Người 'thổi hồn' vào than đá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong con ngõ nhỏ tại chân núi Hạm, TP Hạ Long (Quảng Ninh), anh Nguyễn Tuấn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình vẫn đang ngày ngày cần mẫn “thổi hồn” vào từng hòn than, làm nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, mang đặc trưng vùng mỏ.

Nghề lấm lem

Ngước khuôn mặt báo đầy bụi than lên nhìn, anh Quyết nhẹ nhàng nhắc tôi: “Chú đeo khẩu trang vào, hít hà một lúc ra cửa không thấy mặt đâu bây giờ”. Nhắc xong, anh quay vào nhà lấy chiếc ghế nhựa màu xanh nhưng đã ngả màu đen sẫm ra mời khách. Căn phòng anh gọi là xưởng chế tác rộng chưa đầy 30 mét vuông, tất cả vật dụng đều phủ kín bụi than.

“Than có tính hút ánh sáng nên cần nhiều đèn để nhìn rõ những chi tiết cần chế tác. Hơn nữa, nghề này bụi than mù mịt nên cứ bịt kín kẻo ảnh hưởng môi trường. Tay chân, quần áo hai vợ chồng lúc nào cũng nhuộm màu đen óng ánh. Một ngày 24 tiếng thì tay chỉ sạch vài tiếng trong lúc ăn cơm và ngủ nghỉ”.

Người 'thổi hồn' vào than đá ảnh 1

Anh Quyết đảm nhiệm việc cưa than, đục đẽo tạo hình, phần việc đánh bóng sản phẩm sẽ do chị Bình lo

Tính đến nay, hai vợ chồng anh Quyết, chị Bình đã có hơn 30 năm làm nghề điêu khắc than đá. Gia đình anh cũng là hộ gia đình duy nhất ở Quảng Ninh chọn nghề điêu khắc than đá làm nghề chính nuôi sống gia đình. Anh Quyết là đời thứ 3 theo đuổi nghề điêu khắc than có từ thời ông nội truyền lại.

Theo lời kể của anh Quyết, ông nội anh vốn là thợ làm than cho mỏ than Mông Dương (Cẩm Phả), những lúc rỗi việc, ông thường lấy những hòn than kíp-lê để chế tạo những chiếc tẩu thuốc và được chủ mỏ yêu thích, đem đi làm quà tặng. Các chủ mỏ cũng dành riêng cho ông một khu vực nhỏ làm “xưởng” để chế tác những sản phẩm quà tặng theo yêu cầu.

Người 'thổi hồn' vào than đá ảnh 2

Căn phòng anh gọi là xưởng chế tác rộng chưa đầy 30 mét vuông, tất cả vật dụng đều phủ kín bụi than

Tiếp nối truyền thống, bố của anh - nghệ sĩ điêu khắc Tuấn Lợi cũng gắn bó với nghề chế tác than đá, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị và thường được dùng làm quà tặng cho Chính phủ, chuyên gia nước ngoài. Lớn lên trong tiếng đục, đẽo, mài bóng cùng bụi than điêu khắc và hình ảnh những khối than đen tuyền, óng ánh… đã trở thành niềm đam mê, động lực hối thúc anh Quyết tiếp tục gắn bó với nghề này.

"Thời đó bố tôi đã làm tượng từ than tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi từ nhỏ vừa đi học vừa phụ giúp bố làm nghề. Đến năm 16 tuổi, tôi chính thức kế nghiệp bố. Năm 26 tuổi tôi lấy vợ và từ đó vợ chồng tôi theo đuổi nghề điêu khắc than cho đến nay”, ông Quyết trầm tư kể lại.

