Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021”, tỷ lệ giới tính của dân số nông thôn trong cả nước là 107,91 nam/100 nữ và số liệu tỷ lệ giới tính nông thôn ở mỗi tỉnh cũng phản ánh hiện trạng dân số nông thôn có nhiều nam hơn nữ. Việc mất cân bằng giới tính gây ra hiện tượng xã hội khó kết hôn của nam thanh niên ở nông thôn.
Các báo cáo khảo sát về quan hệ hôn nhân của thanh niên nông thôn được công bố ở nhiều nơi cũng đề cập đến khó khăn trong việc lấy vợ của nam thanh niên nông thôn. Trong số đó, “Báo cáo khảo sát về quan hệ hôn nhân của thanh niên nông thôn ở Thanh Đảo” chỉ ra rằng nam thanh niên lớn tuổi rất khó lấy vợ. Số đàn ông chưa lập gia đình và chưa có bạn gái chiếm 32,40%, cao hơn nữ là 6,71% (25,69%). Ở độ tuổi 31-35 chưa kết hôn và chưa có người yêu, nam chiếm 9,46%, cao hơn nữ 7,57 % (nữ: 1,89%).
Tiền thách cưới quá cao là một nguyên nhân khiến đàn ông nông thôn không lấy được vợ |
Ông Lý Vĩnh Bình, một học giả tại Học viện quản lý Chu Ân Lai thuộc Đại học Nam Khai, cho rằng: đằng sau việc đàn ông nông thôn khó kết hôn, nguyên nhân chính là do mất cân bằng giới tính. Gần 35 triệu nam giới cao tuổi độc thân tồn tại một cách khách quan.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của xã hội, thanh niên hiện đại ngày càng trở nên độc lập, đặc biệt là thanh niên nữ. Quan niệm về hôn nhân ngày càng trở nên đa dạng hơn, nhiều nam thanh nữ tú chọn cách độc thân.
Lấy huyện Thái Thuận, tỉnh Chiết Giang làm ví dụ, báo cáo nghiên cứu về các mối quan hệ hôn nhân của giới trẻ ở huyện này cho thấy “chủ nghĩa không kết hôn” ngày càng trở nên nổi bật. 38,4% thanh niên cho rằng hôn nhân là “có hay không cũng chả sao” và 4,8% thanh niên cho rằng “không cần thiết phải kết hôn”.
Đâu là nguyên nhân nam thanh niên nông thôn khó lấy vợ: Thứ nhất: nam nhiều hơn nữ. Kết quả tổng điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7 mới công bố cho thấy, dân số nam là 723,34 triệu người, chiếm 51,24%; nữ là 688,44 triệu người, chiếm 48,76%; nam nhiều hơn nữ 34,9 triệu. Trong số đó nam giới trong độ tuổi kết hôn từ 20 đến 40 nhiều hơn nữ 17,52 triệu và tỷ lệ giới tính là 108,9.
Hiện nay, nhiều vùng nông thôn thanh niên nam nhiều hơn nữ, nhiều nơi còn có hiện tượng “trai xếp hàng, gái kén rể”. “Báo cáo khảo sát về quan hệ hôn nhân của thanh niên nông thôn ở Thanh Đảo” chỉ ra rằng mục tiêu của phụ nữ trẻ nông thôn là định cư ở thành phố; đàn ông lớn tuổi chưa lập gia đình sống ở nông thôn có chất lượng văn hóa thấp và nền tảng kinh tế yếu, không thu hút được những phụ nữ đã thích nghi với nhịp sống và môi trường đô thị, dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng về tỷ lệ nam nữ thanh niên ở lại nông thôn.
Thứ hai, thu nhập thấp. “Mức thu nhập của thanh niên nông thôn không cao. Gần một nửa số người được hỏi có thu nhập hàng năm chỉ từ 10.000 đến 50.000 NDT”. Sự thiếu hụt cơ sở kinh tế, không có thu nhập ổn định và điều kiện kinh tế khó khăn là hạn chế chính đối với nam thanh niên ở nông thôn trong việc tìm bạn đời. Hình ảnh hoặc năng lực cá nhân kém cũng là một trở ngại đối với nam thanh niên chưa lập gia đình trong độ tuổi hôn nhân ở nông thôn.
Thứ ba, thách cưới quá cao. Các báo cáo điều tra được công bố ở nhiều nơi đều đề cập đến vấn đề hôn nhân tốn kém. Tiền cheo quá cao đã trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được đối với các gia đình nông dân. Chi phí đám cưới của thanh niên nông thôn bao gồm tiền mua phòng cưới, tiền cheo, tiền tổ chức tiệc cưới, mua xe, mua đồ trang sức bằng vàng bạc. Chi phí trung bình là hơn 300.000 NDT (1,5 tỷ VND).
“Báo cáo khảo sát về quan hệ hôn nhân của thanh niên nông thôn thành phố Ninh Ba” chỉ ra rằng theo kết quả của bảng câu hỏi, chi phí kết hôn trung bình của thanh niên nông thôn ở Ninh Ba lên tới 307.800 NDT, trong đó cao nhất là 2 triệu NDT (7 tỷ VND). Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết ở các vùng nông thôn phong tục thách cưới vẫn còn tồn tại và số tiền cao ngất ngưởng, mức trung bình 100.000 NDT (350 triệu VND), và hầu hết mọi người đều cho rằng có nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn.
“Thách cưới cao” trở thành “nút thắt” khiến nhiều nam thanh niên nông thôn không thể bước vào đời sống hôn nhân. Nhiều nơi phổ biến câu “nhất động bất động” (xe hơi và nhà ở), “vạn tử thiên hồng” (10 ngàn tờ 5 tệ màu tím và 1.000 tờ trăm tệ màu đỏ) ... nhà, xe, tiền cheo là “ba món mới”, giá thành kết hôn nhân liên tục tăng trở thành gánh nặng cho các thanh niên nông thôn khi đến tuổi thành gia.
Tình trạng nam thanh niên nông thôn không lấy được vợ tồn tại với mức độ khác nhau ở các vùng nông thôn khắp Trung Quốc, thậm chí có làng trở thành “làng trai ế vợ”.
Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc tích cực tạo điều kiện để giải quyết. Trong "Quyết định về việc tối ưu hóa các chính sách sinh đẻ nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số” được ban hành vào cuối tháng 7 năm nay, đã đề xuất loại bỏ các hủ tục lạc hậu như thách cưới cao và xây dựng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con.
Bộ Nội Chính kết hợp với các ban ngành liên quan, đã thành lập một số khu vực thử nghiệm để cải cách phong tục hôn nhân trên toàn quốc, phản đối thách cưới cao và xóa bỏ hủ tục tảo hôn, xây dựng phong tục hôn nhân lành mạnh, đề ra các biện pháp cụ thể giúp giảm thiểu chi phí kết hôn cho thanh niên nông thôn.