Dân giảm sút niềm tin vì nói không đi đôi với làm

Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/3. Ảnh Như Ý
Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/3. Ảnh Như Ý
TPO - Đề cập đến lòng tin của nhân dân tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng 24/3, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng, điều khiến nhân dân giảm sút niềm tin trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, nói không đi đôi với làm.

“Nhiệm kỳ này nói dân giảm sút niềm tin, vậy kỳ sau có giảm hơn kỳ trước không? Trong cái lãng phí thì lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân. Vậy phải có biện pháp gì để lấy lại niềm tin?”, bà Tâm nêu. 

Theo đại biểu đang là Chủ tịch HĐND TPHCM, giải pháp cấp thiết cần phải thực hiện là cải tổ, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy theo Hiến pháp một cách căn cơ, lâu dài, bền vững.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) lại nhấn mạnh chuyện nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD còn xuất khẩu gạo hàng năm chỉ khoảng 3 tỷ USD. Đã thế, thu ngân sách 1 triệu tỷ mỗi năm nhưng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng.

Đồng tình với việc cấp thiết phải tinh giản biên chế, ông Đương đề nghị nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương và Trung ương, năm nay giảm 1.000, năm sau giảm 2.000, không để cảnh cha chung không ai khóc. Đồng thời cần nhất thể hoá một số chức danh, giảm bớt cán bộ phong trào, hô khẩu hiệu, ngược lại phải coi trọng chuyên gia, cán bộ chuyên môn và cần trả lương xứng đáng cho họ.

“Xem phim Tể tướng Lưu gù thì thấy, ngân khố Nhà nước có 2 triệu lạng nhưng riêng Hòa đại nhân đã có tới 800 triệu lạng. Bộ máy Nhà nước tham nhũng ghê lắm. Còn quan chức Nhà nước mình, các dự án lớn có bóng dáng quan chức lớn không, có cổ phần của họ không?

Những gì dân làm được thì cơ quan Nhà nước đừng can thiệp. Cái gì cũng ngân sách Nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi...”, đại biểu Đỗ Văn Đương nhìn nhận.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho rằng, cần cải cách thể chế, trong đó có cải cách thể chế chính trị. 

“Phải dân chủ hoá xã hội. Người dân phải có quyền thay thế người lãnh đạo yếu kém từ cấp xã đến cấp huyện. Khiếu nại tố cáo quá phức tạp, trong khi lý thuyết thì đẩy thuyền là dân, lật thuyền là dân, nhưng quyền lực của dân rất hạn chế”, ông Nghĩa nói.

MỚI - NÓNG