Đằng sau những câu chuyện 'lặng người' của Đặng Hồng Giang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kể từ sau khi “Lửa Thiện Nhân” làm nên cú chấn động ở các phòng vé và lưu diễn ở nhiều trường học, cái tên Đặng Hồng Giang trở thành bảo chứng cho những bộ phim tài liệu đáng xem. Tần suất làm phim không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của anh đều ít nhiều chạm đến trái tim khán giả.

“Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười”

Mỗi lần xem phim của Đặng Hồng Giang đều khiến tôi nhớ đến một câu nói của Nguyễn Huy Thiệp: “Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần”. Kể từ lần đầu ở rạp Ngọc Khánh rơi nước mắt tập thể khi xem “Lửa Thiện Nhân”, cho đến một số phim sau này của anh như: “Đáng sống”, “Mầm sống”, “Một con đường”, “Đi về miền đất lạnh” hay gần đây nhất là “Về nhà”, ở góc độ nghề nghiệp tôi hay tự hỏi, trước khi làm nhân vật, rồi khán giả khóc, bản thân đạo diễn đã bị những câu chuyện làm xúc động ở mức độ nào?

Hỏi tác giả, anh bảo: nhiều nhân vật chính của phim bật khóc với chính câu chuyện của mình khiến tôi cũng rơi nước mắt. Nhưng tất nhiên tôi cần phải tỉnh táo hơn nhân vật để giữ mạch của câu chuyện. Lại hỏi, người ta bảo anh là trùm lấy nước mắt khán giả, có phải anh cố tình không? Đặng Hồng Giang lắc đầu: bản thân nhân vật và câu chuyện của họ nó thế chứ. Và với thể loại phim tài liệu hiện thực thì không thể thêm bớt hay tô hồng lên được. Có chăng là mình sắp đặt cấu trúc phim khéo léo, logic để cuốn hút khán giả hơn mà thôi.

Đằng sau những câu chuyện 'lặng người' của Đặng Hồng Giang ảnh 1

Đạo diễn Đặng Hồng Giang

Mới đây nhất, ngay sau khi dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống, Đặng Hồng Giang nhắn cho bạn bè trên facebook, hãy xem “Về nhà” của anh. Khi đó tôi thoáng nghĩ, anh sẽ làm gì với đề tài dịch bệnh, sau khi “Ranh giới” của Tạ Quỳnh Tư đã gây ra một cơn dư chấn mạnh đến thế? Đến khi xem phim, mới biết mình lo thừa. “Về nhà” nói về những bệnh nhân xuất viện được về nhà. Lực lượng nhân viên y tế cũng được về nhà. Và những bệnh nhân xấu số thì về nhà theo một hành trình đặc biệt trên tay những người lính.

Để làm phim này, Đặng Hồng Giang và ê kíp ở ngay trong Bệnh viện 175 nguyên một tuần. Mỗi ngày đều đặn, các anh có mặt ở tầng 3 (trước là tầng 5) - nơi tập trung những bệnh nhân nguy kịch nhất. Chứng kiến sự mỏng manh của cuộc sống, đồng thời mắt thấy tai nghe những nỗ lực “không ngôn từ nào tả hết” của các cán bộ y tế, vị đạo diễn xuất thân là nhà báo nói rằng anh rút ra được hai điều quý báu cho mình. Thứ nhất, trong cuộc đời dài rộng buông được gì thì cứ buông bỏ bớt đi, bởi ai biết có những lúc người ta chỉ ước ao một hơi thở bình thường cũng là cỡ nào xa xỉ. Thứ hai chính là sự BIẾT ƠN viết hoa dành cho đội ngũ y tế, dù như anh nói bình thường vẫn có chuyện này chuyện khác, người này người kia.

Một tuần ăn ngủ trong bệnh viện nhưng Đặng Hồng Giang vẫn nói rằng, anh bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc hay, bởi không bắt kịp. “Thể loại này nó thế, không dàn dựng được. Đành phải tiếc”!

Chuyện chưa kể hết

Một tiếc nuối lớn đến mức “kể lại cũng xót xa” của Đặng Hồng Giang là về phim “Đi về miền đất lạnh” (hợp tác cùng đạo diễn Bùi Hồng Điệp), kể về người lính Trần Văn Bản từng 5 lần nhận giấy báo tử, sau khi sống sót trở về, ông đã dành phần lớn thời gian quay lại chiến trường đi tìm hài cốt đồng đội. Thậm chí, ông còn mang hài cốt của đồng đội về nhà, giấu vợ con, cất giữ trên gác xép, chờ đến thời điểm thích hợp mới mang ra nghĩa trang. Tính đến thời điểm phim công chiếu, ông Bản đã chỉ đường, kết hợp với các tổ chức tìm được hơn 2.200 bộ hài cốt. Tên phim cũng là trích từ câu nói của ông: “Khi biết ở đâu còn đồng đội nằm mà chưa tìm được hài cốt các anh thì cảm giác đất đó lạnh lẽo lắm. Nhưng khi tìm được rồi thì đất ấm trở lại liền”.

