Dân khổ vì BOT 'bủa vây'

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương)
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương)
TPO - "Trong Dự thảo có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười. Thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo", đại biểu quốc hội Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt vấn đề trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí vào sáng nay (29/5)?

Cái gì cũng thu

“Lệ phí hoa hồng chữ ký là loại lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi”, câu hỏi được ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu ra lập tức làm cho cả phòng họp tổ đại biểu Quốc hội số 15 (gồm các đoàn Hải Dương, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Bến Tre) xôn xao.

“Liệu có phải đó là hình thức “bo” chữ ký không”, một ĐB nói “chêm” vào. ĐB khác lại thắc mắc: “Hoa hồng” có phải là “hoa hồng” dành cho chữ ký của sếp không?

Theo ông Khanh, trong Dự thảo luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười. Thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo.

“Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. “Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đâu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”, ông Khanh nói.

Tương tự về quy định thu phí phòng chống dịch bệnh, ong Khanh cho rằng, đã sinh ra Bảo hiểm y tế (BHYT) thì phải phòng chống tốt để người dân không bị bệnh, BHYT không mất tiền. Thế mà lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh”. Như thế là “phí chồng phí” rồi còn gì nữa. Ông muốn đỡ tốn tiền BHYT thì ông phải phòng chống tốt chứ sao lại bắt dân đóng.

“Lệ phí cấp biển số nhà cũng thế, quy định không rõ gì cả. Chẳng lẽ tôi bỏ tiền ra làm bảng, kẻ số, đóng vào tường nhà mà cũng bắt tôi phải đóng phí hay sao”, ông Khanh tiếp tục nêu câu hỏi.

Theo ĐB Bùi Thanh Quyến, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, việc thu phí, lệ phí là đúng. Nhưng chúng ta chỉ nên nghĩ rằng đó chỉ là khoản bù đắp một phần nào thôi, chứ không phải là đóng góp hết. “Chẳng lẽ cái gì nhà nước làm dân cũng bắt dân phải đóng góp hay sao. Thu chỉ nuôi bộ máy thì thà rằng không thu còn hơn. Chứ thu tạo ra bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, sách nhiễu, rất phiền phức cho dân”, ông Quyến nhấn mạnh.

Dân khổ vì BOT bủa vây

Theo ông Khanh, hiện nay người dân đi ô tô, xe máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường đều được xây dựng theo hình thức BOT nên những người sống trong vùng BOT phải “gánh” rất nhiều loại phí.

“Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa. Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì tôi khẳng định đó là phí chồng phí”, ông Khanh lên tiếng.

Khẳng định rằng rất ủng hộ Bộ GTVT, ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai cũng phải thừa nhận “nói phí chồng phí là đúng”.

Theo bà Mai, hiện nay đi đâu cũng thấy dân kêu về phí BOT. “BOT hiện nay xuất hiện nhiều lắm. Tôi nghĩ ở vùng xâu, vùng xa làm BOT hạn chế thôi”, bà Mai kiến nghị.

Ông Quyến cũng khẳng định, thu phí BOT nhiều quá đã gây tâm lý ức chế cho nhân dân. “Chúng ta quy định 70 km có một trạm thu phí rồi, nhưng lại làm dày đặc quá, dân kêu lại giải thích này kia. Nhưng đó chỉ là cách giải thích áp đặt, chứ dân không đồng tình đâu”, ông Quyến nói.

Theo ông Quyền, Luật phí và lệ phí là vấn đề tác động rất lớn đến người dân nên cần phải lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi. Đặc biệt đã là luật thì không nên có câu quét “trong trường hợp đặc biệt”. “Ngành nào cũng có câu quét áng chứng, rồi sau này lại bổ ra thu của dân là không hợp lý”, ông Quyến nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG