Đây là con số nhẩm tính của bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam khi nói về những rào cản về thủ tục để đàn ong Việt cất cánh phát triển mạnh hơn.
Hiện kim ngạch của ngành nuôi ong đã đạt trên 100 triệu USD và mật ong Việt Nam đã trở thành sản phẩm từ động vật duy nhất có thể xuất khẩu “thoải mái” vào Mỹ và EU. Nuôi ong đã tạo công ăn việc làm cho trên 35 nghìn nông dân, với 4 nghìn người nuôi ong chuyên nghiệp. Nhìn xa hơn, theo một tính toán của Mỹ, giá trị các sản phẩm trồng trọt do ong thụ phấn cao gấp 150 lần so với sản phẩm ong.
Thế nhưng tại cuộc đối thoại gần đây với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết theo Quyết định 47/2005/QQĐ-BNN ngày 22/7/2005 thì cứ vận chuyển trên 200kg mật ong hay 1 đàn ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch.
Theo nhẩm tính của bà Hằng, với sản lượng 45 nghìn tấn mật ong hàng năm, sẽ cần tới 225 nghìn giấy phép để chuyển ra khỏi các huyện. Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1 ngày thì cần 225 nghìn ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2 ngày cho 1 giấy phép thì sẽ cần 1.232 năm!
Không chỉ có vậy, những bất cập về bộ máy, phương tiện kiểm dịch và trình độ chuyên môn, hiểu biết của cán bộ tại các địa phương khiến việc cấp giấy kiểm dịch cho ngành hàng ong vô cùng chậm trễ.
“Nhiều khi mật ong, đàn ong cứ chất đống ngoài trời chờ các đơn vị chuyên môn này “loay hoay” mãi mới cấp giấy phép kiểm dịch. Ngoài trời mưa nắng thất thường, có khi ong thì chết còn mật ong thì mất chất. Vậy làm sao có thể đảm bảo mật ong có chất lượng thượng hạng như danh hiệu đang có được trên trường quốc tế?”, bà Hằng than.
Một vướng mắc khác là Thông tư 23/2009/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2009, trong đó giao Hiệp hội Nuôi ong việc xác minh nguồn gốc mật ong, phân biệt rõ ràng mật ong Việt Nam và các nước khác.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh mật ong Trung Quốc đang tìm cách “chảy” qua các nước khác để nhập khẩu vào Mỹ hòng trốn thuế chống bán phá giá. Thông tư cũng là một trong những văn bản quan trọng thuyết phục Cơ quan bảo vệ Hải quan Mỹ (CBP), Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Ủy ban châu Âu trong việc cho phép mật ong Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này.
Khi EU dỡ bỏ lệnh cấm cuối năm 2012 thì các nước khác lập tức cũng dẹp các hàng rào kỹ thuật đối với việc nhập mật ong Việt Nam, khiến xuất khẩu mật ong tăng vọt từ 20 nghìn tấn năm 2012 lên 40 nghìn tấn năm 2013.
Chuyện sẽ không có gì nếu Thông tư này ghi rõ ràng là có 29 hội viên của Hiệp hội Nuôi ong đăng ký kiểm tra sản xuất để xuất khẩu mật ong. Thực tế, hiện nay con số hội viên của Hiệp hội này đã lên tới 45 và khiến Hiệp hội rất khó khăn trong giải thích với các cơ quan quản lý của Mỹ và EU trong việc chưa có “khai sinh” cho 16 thành viên còn lại.
Khi nghe những phản hồi từ đại diện các doanh nghiệp sản xuất và chế biến mật ong, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y trả lời.
Tuy nhiên, câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề của Cục Thú ý đã bị Bộ trưởng Phát ngắt bằng cách nhắc lại rõ ràng thắc mắc của doanh nghiệp: “Có kiểm dịch thì mới được chuyển mà nhiều khi đi tìm cái ông thú y nhà anh thì đàn ong bị phơi nắng chết mất rồi. Giờ các anh cần xem thế nào?”
Bộ trưởng nêu rõ thực tế: “Nhiều khi kiểm dịch đi chỉ nhìn, mà nhìn thì có thấy virus, vi khuẩn gì đâu. Cùng với việc vướng mắc ở Thông tư 23 nữa…Tôi đề nghị đồng chí Cục trưởng làm việc theo tinh thần rất cầu thị và tiếp thu những kiến nghị. Các đồng chí phải nghiên cứu để dỡ bỏ những thủ tục không cần thiết, thực sự nếu không có ích gì thì thôi, dẹp bỏ!”
Cục trưởng Cục Thú y hứa với Bộ trưởng và Hiệp hội sẽ nghiên cứu lại các văn bản hiện hành và đề xuất sửa đổi những thủ tục mang tính “hình thức” đang làm rào cản cho việc sản xuất và chế biến xuất khẩu ngành hàng giàu tiềm năng này.
Theo Đỗ Hương