Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (ảnh Như Ý) |
Có tham nhũng, tiêu cực không?
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho biết, qua tiếp xúc, cử tri phản ánh rằng, người dân sữa chữa nhà trong ngõ sâu nhưng Thanh tra xây dựng vẫn nắm được. Ngược lại, có những công trình sai phạm lớn, nằm ngay ở mặt đường nhưng lực lượng chức năng lại không phát hiện ra.
"Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong trường hợp này? Ngoài trách nhiệm của địa phương, với trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng có những giải pháp nào để xử lý nghiêm việc này?”, bà Thủy đặt vấn đề.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cũng chất vấn bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc xây dựng không phép, trái phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và tình trạng làm đường cao hơn nhà dân gây khó khăn cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (ảnh Như Ý) |
Trả lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc xử lý vi phạm hành chính có quy định tương đối đầy đủ và đảm bảo việc xử lý, có chế tài rõ. Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, cũng như điều chỉnh, rà soát, bổ sung và hướng dẫn địa phương thực hiện nghiêm. “Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ giám sát chặt chẽ, đánh giá tính khả thi của luật và hướng dẫn các địa phương quản lý tốt hơn đối với hoạt động xây dựng”, ông Nghị cam kết.
Về số liệu, ông Nghị cho biết, số lượng công trình sai phép, không phép giảm theo từng năm, là 2020 chiếm 23,8% thì năm 2021 là 13,4% và 6 tháng đầu năm 2022 là 7,1%. Tuy vậy ông Nghị nhìn nhận vẫn có tình trạng vi phạm và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện quy hoạch để làm cơ sở quản lý trật tự xây dựng, tăng cường trách nhiệm địa phương, thanh kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật…
Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng chung cư
Dẫn tình trạng cư dân căng băng rôn, thậm chí tập trung đông người, yêu cầu chủ đầu tư phải trả cho người mua sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở, đại biểu Tạ Thị Yên (Điên Biên) phân tích, nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, hoặc các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng theo luật định, kể cả quy định về phòng cháy, chữa cháy.
ĐBQH Tạ Thị Yên - Điện Biên (ảnh Như Ý) |
Đại biểu Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết giải quyết vấn đề này như thế nào, có biện pháp, chế tài nào để các chủ đầu tư thực hiện cam kết trả giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho người dân.
Trước câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay đã tương đối đồng bộ, song, còn hiện tượng như đại biểu phản ánh do quy định pháp luật chưa đảm bảo.
Nội dung thường xảy ra tranh chấp, khiếu nại chủ yếu liên quan đến quản lý nhà chung cư. Trong đó có chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị; quy chế thu chi tài chính nhà chung cư chưa rõ ràng; việc bàn giao, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; phân biệt giữa phần quản lý chung riêng; không thống nhất đơn vị vận hành quản lý chung cư và cuối cùng là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
Trước tình trạng này, Bộ Xây dựng đã thanh tra, xử lý chủ đầu tư vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Với những hành vi vi phạm, ông Nghị cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.