Theo người dân tại bản Pủng, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương cho biết, dịch lở mồm long móng xuất hiện đã gần hai tuần. Lúc đầu, họ thấy trâu, bò có dấu hiệu chảy nước dãi ở miệng nhưng vì chủ quan nghĩ rằng do thời tiết nắng nóng nên không ai để ý. Cho đến nay, diễn biến dịch trở nên phức tạp. Riêng, gia đình chị Dặm Thị Huyền có 10/10 con bò bị dịch cho biết: “Bò của gia đình tôi đã được tiêm phòng và chữa trị nhưng dấu hiệu giảm bệnh còn chậm lắm”.
Ông Vi Văn Đoàn - Trưởng bản Pủng, xã Lưu Kiền nói: “Cả bản có hơn 300 con trâu, bò thì đến nay đã bị dịch hơn một nửa. Riêng nhà tôi có 10 con trâu, bò thì đã có tới 8 con bị. Chúng tôi rất lo lắng, mong chính quyền và các cấp chức năng hỗ trợ chữa trị, loại bỏ dịch”.
Ngay sau khi phát hiện, Trạm thú y huyện Tương Dương đã phối hợp với chính quyền xã Lưu Kiền tiến hành tiêm phòng và khoanh vùng dập dịch, đồng thời cử cán bộ bám sát địa bàn kể cả trong ngày nghỉ lễ để theo dõi. Tuy nhiên, dù đã được khuyến cáo nhưng một số người dân vẫn lấy nhớt thải trộn lẫn với pin đèn bôi vào chân cho trâu, bò. Việc làm này rất nguy hiểm bởi có thể gây nhiễm trùng cho gia súc.
Biện pháp chữa trị dân gian cũng được người dân áp dụng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “ UBND huyện đã có chỉ đạo Phòng nông nghiệp, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ người dân phòng chống, khống chế các điểm dịch. Ngoài xã Lưu Kiền, dịch lở mồm long móng còn bùng phát nhỏ lẻ ở một số địa phương như xã Xá Lượng, Tam Thái, Tam Đình… nhưng về cơ bản đã khống chế được”.