Đằng sau việc Triều Tiên phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae

Ảnh: KCNA
Ảnh: KCNA
TPO - Phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae là cách nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ với Mỹ để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.

Sau cao trào của cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên, tình hình bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái trầm lắng. Các nhà quan sát thế giới đang kỳ vọng vào sự tiến triển thực chất mà Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Những thông tin và bằng chứng về việc Triều Tiên bắt đầu quá trình phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae-khu vực có vai trò quyết định tới thành bại của chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng, thực sự là một tin tức tích cực trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Nhóm nghiên cứu "38 North" hôm 23/7 đã cho công bố nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Triều Tiên đã bắt đầu triển khai các công việc phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae.

Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu "38 North", Trung tâm phóng vệ tinh Sohae là khu vực chuyên phóng vệ tinh của Triều Tiên từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, Trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng.

Do đó, những nỗ lực của chính quyền Bình Nhưỡng trong việc phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae có ảnh hưởng tích cực tới việc xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Triều Tiên và Mỹ.

Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, tướng Vincent Brooks phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen (Mỹ) hôm 20/7 cho biết: "Trong 235 ngày đã qua, tình hình Bán đảo Triều Tiên không có bất kỳ sự khiêu khích nào. Ngoài ra, tướng Vincent Brooks cũng bày tỏ rằng nhịp độ hành động của quân đội Triều Tiên có phần giảm xuống. Điều này có khả năng là do sự tiếp xúc gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên."

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù những động thái này của Triều Tiên không làm yếu đi thực chất về năng lực hạt nhân và lực lượng quân sự thông thường của Bình Nhưỡng, tuy nhiên, nỗ lực của Triều Tiên đã phát đi những tín hiệu hữu nghị. Dự báo kế hoạch từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng trong thời gian tới.

Đồng thời, thông qua việc phá bỏ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thử nghiệm việc chuyển trọng tâm chiến lược của quốc gia từ nghiên cứu phát triển vũ khí sang phát triển kinh tế.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến hành nhiều cuộc thị sát các nhà máy, công trình xây dựng và cơ sở sản xuất nông nghiệp ở khắp nơi trong nước.

Đồng thời, Triều Tiên cũng giảm thiểu những phát ngôn mang tính khiêu khích. Một loại các động thái này cho thấy, Triều Tiên thực sự có dụng ý tiếp tục cải thiện quan hệ với Mỹ, đồng thời tranh thủ thông qua kế hoạch từ bỏ hạt nhân để đổi lại việc chấm dứt các biện pháp cấm vận từ Mỹ, qua đó hoàn thành sự chuyển đổi môi hình chiến lược quốc gia.

Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một quá trình dài lâu, không thể một sớm một chiều có thể thực hiện được.

Một loạt các động thái thiện chí từ Triều Tiên cho thấy, tiến trình này hoàn toàn có thể đạt được những đột phá nhất định nếu các bên liên quan thực sự có thiện chí và quyết tâm.

MỚI - NÓNG