Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố hôm qua, 55% người dân phản đối độc lập, chỉ có 45% ủng hộ.
“Chúng tôi đã lựa chọn đoàn kết thay vì chia rẽ. Hôm nay là một ngày trọng đại đối với Scotland và Vương quốc Anh nói chung”, AP dẫn lời ông Alistair Darling, thủ lĩnh phong trào phản đối độc lập. Phong trào phản đối độc lập chiến thắng tại thủ phủ Edinburgh với tỷ lệ 61%, và cũng thắng thế ở trung tâm dầu mỏ Aberdeen.
Phong trào đòi độc lập chiến thắng ở Glasgow, thành phố lớn nhất của Scotland, nhưng vẫn không đủ để tạo nên thắng lợi toàn diện.
Những lời kêu gọi Scotland độc lập của Thủ hiến Scotland Alex Salmond không đem lại kết quả, nhưng ông vẫn phát biểu rất lạc quan: “Đây là sự thắng lợi của tiến trình dân chủ và sự tham gia vào chính trị”.
Ông Salmond cho rằng, người Scotland có thể tự lo cho mình vì họ có trữ lượng dầu mỏ lớn, trình độ giáo dục cao và thông minh.
Theo ông, Scotland sẽ tự phát triển được, không bị chính quyền London can thiệp. Tuy nhiên, nhiều cư dân lớn tuổi ở Scotland cho rằng, độc lập là việc quá mạo hiểm về mặt tài chính, còn những người trẻ hơn lại háo hức với việc tự xây dựng đất nước.
Kết quả trưng cầu dân ý tạo ra một động lực chính trị mới tại Vương quốc Anh, với việc Thủ tướng David Cameron cam kết thực hiện lời hứa trước đó là sẽ trao quyền lực lớn hơn cho chính quyền Scotland về vấn đề thuế, chi tiêu công và phúc lợi xã hội.
Ông Cameron khẳng định, những kế hoạch mới này sẽ được đưa ra vào tháng 11 tới và trở thành dự luật vào tháng 1 năm sau. Thủ tướng Cameron cho biết, những thay đổi này cũng sẽ được áp dụng với các khu vực khác của Vương quốc Anh sau cuộc bỏ phiếu này.
Kết quả này đã cứu ông Cameron khỏi thất bại lịch sử và cũng giúp lãnh đạo phe đối lập Ed Miliband giữ lại được nhiều nhà làm luật người Scotland trong hàng ngũ. Phe đối lập sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2015 nếu không có sự ủng hộ từ Scotland.
Tránh cơn “đại hồng thủy”
Cựu Thủ tướng Gordon Brown (người Scotland) đã trở lại nổi bật với chiến dịch kịch tính trong những ngày cuối cùng với lời kêu gọi người Scotland có thể cống hiến cho xứ này, nhưng vẫn có thể tự hào với vị trí trong Vương quốc Anh. Ông Brown cũng bác bỏ lý lẽ cho rằng độc lập mới là lựa chọn yêu nước.
Thủ hiến xứ Wales Carwyn Jones nói rằng, ông thấy vui khi người Scotland lựa chọn ở lại. “Ở lại cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên tương lai hiến pháp mới cho Vương quốc Anh”, BBC dẫn lời ông Jones. Thủ hiến Bắc Ireland Peter Robinson cho biết, ông cảm thấy “vui mừng” vì Scotland vẫn ở lại liên hiệp và ông sẽ thảo luận với những người đồng cấp ở xứ Wales để thảo luận về ý nghĩa lớn hơn của kết quả này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trước đó khẳng định, họ muốn Vương quốc Anh tiếp tục tồn tại như trước.
Tại Brussels, Ủy ban châu Âu nói rằng, cuộc bỏ phiếu của người Scotland là tốt cho “một châu Âu đoàn kết hơn, cởi mở hơn và vững mạnh hơn”.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chào mừng kết quả bỏ phiếu. Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht đến từ Bỉ, nước có vùng Flanders đang chịu ảnh hưởng của phong trào độc lập ngày càng lớn, nói rằng, việc Scotland tách ra sẽ trở thành cơn “đại hồng thủy” đối với châu Âu, gây ra hiệu ứng domino trên khắp châu lục, Reuters đưa tin.
Lãnh đạo Sctotland từ chức
Thủ hiến Scotland Alex Salmond tuyên bố sẽ từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý không như ý, BBC đưa tin đêm 19/9.
Ông cũng sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland (SNP). “Đối với tôi, với tư cách lãnh đạo, thời của tôi gần như chấm dứt, nhưng đối với Scotland, chiến dịch (độc lập) vẫn tiếp diễn, giấc mơ không bao giờ tắt”, ông nói.