Dân miền núi thoát nghèo nhờ cây dó trầm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo”, khi nhiều gia đình ở xã miền núi Hà Tĩnh vươn lên làm giàu trở thành tỷ phú nhờ trồng cây dó trầm.

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 1.700 hộ dân trồng cây dó trầm. Nếu như trước đây người dân chủ yếu làm ruộng, thu nhập bấp bênh thì nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của người dân phát triển, có nhiều hộ từ nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng cây dó trầm.

Người dân địa phương cho hay, trước đây, cây dó trầm mọc tự nhiên, nhưng họ chưa biết đến giá trị của loài này cho đến khi nhiều người tại các tỉnh phía Nam đến săn lùng tìm mua. Từ những chuyến mua bán của thương lái ngoại tỉnh, người dân xã Phúc Trạch bắt đầu tìm hiểu đến giá trị thương phẩm mà cây dó trầm mang lại. Sau đó họ ồ ạt phá bỏ đồng hoang, tận dụng các khoảnh đất trống ươm giống, trồng cây.

Dân miền núi thoát nghèo nhờ cây dó trầm ảnh 1

Trồng cây dó trầm giúp người dân huyện miền núi Hương Khê thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Có trên 30 năm trồng dó trầm, ông Nguyễn Văn Đức (70 tuổi, trú xã Phúc Trạch) am hiểu đặc tính về cách chăm sóc, cách tạo trầm. Hiện gia đình ông Đức sở hữu hơn 1ha diện tích trồng dó trầm với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau.

Ông Đức chia sẻ, những cây dó bầu phải trồng trên 10-15 năm mới bắt đầu sản sinh ra trầm tại một bộ phận khu vực bị thương của loài cây này. Tại vết thương tạo trầm ở những vị trí thân cây gãy đổ, kiến hay côn trùng đục khoét. Ở vùng khai thác trầm, vết thương này thường do con người tác động vật lý như đục, khoan, khoét...

“Sau 10 đến 15 năm tích tụ bởi thời gian, nắng và gió từ đó tạo thành trầm hương. Trước đây họ trồng bán nguyên liệu, còn nay nhiều cơ sở tại địa phương đã chế tác, tạo ra những sản phẩm từ trầm để phát triển kinh tế”, ông Đức nói.

Dân miền núi thoát nghèo nhờ cây dó trầm ảnh 2

Nhiều cơ sở chế tác sản phẩm trầm hương tại nhà.

Đến nay cây dó trầm trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương, loại cây này đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Ngoài trồng, nhiều hộ dân Phúc Trạch còn mở cơ sở chế tác sản phẩm trầm hương tại nhà. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, thôn 8, xã Phúc Trạch) có hơn 7.000m2 đất trồng cây dó trầm, trong đó có những cây có giá trị cả trăm triệu đồng khi đạt độ tuổi hàng chục năm. Mỗi năm, gia đình thu về 400-500 triệu đồng từ chế tác sản phẩm như vòng trầm, hương trầm…

Theo chị Lan, trầm được chế tác ra rất nhiều sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, hương trầm, nụ trầm. Đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ nghệ chế tác từ trầm được bán với giá rất cao.

“Các công đoạn chế tác trầm đòi hỏi sự tỉ mỉ và có kinh nghiệm. Dùng đục để khoét những phần thân bên ngoài, những phần vân đen còn lại được xác định là trầm sẽ được chế tác theo các mặt hàng khác nhau. Nhiều năm qua số lượng khách hàng đặt các sản phẩm chế tác từ trầm rất nhiều, chủ yếu là khách hàng ngoại tỉnh”, chị Lan nói.

Dân miền núi thoát nghèo nhờ cây dó trầm ảnh 3

Những sản phẩm được chế tác từ cây dó trầm.

Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) cho biết, toàn xã có hơn 1.700 hộ dân trồng cây dó trầm với diện tích trên 350ha. Chỉ tính riêng năm 2022 doanh thu từ bán cây dó trầm mang về cho các hộ dân 91 tỷ đồng.

Theo ông Khánh, việc trồng cây dó trầm mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng các loại cây như bưởi, cam. Không chỉ trồng, nhiều hộ dân còn chế biến thành các sản phẩm từ cây dó trầm như vòng trầm, hương trầm, cây cảnh…Những năm qua, nghề trồng trầm đã làm các hộ dân 'đổi đời', hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 2,7%.

MỚI - NÓNG