Đại diện hãng taxi Mai Linh lí giải: Sau khi giá xăng tăng thêm 1.100 đồng/lít vào chiều 13-8, để bù đắp chi phí, cước taxi Mai Linh đã điều chỉnh tương ứng.
Cụ thể: Từ ngày 16-8, taxi Mai Linh tăng giá cước từ 800 - 1.000 đồng/km (tùy loại xe). “Mới sau 13 ngày, nếu tiếp tục điều chỉnh giá cước, khách hàng rất khó chấp nhận”-Đại diện hãng này nói.
Hãng taxi Vinasun cũng cho biết vừa tăng giá cước 500 đồng/km từ giữa tháng 8 nên trước tình hình kinh tế suy thoái, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng như hiện nay, Vinasun tạm thời chưa tăng giá cước.
Theo hiệp hội taxi TPHCM, việc giá cước taxi liên tục rượt đuổi theo giá xăng dầu gây rất nhiều phiền hà và thiệt hại cho các hãng taxi. Mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN taxi phải chi hàng tỷ đồng để đưa xe đến cơ quan kiểm định điều chỉnh lại và niêm phong đồng hồ tính cước.
Với số đầu phương tiện hiện có, để thực hiện quy định này, Mai Linh taxi phải tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng, Vinasun taxi tốn hơn 1 tỷ đồng, … nên chuyện điều chỉnh giá cước là việc chẳng đặng đừng.
Trong khi đó, nhiều DN vận tải bắt đầu tăng giá cước với mức tăng phổ biến từ 3-5%. Cụ thể: Công ty vận tải Cường Thịnh (TPHCM) vận chuyển hàng từ TPHCM về TP Cần Thơ, đối với các hợp đồng ký từ chiều 28-8 giá cước điều chỉnh từ 490 lên mức 530 nghìn đồng/chuyến. Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc công ty cho biết tiến hành thương lượng và hầu hết các chủ hàng đều chấp nhận.
Đại diện Công ty cổ phần vận tải Công Thành (TPHCM) cho biết trong hợp đồng ký kết với các chủ hàng có điều khoản tăng (giảm) giá cước tương ứng với giá xăng dầu nên không gặp trở ngại trong quá trình đàm phán giá cước mới.
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, giá cước vận tải do các DN tự xây dựng trên cơ sở thương lượng với chủ hàng và đăng ký với cơ quan chức năng. Hiệp hội chỉ khuyến cáo các thành viên tính toán giá cước hợp lý, không can thiệp trực tiếp lên giá cước của từng đơn vị.