“Một câu chuyện cực hay, hậu trường toàn chuyện độc nhất vô nhị, thậm chí có những sự lạ lùng thu hút sự chú ý của chuyên gia quốc tế. Nó không đơn thuần là câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ, đi tìm mộ chỉ là cái cớ thôi, thân phận nhân vật đặc biệt lắm, đến mức tôi nghĩ nó đủ tiêu chuẩn để đưa ra rạp. Nhưng là tác phẩm VTV đặt hàng, làm dở chừng thì hết kinh phí, phần chiếu trên đài tôi phải bỏ đi một nửa nội dung. Tiếc vô cùng”! Đặng Hồng Giang chia sẻ.

Nhắc đến nhân vật mà anh đã đi mòn lốp xe đến nhà chỉ để uống cà phê gợi chuyện cả tháng trời này, đạo diễn liên tục cảm thán: “Lạ lùng lắm. Mang hài cốt người ngoài về cất trong nhà đã là cổ kim ít thấy. Khi người nhà tỏ ra lo sợ thì bác ấy bảo: mình chỉ có làm điều tốt đồng đội không ai hại mình cả. Sau này cuộc sống của bác có nhiều chuyện không lý giải được bằng logic thông thường. Ví dụ như bà vợ thần kỳ vượt cửa tử hai lần khi sinh nở. Rồi phải dùng kháng sinh nhiều mà mất sữa, mẹ bác, bà cụ 76 tuổi, hàng ngày dùng vú của mình dỗ cháu bỗng một ngày tiết sữa. Đem sữa ấy đi xét nghiệm ở Viện Pasteur thì thành phần dinh dưỡng đầy đủ. Việc này làm cả Viện Pasteur xôn xao, một giáo sư người Pháp đã xin phép lấy làm đề tài nghiên cứu cho học trò. Đáng lý ra, tôi sẽ đi Pháp, tìm vị giáo sư kia, hỏi ngọn nguồn về công trình nghiên cứu này, và đó sẽ là cái kết của phim...”.

Những sự chờ đợi đáng giá

Mỗi bộ phim của Đặng Hồng Giang hầu hết đều được tính thời gian bằng con số năm: “Lửa Thiện Nhân” là 3 năm (để hoàn thành bộ phim 77 phút), chùm ba phim tài liệu “Đáng sống” làm trong 4 năm, riêng với phim ngắn “Một con đường”, anh quyết định chờ từ năm 2012 đến năm 2014 chỉ để ghi lại khoảnh khắc cậu con trai của người nông dân làm nghề nhặt phế liệu chiến tranh tốt nghiệp đại học bằng chính những đồng tiền mà cha mình phải đánh đổi cả mạng sống làm cái kết...

Sự kỹ lưỡng đến từng chi tiết ấy đều được đền bù xứng đáng. “Lửa Thiện Nhân” sau đó đã được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập New York 2014, được chọn làm đại diện cho phim Việt Nam trong chùm phim “Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2014.

Nhiều người hỏi Đặng Hồng Giang: không nhờ Mạnh Thường Quân, không có hỗ trợ kinh phí, anh làm phim độc lập như thế nào? Anh nói vui: nghiến răng thôi! Cười xong, anh bảo: Tôi tin vào câu chuyện, tin vào sự hấp dẫn của nó, cũng tin mình làm được. Nghề không bạc với ai, miễn là anh làm đủ tốt. Làm tốt thì sản phẩm bán được, anh có tiền tái đầu tư. Làm không tốt thì chỉ có thể trách chính mình, không đổ lỗi cho người khác được!

36 tuổi mới bắt đầu qua Úc học Thạc sĩ báo chí và truyền thông chuyên sâu về phim tài liệu, Đặng Hồng Giang kể lúc ấy ai cũng bảo anh hâm: thời nay làm phim tài liệu ai xem!

Nhưng bộ phim độc lập đầu tiên của Đặng Hồng Giang: “Lửa Thiện Nhân”, không chỉ thu hút người xem cả nước, còn giúp anh có thêm kinh phí để theo đuổi những dự án phim sau này.

Anh kể: tôi được dạy rằng phim tài liệu là hơi thở cuộc sống, thậm chí ngay cả khi Trái đất ngừng thở các đạo diễn vẫn có thể làm một bộ phim cuối cùng về sự ngừng thở này. Các câu chuyện chả bao giờ hết, nó luôn xảy ra ở đâu đó, miễn là bạn phát hiện, chắt lọc được, cứ chuyện hay thì làm thôi!

MỚI - NÓNG