Troels Lund Poulsen, Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đan Mạch trong một bài phát biểu hôm 17/6 cho biết: "Chính phủ Đan Mạch sẵn sàng chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một giải pháp chung của các đồng minh".
Ông lưu ý rằng: "Chúng tôi không thể quyết định một mình, việc chuyển giao những chiếc F-16 cho Ukraine phải được sự chấp thuận của Mỹ bởi những chiếc tiêm kích này là sản phẩm do Mỹ phát triển và sản xuất".
Sau bài phát biểu, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đan Mạch nhấn mạnh Copenhagen vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc gửi máy bay F-16, khả năng chuyển giao sẽ được xem xét sau.
Tuy nhiên, Đan Mạch sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia đi đầu trong việc giúp đỡ Ukraine.
Vài ngày trước, Đan Mạch cùng với Hà Lan đã cam kết bắt đầu đào tạo phi công Ukraine và kỹ thuật viên trên máy bay chiến đấu đa năng F-16 của phương Tây. Khóa huấn luyện sẽ diễn ra tại căn cứ không quân Skrydstrup của Đan Mạch.
Đan Mạch có 43 máy bay chiến đấu F-16, hiện 30 chiếc trong số đó đang hoạt động. Tuy nhiên, Đan Mạch đang dần thay thế chúng bằng các máy bay chiến đấu F-35 hiện đại .
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để có thể thực hiện được cả các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
Chiến đấu cơ sử dụng một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.
Tiêm kích này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.