Vắng quạnh những ngôi làng
Dọc cánh đồng ở các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Nam vẫn mênh mông nước, không một bóng người. Chẳng ai dám cá cược những cân giống vừa được hỗ trợ sau chừng ấy lần bị cơn lũ cuốn trôi có còn trên ruộng. Những phận đời vốn lam lũ nay rơi vào cảnh túng thiếu, tạm bợ.
Tại Bình Định - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ vừa qua, thống kê có tới hơn 500 ngôi nhà sập, gần 400 ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu thiệt hại. Đặc biệt, có 41 người chết và mất tích do mưa lũ. Những làng mai cảnh, làng rau sạch đều trắng tay sau lũ. Nhiều ngôi làng trước nguy cơ xóa sổ.
Ông Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho hay, người dân quá mệt mỏi với lũ. Cả thôn có 11 căn nhà đổ sập, 4 nhà hư hỏng sau lũ. Đi tránh lũ trở về, người dân thôn An Xuyên giờ muốn đổ gục khi chứng kiến cảnh hoang tàn này. “Mưa lũ liên tiếp chỉ trong một tháng khiến cuộc sống người dân đã khó lại càng khổ. Cả thôn chưa đầy 200 hộ mà cả chục ngôi nhà sập, chỗ thì hư hỏng và ngập trong nước!”- ông Sơn nói.
Ông Đỗ Ngọc Quý (42 tuổi, ở xóm Xuân Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) thất thần bên căn nhà đổ nát. Đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ, ông lẩn thẩn nhặt nhạnh những viên ngói vỡ. Ông kể, lúc đó là 1 giờ sáng ngày 16/12, nước lũ đổ về rất nhanh, cả làng hô hoán kéo nhau tháo chạy, sau mới biết là nước lũ đã phá vỡ bờ sông La Tinh. Tránh lũ trở về, cả gia đình thất thần nhìn ngôi nhà thành đống đổ nát. “Hết rồi. Nhà sập, ruộng nương hoa màu ngập, biết sống kiểu gì đây?! – ông Quý mệt mỏi.
Tại thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định), ba ngôi nhà liền kề sụp trong mưa lũ. Anh Lê Châu (thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định) một trong ba hộ có nhà sập cho hay, từ hôm nhà bị sập, cả gia đình 6 người phải dọn vào ở tạm trong…chuồng bò. Anh Châu thở dài, “tích cóp mãi mới dựng được căn nhà làm chỗ trú mưa trú nắng nay bão lũ cũng cho sập luôn rồi. Tết nhất đến nơi, ruộng nương thì chẳng trồng được gì, không biết xoay xở kiểu gì nữa”. Cạnh nhà anh Châu, ngôi nhà của anh Trương Văn Thành và anh Lê Văn Nam cũng sập hoàn toàn.
Túp lều dựng bằng bạt của ông Trần Mau (84 tuổi, ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định) vừa đủ để kê 1 cái giường và bàn thờ gia tiên. Ông nói, túp lều này được bà con dựng giúp từ những khúc gỗ còn sót lại của căn nhà đã sập hoàn toàn sau trận lũ đầu tháng 12. Không vợ con, ông Mau sống một mình mấy chục năm nay. Có sức khỏe, ông làm thuê làm mướn tích cóp dựng được gian nhà cấp 4 đơn sơ. Mưa lũ liên miên đã làm căn nhà xập xệ đổ sập.
Ông Nguyễn Bình, trưởng thôn Vĩnh Đức cho hay, sau lũ nhà ai cũng bị thiệt hại. Nặng thì sập nhà, người chết rồi thì hoa màu cây cối cũng mất trắng. “Ai cũng khó như nhau nên chẳng giúp được gì nhiều. Chắc năm nay dân không có Tết rồi” – ông Bình ngậm ngùi.
Nhà sập, cả gia đình anh Châu phải dọn vào ở chung trong chuồng bò.
Phận người sau lũ
Ngôi nhà của bà Huỳnh Thị Nhặng (58 tuổi, ở cuối thôn Tân tự, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) nằm ở một bên sông. Ngôi nhà đơn sơ, dặt dẹo. Hôm mưa lũ khiến bức tường bên hông nhà bà Nhặng đổ sập xuống, gió dội thông thốc vào. Bà Huỳnh Thị Ánh (chị ruột bà Nhặng) cho hay bà Nhặng mắc chứng tâm thần, sống một mình mấy chục năm nay. Ban ngày lang thang khắp làng, tối về nằm một mình trong căn nhà trống huơ trống hoác.
Nỗi đau lớn nhất không gì có thể đắp bù là những cái chết đau thương trong lũ. Cái chết thương tâm của hai cháu bé cùng học lớp 6, Trường THPT Phổ Cường bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi học về khiến nhiều người đau lòng.
Vợ chồng anh Hồ Văn Bằng - chị Hồ Thị Tuyết Hằng (thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau trước cái chết thương tâm của đứa con trai 12 tuổi Hồ Tuấn Đạt. Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng phải vào TPHCM bươn bả mưu sinh, gửi lại con cho bà nội trông. Bà Đào Thị Phi (bà nội của Đạt) kể, hôm đó trời mưa lớn, Đạt cùng các bạn đội áo mưa đi học. Nhưng giữa đường thì trượt chân nên bị dòng nước lũ cuốn trôi. “Trước khi đi học, cháu nó kêu thèm bánh xèo, nói bà đổ bánh xèo trưa về ăn. Vậy mà …chết vẫn ôm bụng đói” – bà Phi nức nở.
Chị Võ Thị Bé (mẹ của em Hồ Trung Tín, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường) cứ nhìn di ảnh con mà không cầm được nước mắt. Chị Bé cho hay, gia đình chị có 3 đứa con, nhà ít ruộng nên anh đi làm thuê, còn chị vào TPHCM kiếm sống từ khi Tín mới 3 tuổi. “Tui định ráng làm Tết về còn sắm sửa cho mỗi đứa bộ áo quần mới rồi tiền ăn học này nọ, vậy mà chẳng kịp nhìn mặt con…” – chị Bé nghẹn ngào.
Bà Đinh Thị Mong (52 tuổi, ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) thất thần nhìn ra phía trời mưa sụt sùi. Chồng bà, ông Nguyễn Tấn Hoanh (54 tuổi) bị chết do ngã xuống nước bị điện giật. “Hai vợ chồng tay trắng ráng làm lụng nuôi 3 đứa con ăn học. Giờ ổng mất, tui không biết làm sao nữa…” - bà Mong
lẩm nhẩm.
Không ai có thể tin được, mưa lũ vẫn còn hoành hành, dù đã qua 23 tháng 10 từ lâu. Những đúc kết từ kinh nghiệm dân gian bao đời nay giờ không giúp ích được người nông dân mưu sinh. Ông Cao Sáu (61 tuổi, thôn Xuân Ân, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vò đầu nói: “Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, trông cậy vô đồng ruộng để mưu sinh. Giờ thì trắng trời nước, biết đến bao giờ gieo được lúa mà ăn”.
Hỗ trợ dân giải quyết nhu cầu trước mắt và giống để sản xuất
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình thiệt hại sau mưa lũ tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, người dân đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp. Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất hỗ trợ tiền để người dân mua giống phù hợp. Đồng thời, để khắc phục tình trạng thiếu hụt rau màu, thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, trước mắt, tỉnh có hướng dẫn người dân triển khai các loại giống cây ăn lá ngắn ngày để phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời triển khai sản xuất các loại giống cây dài ngày để đáp ứng nhu cầu sau Tết. Về dài hạn, để đối phó với thiên tai, tỉnh lên phương án chuyển đổi một số giống cây trồng cho phù hợp…
Từ sau lũ, nhiều đoàn cứu trợ đã đến tận nơi trao tiền và quà hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đó là món quà không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là động lực giúp người dân vực dậy sau những mất mát. Về phía chính quyền địa phương, sẽ làm hết trách nhiệm và tạo điều kiện để người dân vượt qua khó khăn. Địa phương đề xuất với trung ương hỗ trợ một phần giống cho bà con như giống mía, sắn, lúa… Đồng thời đề xuất các cơ chế hỗ trợ đặc thù liên quan đến thiệt hại rau màu.
Hoài Văn