Đảng quyết tâm Chống chạy chức, chạy quyền

Trịnh Xuân Thanh trong một phiên xét xử tại tòa án nhân dân, TP Hà Nội. Ảnh: An Đăng.
Trịnh Xuân Thanh trong một phiên xét xử tại tòa án nhân dân, TP Hà Nội. Ảnh: An Đăng.
TP - “Muốn ngăn chặn chạy chức chạy quyền, nhất nhất phải có chế tài xử phạt nghiêm minh. Kinh nghiệm cho thấy, sự trừng phạt càng lớn thì sức răn đe càng mạnh . Thậm chí phải trừng trị bằng pháp luật hình sự mới đủ sức răn đe”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, người từng đi luân chuyển về địa phương trò chuyện với PV Tiền Phong.

Bài 3: Cần chế tài xử phạt nghiêm minh 

Lạm dụng quy trình

Chưa bao giờ tình trạng chạy chức chạy quyền lại được đề cập nhiều như thời gian qua. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Hiện tượng chạy chức chạy quyền trước tiên xuất phát từ yếu tố lợi ích vật chất. Bởi ở đây có việc nhận hối lộ qua đề bạt, cất nhắc, rồi giới thiệu ứng cử, đưa vào quy hoạch, đưa đi luân chuyển… Có thể nói có thị trường ngầm, có người mua, người bán mới có chạy chức chạy quyền.

Nguyên nhân ở đây do sự tha hóa về phẩm chất của một bộ phận cán bộ nắm quyền chi phối nhân sự, gồm cả người quyết định và người đề xuất nhân sự. Mặt khác, một bộ phận cán bộ đảng viên tha hóa biến chất, coi có chức quyền mới có thu nhập, mới có cửa để mở rộng quan hệ, để đưa người nhà, người thân vào bộ máy. Từ đó tiếp tục trục lợi để bù đắp lại chi phí mình bỏ ra.

Nguyên nhân thứ hai là hàng rào quy định của Đảng chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo, rồi bộ phận cán bộ giữ chức quyền về nhân sự cũng tha hóa. Những nguyên nhân này đã khiến tình trạng chạy chức chạy quyền trở thành một vấn đề vô cùng bức xúc, thậm chí gây phẫn nộ trong nhân dân.

Theo đánh giá của ông, tình trạng chạy chức chạy quyền gây ra những hậu quả gì?

Hậu quả rõ nhất từ việc bố trí nhầm người là họ sẽ tác oai tác quái, tạo ra những cơ hội trục lợi không chỉ vật chất mà cả về uy tín, danh dự. Ngoài lợi ích về kinh tế, họ sẽ bố trí người nhà, người thân, cánh hẩu vào bộ máy để tạo vậy cánh. Và hậu quả lớn hơn cả là mất niềm tin trong nhân dân.

Đây là điều rất đáng lo, cho nên việc phát động chiến dịch chống tham nhũng, trong đó có chống tham nhũng quyền lực, rà soát nhân sự là điều cấp bách. Trong hai khóa gần đây, chưa bao giờ tần suất ra nghị quyết chỉnh đốn đảng lại nhiều như vậy.

Muốn chữa được bệnh trước tiên cần phải bắt được bệnh, thưa ông?

Dấu hiệu thì rất đa dạng, nhưng đầu tiên là chạy suất. Đó là cái ghế mà người ta hướng tới để mặc cả mua bán. Rồi tiếp đó là chạy nhân sự. Nếu chạy ghế là mở đường cho nhân sự chạy vào thì bước hai là chạy về nhân sự đưa vào quy trình. Biểu hiện thứ hai đó là chạy vào nguồn quy hoạch. Chạy trong lúc nhân sự có sự cạnh tranh, rồi chạy lúc bỏ phiếu, lấy phiếu… Điều đáng nói nữa là, để hợp thức hóa các tiêu chuẩn, người ta còn mua cả bằng cấp, dùng đủ thủ đoạn để đánh tráo tiêu chuẩn.

Cái mà xã hội đang bức xúc, dư luận đòi hỏi giải quyết là sự lạm dụng quy trình. Từ đó đưa người thân thích ruột thịt vào, đưa người có nhiều tiền vào kiểu đấu thầu. Trong cái gọi là quan hệ cũng không loại trừ cả việc hối lộ tình dục, hiện tượng này đã có rồi. Cuối cùng là họ cài đặt đệ tử vào để phục vụ, chăm sóc mình. Bốn nhóm “tứ ệ” là “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ” này mà vào bộ máy thì vô cùng nguy hiểm.

Rào chặt quy định, đánh giá đúng năng lực

Trước thực trạng chạy chọt gây nhức nhối như vậy, ông có đề xuất gì về giải pháp?

Trước hết phải rào chặt lại các quy định. Hiện Đảng ta đã ban hành hàng loạt các văn bản để rào chắn lại. Từ định hướng về tiêu chuẩn, đến rào chắn lại quy trình nhân sự, rồi đánh giá cán bộ. Đó là một bước rất tích cực, thế nhưng không thể không nói đến kẽ hở tiếp tục phát sinh. Bởi vì những kẻ rắp tâm áp dụng sai quy định thì có muôn ngàn mưu kế để hợp thức hóa nó. Còn kẻ chạy chức chạy quyền thì luôn tìm mọi cách để xé rào. Do vậy, hàng rào quy định phải luôn được củng cố, thường xuyên cập nhật, sửa đổi.

