lại là những bộ kinh Phật. Nếu không có nó, có lẽ giờ tôi đã tàn tạ rồi.
Bảo Yến hát cùng con trai trong liveshow "Đường xưa" tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Và các con chị cũng làm nghệ thuật, chị có phải là người định hướng cho các con?
Hai con trai của tôi, Bảo Châu và Khải Ca cũng mê âm nhạc, nhưng tôi không muốn các con đi chuyên nghiệp. Làm nghệ thuật cho vui thôi, chứ coi là nghiệp thì khổ ải lắm. Đời tôi thấm thía rồi, tôi không muốn các con lặp lại câu chuyện của mẹ. Tôi cũng hướng hai đứa theo con đường tu, đến một tuổi nào đó, sau khi đã va đập, đã khổ đau sẽ tìm đến đạo Phật. Nhưng tôi cũng tôn trọng sự lựa chọn của chúng, đã trót đam mê rồi thì cũng rất khó từ bỏ.
Lâu rồi khán giả Hà Nội mới gặp lại chị, vẫn một Bảo Yến tha thiết, nồng nàn như xưa. Sau bao nhiêu năm chị vẫn chung thủy với mái tóc dài và kiểu thời trang riêng của Bảo Yến. Nhiều người bảo, Bảo Yến hát với ai cũng thành solo của riêng chị. Điều gì giữ cho chị được sự bền bỉ đó?
Đây là đêm nhạc giới thiệu những sáng tác của chồng và em trai tôi, nhạc sĩ Quốc Dũng và nhạc sĩ Kim Tuấn. Tôi mong muốn đêm này thật hoàn hảo để đem lại cho khán giả một kỷ niệm, một đêm tạ tình với người Hà Nội, vì tôi rất yêu khán giả Hà Nội. Có lẽ nhờ 15 năm tu hành, thay vì tôi ra ngoài đời gặp thêm những sóng gió, tôi dừng lại để tu, và không tiếp nhận thêm nỗi đau khổ nào nữa nên tôi vẫn giữ được sức khỏe và sự trẻ trung.
Chị có hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình?
Giờ tôi sống nhẹ nhõm, hạnh phúc vì mình đã giác ngộ. 35 tuổi, tôi bỏ hết, thỉnh tất cả các bộ kinh về đọc. Tôi sống một mình trên tầng 3, cắt hết mọi giao tiếp ở ngoài, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, rồi hành thiền và niệm Phật. Đó là thời gian tôi hạnh phúc nhất, hạnh phúc hơn cả thời vàng son đi hát của mình. Bây giờ tôi thấy nhẹ nhõm, chồng tôi, nhạc sĩ Quốc Dũng đã quay trở về, nhưng tôi nghĩ, chỉ mấy năm nữa thôi, 60 tuổi, tôi sẽ đi tiếp con đường tu.
Chị khẳng định rằng, đây là lần cuối chị gặp gỡ khán giả Hà Nội, sau này, khoảng 60 tuổi, sẽ khóa máy điện thoại, khóa cửa, không giao tiếp, không giao lưu, ăn chay trường, sống cuộc sống thanh tịnh, nhẹ nhàng, tu hoàn toàn cho đến khi về cõi A di đà. Chị có cực đoan quá không, bởi tôi nghĩ, hạnh phúc của người ca sĩ là được hát, được đứng trên sân khấu?
Có thể nhiều người cho rằng tôi ngớ ngẩn. Nhưng tôi thấy mình sống đủ rồi, hạnh phúc, cay đắng, đủ cả rồi. Tôi lựa chọn con đường để thấy tâm thanh tịnh và an lạc. Tôi tự hạn định cho mình là 60 tuổi, bởi tôi cũng sợ bị rủ rê. Trong mỗi con người luôn có 2 con người khác nhau, biết đâu lúc đó, thấy mọi người khen Bảo Yến còn hát hay lắm, còn trẻ lắm, tôi lại bị mê hoặc. Nên tôi sẽ tự hạn định cho mình như thế, đúng 60 tuổi, tôi sẽ gác lại tất cả, không giao lưu, không gặp gỡ, ăn chay trường và tĩnh tâm tu hành.
Nhiều người quan niệm," tu" không có nghĩa là phải xa rời đời sống, họ "tu" trong tâm thế nhập thế. Còn chị, vì sao chị nghĩ đi hát thì không thể "tu" được?
Trong khoảng thời gian đi tu 10 năm, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Nhưng đến khi tôi trở lại với đời, làm việc đời, mọi thứ cứ bộn bề, ồn ào. Tôi cần sự thanh tịnh, sống sâu trong thế giới của mình, lúc đó mới giác ngộ được. Tôi muốn tu để về cõi A di đà. Tôi quyết tu và thực chứng cho bằng được. Tôi cũng đã thử, mình vừa dấn thân, giúp đời, vừa đi tu vừa hát, nhưng tâm linh vẫn bị náo động, trầm luân theo sóng gió, trồi sụt của cuộc đời. Những tham, sân, si, những hỷ, nộ, ái, ố cũng đã giảm, nhưng mình vẫn bị chi phối. Phải trọn vẹn mới đi tới cùng của đường tu, đó cũng là tính cách của tôi, làm gì cũng phải tới cùng, không lỡ dở, không nửa này nửa kia.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.