Theo anh Quyết, chỉ than kíp-lê với độ cứng, bóng là có thể đạt điều kiện để chế tác những sản phẩm mỹ nghệ than đá. Than dùng để chế tác phải là loại khối lớn có chất lượng tốt, độ đen đặc, bề mặt không có đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc, được mua trực tiếp tại khai trường hoặc thương lái. Sau đó, thợ sẽ xẻ than thành từng khối theo yêu cầu hình dạng và kích cỡ chế tác. Công đoạn tiếp theo là dựa vào hình dạng khối than mà căn hình, tạo hình trên bề mặt, rồi đục đẽo, gọt tỉa thành các hình thù. Cuối cùng là đánh giấy ráp và mài bóng sản phẩm.

“Khó nhất là phải căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than, đặc tính của than là giòn, dễ vỡ, dễ sứt mẻ, nên đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo. Làm nên một tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ từ than đá thì không quá khó, nhưng để được một tác phẩm có hồn thì ngoài sự cẩn trọng, tỉ mỉ, người thợ cũng phải có cả tình yêu đối với nghề nữa”, anh Quyết nói.

Tìm người “giữ lửa”

Ở cái tuổi ngoài 50, vợ chồng anh Quyết chị Bình vẫn luôn yêu nghề. Ngoài việc nắm giữ những tinh hoa mà cha ông để lại, anh chị còn sáng tạo thêm nhiều kỹ năng trong điều khắc than đá. Áp dụng thêm công nghệ tiên tiến vào điêu khắc than cũng phần nào làm tăng độ thẫm mỹ và rút ngắn thời gian cũng như công sức của người thợ.

“Vợ chồng tôi cũng nhiều lần gửi đơn xin công nhận đây là nghề thủ công mỹ nghệ nhưng không có kết quả. Nhìn những ngành nghề khác họ có hẳn làng nghề và được công nhận tôi cũng chạnh lòng”.

Chị Nguyễn Thanh Bình, vợ anh Quyết chia sẻ

“Giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ làm nghề được 10 năm nữa. Nếu vẫn không có những người thực sự tâm huyết và muốn gắn bó thì nghề điêu khắc than đá chắc chắn sẽ mai một. Đau đáu lắm nhưng đến nay tôi vẫn chưa tìm được người kế nghiệp”, anh Quyết chia sẻ trong tiếng thở dài.

Cũng theo vợ chồng anh Quyết, trước đây nghề điêu khắc than đá rất thịnh. Nghệ nhân Quảng Ninh có nhiều tác phẩm than đá đoạt giải quốc gia. Nhiều tác phẩm từ than đá được chọn làm quà tặng cho chính khách, tham gia triển lãm quốc tế. Thậm chí đã từng có hẳn một Công ty Mỹ nghệ thuộc Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao), nơi tập trung rất nhiều nghệ nhân có tay nghề.

Tuy nhiên, theo thời gian do ít được quan tâm, nên nhiều nghệ nhân đã dần bỏ xưởng, chủ yếu là sáng tác nhỏ lẻ kiếm sống. Hơn nữa, nghề này vốn là nhiều bụi bặm, thu nhập chưa hấp dẫn, nên lớp kế cận theo nghề ngày càng ít.

Nhưng việc khiến vợ chồng anh Quyết trăn trở nhất chính là nghề điêu khắc than đá của gia đình không được công nhận là nghề thủ công mỹ nghệ mà chỉ là công việc nhỏ lẻ của một hộ gia đình.

"Vợ chồng tôi cũng nhiều lần gửi đơn xin công nhận đây là nghề thủ công mỹ nghệ nhưng không có kết quả. Nhìn những ngành nghề khác họ có hẳn làng nghề và được công nhận tôi cũng chạnh lòng", chị Nguyễn Thanh Bình, vợ anh Quyết chia sẻ.

Dưới đôi bàn tay của vợ chồng anh Quyết đã có hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm than đá mỹ nghệ được ra đời. Các sản phẩm của gia đình anh với hơn 100 mẫu khác nhau như tranh than đá về vịnh Hạ Long, hòn Trống mái, sư tử, thuyền buồm… có mặt ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức… Đáng chú ý, nhiều khách du lịch người Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ còn đến tận xưởng tìm hiểu, tham quan và đặt làm riêng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.