Thứ nữa, phải quy định rõ ràng bằng định lượng để đánh giá cán bộ chứ không thể là những quy định mang tính chất định tính. Định tính đó là đưa ra những tiêu chuẩn mà người ta nhìn thấy để có thể lấp đầy. Ví dụ như tiêu chuẩn về bằng cấp, thì họ sẽ mua, chạy bằng cấp, hay tín nhiệm thì họ sẽ mua phiếu, chạy phiếu… Vì thế chỉ có thể quy định bằng cách định lượng, đó là thực chứng thôi. Nghĩa là, phải kiểm nghiệm qua công việc, lấy đó làm tiêu chí căn bản. Trí tuệ chỉ được thể hiện qua công việc, qua phương pháp giải quyết mới bộc lộ ra thôi, còn qua bằng cấp chỉ là một thước đo về mặt hình thức.

Tham ô, tham nhũng có thể mất đi một phần của cải, nhưng sau này có thể khôi phục được. Còn sai lầm về nhân sự, bố trí lầm người thì nhân sự đó có thể phá nát một thể chế, một tổ chức, thậm chí phá nát sự phát triển của một vùng, một miền, một địa phương. Như thế còn nguy hiểm hơn nhiều tham ô, tham nhũng. Cho nên biện pháp trừng phạt phải lớn hơn những tội phạm khác, có như thế mới đủ sức răn đe.

Tại sao những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh lại lọt lưới để chui sâu, leo cao nhưng những người nâng đỡ, hợp thức hóa cho Trịnh Xuân Thanh lại xử lý một cách nương nhẹ, chưa trừng phạt bằng pháp luật hình sự? Lẽ ra phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí tử hình một vài trường hợp mới đủ sức răn đe, củng cố niềm tin được.

Thời Lê Sơ đã có Bộ luật Hồng Đức trừng trị tội phạm này. Tiến cử nhầm người, nhẹ bị biếm chức, nặng thì bị đầy đi, nặng hơn nữa là bị chém đầu, cho nên vì thế mà vi phạm không nhiều. Còn nếu chỉ rút kinh nghiệm, cảnh cáo, mà không có sự trừng phạt đến tính mạng, thân thể thì chưa có sức răn đe.

Cá nhân ông cũng là một trong 44 trường hợp đi luân chuyển về địa phương làm phó bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ trước. Xin được hỏi thẳng, thời điểm đó ông có “nhờ vả” để đi luân chuyển?

Câu chuyện luân chuyển của tôi là hoàn toàn tình cờ. Khi tôi đang đi công tác thì được thông báo làm lý lịch để đi luân chuyển. Sau này tôi mới biết thủ trưởng của tôi lúc đó là người tiến cử mình. Tôi có thể đứng giữa trời đất, khẳng định rằng tôi không chạy luân chuyển. Nhiều người trong cơ quan cũng biết điều đó. Vả lại, tôi cũng không có tiền để chạy. Với liêm sỉ, danh dự của mình, tôi không làm được điều đó.

Lúc đi luân chuyển tôi rất vui vì đây là cơ hội để mình học tập thực tiễn, để thể hiện được khả năng của mình với nhiệm vụ mới. Về địa phương, cái nào sai tôi nói sai, đúng tôi nói đúng. Ai tốt tôi nói tốt, ai không tốt tôi không đồng ý bổ nhiệm. Nhưng cũng chính sự thẳng thắn đấu tranh đó lại cũng là trở ngại với tôi sau này...

Khi đưa cán bộ đi luân chuyển thì trung ương phải có trách nhiệm. Cao hơn nữa là phải giám sát bộ máy cấp dưới trong việc tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển về thể hiện năng lực, phẩm chất của mình. Đồng thời phải đánh giá xem cán bộ đi luân chuyển của mình ra sao, có hăng hái, tích cực trong công việc hay không…

Vậy trong thời gian làm phó bí thư tỉnh ủy, có ai tìm đến ông để mưu lợi chức quyền?

Có. Khi tôi về địa phương, đã có người mà tôi không hề biết tìm đến để cảm ơn vì được bổ nhiệm. Tôi nhất định mời họ ra khỏi phòng. Lúc đó phong bì còn rơi ra trước mặt. Tôi phải nói, nếu không đi tôi sẽ gọi cảnh vệ. Sau đó họ mới đi.

Rồi khi có vị trí mới, có cạnh tranh vài ba nhân sự, họ cũng gọi điện bảo đến gặp. Tôi nói họ cứ yên tâm, nếu đồng chí xứng đáng thì tập thể sẽ có đánh giá. Còn tôi mới về, năng lực phẩm chất đồng chí thế nào, tôi phải lắng nghe nhiều chiều từ người khác.

Có những người tôi biết rõ thì tôi sẵn sàng bảo vệ họ. Còn trường hợp tôi không biết rõ thì phải xem xét rất nhiều kênh để có ý kiến cùng với tập thể quyết định. Tôi chưa bao giờ lợi dụng vị trí của mình để ăn đút lót cả, và tôi biết dù có ăn đút lót tôi cũng không phải người quyết định.

   Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…