Ngôi làng nằm nơi tiếp giáp của vùng ngã ba sông (sông Hồng, sông Lô, sông Đà), là điểm địa lý tại vùng đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ ở đất trung du Phú Thọ, từng trải qua nhiều tác động của thiên tai, sông lũ, và gió mùa đặc trưng vùng làng Việt miền Bắc.
Thuộc quần thể vùng thổ địa chỉ cách Đền Hùng vài km, làng Nam Nhạc có nghề trồng lúa lâu đời và mang nhiều nét văn hóa, sinh hoạt dễ nhận thấy: chùa triền cổ kính, đình làng to đẹp, nhà ngói khang trang, văn hóa thờ cùng tổ tiên, cưới hỏi, ma chay giàu lễ nghĩa, và dĩ nhiên có cả làn hát múa Xoan Ghẹo vào dịp đặc biệt.
Làng Nam Nhạc hiện nay có khoảng 60 hộ gia đình với dân số 250 người, phần lớn thuộc họ Nguyễn, một vài hộ khác mang họ Phạm, họ Hoàng và họ Trịnh. Hầu hết các hộ gia đình thuộc diện thuần nông (trồng lúa và hoa màu) nhưng nhiều năm nay đã có kinh tế khấm khá.
Những ngôi nhà năm gian mái ngói đỏ tươi trong làng đã được thay thế bằng nhà hai tầng, cả biệt thự, tạo nên bức tranh trù phú mang thành quả đáng khen ngợi của người nông dân chăm chỉ và hiếu học nơi đây.
Cổng làng mới được xây dựng
Ngay khi cuộc vận động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới bắt đầu, làng Nam Nhạc và nhiều thôn, xã khác của huyện Lâm Thao, Phú Thọ đã sẵn có những tiêu chí khó, góp phần đưa Lâm Thao trở thành huyện nông thôn mới vào đầu năm 2015.
Làng có truyền thống hiếu học. Năm nào cũng có con em đỗ vào đại học và nhiều trường đào tạo khác. Con em làng Nam Nhạc công tác và sinh sông trên nhiều vùng miền Tổ quốc trên mọi lĩnh vực (quân đội, công an, xây dựng, thương mại, văn hoá, báo chí...). Ông tổ họ Nguyễn là Nguyễn Như Thức - người có danh vị cao, đã được vinh danh Thám Hoa lưu tên trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Ngày giữa tháng 11/2014, không có lãnh đạo TW về dự, nhưng Ngày hội đại đoàn kết dân tộc đã được làng từng bừng, hân hoan tổ chức. Con em của làng đi công tác xã đã hội tụ về quê dịp này, tạo nên không khí như ngày tết nhưng rất trang trọng
Nam nữ thanh niên và các bà, các mẹ trong làng còn biểu diễn hát Xoan, dựng kịch bản hiến đất xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, làng Nam Nhạc tổ chức giao hữu bóng đá cho thanh niên đi công tác xa trở về với những chàng trai ở lại trực tiếp xây dựng quê hương.
Làng liên hoan mổ lợn có chén rượu vui vẻ, anh em xa quê và người thân chòm xóm nhắc nhở nhau đoàn kết, gắng sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn nữa, bảo ban con cháu ngày càng gắng học hành, biết kính lễ bố mẹ, ông bà – hình ảnh thường thấy ở làng quê này khi thăm hỏi nhau dịp Tết Nguyên đán.