Dân phải hít khí thải độc hại đến bao giờ?

Dân phải hít khí thải độc hại đến bao giờ?
TP - Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vừa được ban hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4 vẫn chưa có. Với thực trạng giao thông và hạ tầng ở Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi: Dân còn phải hít khí thải độc hại đến bao giờ?

70% chất ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông

Theo văn bản 8120 vừa được Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) gửi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô hướng dẫn một số nội dung về việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 đối với ô tô.

Theo đó, ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng và các loại nhiên liệu khác ngoài diesel (NG, LPG…) áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2017; Ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2018. Sau thời gian này, các DN không chấp hành sẽ phải tái xuất hoặc xuất khẩu ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4. 

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng cho thấy, giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các đô thị nước ta, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

Tại Hà Nội, có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông. Với hơn 4 triệu phương tiện ở thủ đô, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thống kê cho thấy khoảng 60-70% chất ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông.

Vì vậy, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, bên cạnh việc tăng cường giao thông công cộng cần đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới. Từ đó, giảm thiểu các chất ô nhiễm ra môi trường không khí. Ông Tùng cũng cho biết, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải euro 4 ở Việt Nam là khá muộn so với nhiều quốc gia.

Xe chuẩn Euro 4, xăng chỉ đạt Euro 2

Đáng nói, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 tại Việt Nam được Chính phủ đưa ra từ năm 2011. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng khí thải đúng tiêu chuẩn Euro 4, ngoài động cơ xe, vấn đề nhiên liệu rất quan trọng. Do đó, một loạt hiệp hội, DN đã đề nghị lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, nhất là với các dòng xe chở người từ 16 chỗ trở lên và các loại xe tải do chưa chuẩn bị kịp.

Bộ Công Thương được giao chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có kế hoạch cung ứng, phân phối xăng dầu theo mức 4 và 5 trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ô tô.

Trong quý IV/2017, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng và thương mại cần thiết để bảo đảm cung ứng dầu diesel mức 4 ra thị trường muộn nhất ngày 1/1/2018. Song, thực tế đến nay, 2 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Việt Nam là Dung Quất và Nghi Sơn chưa đáp ứng được xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4. Còn nếu sử dụng toàn bộ xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4 nhập khẩu thì giá sẽ tăng cao, dẫn đến cước phí vận tải tăng, giá ô tô càng đắt đỏ. 

Đại diện VAMA cho rằng, muốn đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu xăng dầu đạt chuẩn này. Nếu không, ô tô sẽ nhanh hỏng động cơ, tuổi thọ xe kém, khí thải từ đây vẫn hủy hoại môi trường.

Một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hầu hết các xe tải, xe khách nhập khẩu nguyên chiếc, hoặc lắp ráp trong nước vẫn sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 2 và 3. Từ ngày 1/1/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã dừng cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các ô tô chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2.

Do đó, hàng trăm xe đang bị ách lại và DN vẫn chờ đợi được gia hạn. Đơn cử như trường hợp Cty TNHH Thương mại tài chính Hải Âu nhập khẩu hơn 100 ô tô tải nhãn hiệu CHENLONG của Trung Quốc động cơ Euro 2 và 3, được ký kết từ cuối năm 2016 nhằm phục vụ khách hàng đầu năm 2017.

Mới đây, Cty CP Ô tô TMT cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét lô hàng dưới tiêu chuẩn 4. Theo tính toán, tới đây các DN sẽ phải thay động cơ từ Euro 2 sang 4. Do đó, giá xe sẽ tăng lên khoảng 15-20%, chủ yếu ở phân khúc xe tải và xe khách 16 chỗ trở lên.  

Theo các chuyên gia về môi trường, tiêu chuẩn Euro 2 Việt Nam đang áp dụng có hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu quy định ở mức tối đa là 500 mg/kg. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn Euro 4, tối đa chỉ ở mức 50 mg/kg. Hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu càng nhỏ càng đỡ nguy hại cho môi trường. 

MỚI - NÓNG