Đắng ngọt cá niên

Cá niên - sản vật vùng cao xứ Quảng
Cá niên - sản vật vùng cao xứ Quảng
TP - Cá niên được xem là sản vật “hạng sang” riêng có của vùng cao miền Trung. Sang không chỉ cách chọn môi trường sống là những ghềnh đá, suối nước chảy xiết, mà cả cách chế biến, thưởng thức cá cũng đòi hỏi hết sức cầu kì của những người sành ăn.

Tuy nhiên, sản vật vùng cao, niềm tự hào của chốn thâm sơn hùng vĩ này đang ngày càng hiếm dần…

Con cá hào hoa

“Hào hoa phong nhã” là chữ của nhà văn Sơn Nam viết về thú bắt cá của người dân sông nước miệt đồng bằng Nam bộ. Có thể ví con cá niên của miền Trung cũng là một “đấng hào hoa” vậy.

Cá niên (hay còn gọi là cá liêng) có hình dáng thon nhỏ, hơi giống loài cá diếc. Kích cỡ thường bằng 3 ngón tay người lớn, dài chừng một gang tay, vây ánh bạc lấp lánh dưới làn nước trong vắt. Điều đặc biệt của loài cá này chỉ “ưa” sống ở những dòng suối trong, nước chảy xiết. Cá thường ăn rong rêu chứ không “thịt” những sinh vật khác cùng loài. Có người ví von đó là khí chất của một hảo hán, chọn nơi khó để đến, nhưng sống thanh bạch, hiền hòa.

Đắng ngọt cá niên ảnh 1

Cá niên - sản vật vùng cao xứ Quảng

 Cá niên ban ngày nhanh lẹn, khôn khéo, rất khó bắt nên thường người dân đi bắt vào ban đêm, khi cá di chuyển chậm hơn. Vậy nhưng nếu không có kinh nghiệm dễ lại xách giỏ không về.

Anh Pơloong A Nhưm (thôn A rầng 3, xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) từ nhỏ theo cha đi bắt cá, mách nước: Cá xuất hiện ở hai mùa hè và mùa xuân, nhưng cái cách dùng mồi câu cá ở mỗi mùa cũng khác nhau. Từ tháng 11 đến tháng Chạp, có thể dùng trùn chỉ để làm mồi, nhưng sau Tết, phải dùng mồi bọ đá hoặc mồi sâu xanh.

Việc câu cá cũng đòi hỏi tài nghệ điêu luyện của người đi câu. Mép cá niên rất mỏng. Nếu cá bén mồi mà giật mạnh sẽ làm rách môi cá, cá rớt xuống suối trở lại. Để an toàn hơn người ta thường đặt mồi nhử, sau đó quây lưới bắt. Rơzưm Chu (thôn Ka nool, xã A Xan) nói, thưởng thức cá đã tuyệt rồi nhưng vui nhất vẫn là cảm giác chinh phục được những chú cá thông minh.

Người ta cũng hay nhắc đến đặc sản cá niên sông Tranh. Sông Tranh vốn là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chạy qua huyện Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam). Giới trẻ thích thú chọn nơi đây làm điểm dừng những cuộc picnic vì được ngắm sông núi hùng vĩ vừa được “mục sở thị” thủ phủ của cá niên.

Dòng suối trong vắt, xuyên mình qua vách đá đầy rong rêu, cá niên theo bầy lấp lánh dưới mặt nước càng khiến khung cảnh thêm thơ mộng. Đốt củi sưởi ấm và chia nhau những con cá niên tự tay nướng bên dòng suối là một cảm giác khó quên của dân phượt.

Hiếm dần

Tơ Ngol Tờ, Phó chủ tịch xã A Xan ví von: Ai lên núi mà chưa thưởng thức cá niên xem như chưa biết núi rừng. “Cá niên, rau dớn còn là nét văn hóa vùng cao này. Nhưng giờ do tác động của con người, cá đã mất đi nhiều rồi, tiếc lắm!”, ông nói.

Đắng ngọt cá niên ảnh 2

Những thác và suối trong ở vùng cao Quảng Nam từng là nơi cá niên sinh sống

Trước kia, cá niên là món ăn dân dã, quen thuộc của đồng bào Cơ Tu trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ này. Mỗi bận lễ tết, những con cá tươi, ngon nhất được chọn làm lễ cúng Giàng. Nay, cá hiếm dần phần do hoạt động của con người khiến môi trường sống bị đánh động, cá bỏ đi nhiều. Phần vì nhiều người biết đến cá với giá trị dinh dưỡng cao nên ngược núi tìm mua. Cá đánh bắt được cũng được vận chuyển về dưới xuôi bán cho các nhà hàng lớn.

Ông Tơ Ngol Tờ, Phó chủ tịch UBND xã A Xan: “Trước kia, khi cá còn nhiều, ngày thường cũng có cá để ăn, nhưng giờ hiếm lắm. Chỉ một vài con suối như Suối kool, Achum… là còn cá. Người ta khai thác khoáng sản, làm cho nước sông vàng ố, suối đục ngầu nên cá bỏ đi đâu hết”.

Những ngày lễ tết hay mỗi khi có khách quý người ta chọn món cá niên làm món hàng đầu thết đãi khách. Món cá niên nướng, cá niên kho nghệ hay hấp, làm gỏi đều rất ngon, nhưng cách chế biến thích hợp nhất vẫn là nướng. Cá được để nguyên con, rửa sạch, mổ ruột. Người ta vót mỏng cật tre rừng xuyên qua mình cá theo chiều dọc và nướng trên bếp than hồng.

Tới khi cá vàng rộp, thơm ngậy dùng tay xé thịt chấm với muối ớt xanh. Cách ăn bằng tay thể hiện tính cộng đồng cao của đồng bào Cơ Tu. Ngày Tết, sau khi làm lễ cúng Giàng, mọi người quần tụ bên ché rượu cần hay rượu Tà vạt, chia nhau thưởng thức món cá niên nướng và hát ca rộn rã núi rừng.

Phần tinh túy nhất thuộc về bộ ruột cá. Vốn chỉ ăn rong rêu nên ruột cá niên được xem là món ăn lành và bổ dưỡng. Ruột cá sau khi rửa sạch, cho vào chén khuấy đều với lòng đỏ trứng gà rồi đem hấp cách thủy. Khi ăn rắc thêm ít muối, ớt, tiêu rừng. Trong miệng có vị đắng đắng của lòng cá, ngọt ngọt, beo béo của vị trứng gà cùng với vị nồng cay của tiêu rừng khó quên.

MỚI - NÓNG