Dẫn nước sông Hồng 'cứu sống' sông Tô Lịch, hồ Tây

Sông Tô Lịch hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Sông Tô Lịch hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
TPO - Nhiều nhà khoa học thống nhất việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập nước cho hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch trong một hội thảo diễn ra chiều nay, 19/12.

Chiều 19/12, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững”. Theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hồ Tây đang đối mặt cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ.

Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Ngoài ra, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. “Hồ Tây có thể biến thành hồ chết, nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng lo ngại.

Do vậy, theo ông Hùng việc bổ cập nước cho hồ là hết sức cần thiết. Công ty Thoát nước đưa ra 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; lấy nước từ sông Hồng.

Tại hội thảo, các nhà khoa học thống nhất việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập nước cho hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch. Theo GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng Trường đại học Thủy lợi, trong những năm gần đây, lượng phù sa ở sông Hồng ngày càng suy giảm. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi cho việc bổ cập nước vào hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

“Phù sa giảm, quy trình xử lý bùn khi lấy nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch đỡ phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, khó khăn là nước sông Hồng cũng ngày càng sút giảm so với trước đây. Do vậy, cần phải tính toán kỹ nguồn nước và thời điểm lấy nước trong năm”, GS Lượng nói. Theo ông Lượng, cần đặt máy bơm chìm dưới mực nước sông Hồng để bơm vào hồ Tây.

Còn việc lấy nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, theo ông Lượng cần phải tính toán lại. Vì phương án này phải làm đường dẫn nước dài 10,5 km rất tốn kém. Cách tốt nhất theo ông Lượng là lấy nước của sông Hồng bơm vào hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch.

PGS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường đề nghị Hà Nội cố gắng làm sạch sông Tô Lịch và hồ Tây. Quy trình đưa nước sông Hồng vào hồ Tây được ông Hạ đề nghị cần phải tính toán kỹ việc xử lý nước vì đây là hồ cảnh quan, khu vui chơi giải trí của người dân.

Thống nhất việc Hồ Tây cần phải bổ sung nước hàng năm, nhưng GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch hội sinh thái học Việt Nam, việc thay nước cũng phải đảm bảo thủy sinh vật trong hồ. "Quy trình thay nước cần phải làm từ từ để có điều kiện theo dõi biến động của thủy sinh vật trong hồ. Bởi nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây thì nó chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học”, GS Yên nói.

PGS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng mong chính quyền thành phố Hà Nội sớm có biện pháp bổ cập nước cho hồ Tây, làm sạch sông Tô Lịch. Ông Dũng cũng cho rằng, phương án của Công ty Thoát nước đưa ra là lấy nước qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương dài khoảng 10km là rất tốn kém. Ông Dũng cũng cho rằng, thành phố Hà Nội nên lấy nguồn nước từ hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch.

MỚI - NÓNG