Khai trường bỏ hoang
Hơn 6 năm dừng hoạt động, mỏ sắt Thạch Khê bỗng “nóng” lên khi Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đề nghị tiếp tục triển khai dự án. Chính phủ chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Lãnh đạo TIC cấm người lạ vào công trường. Mấy năm qua, từ khi mỏ bỏ hoang, không ai quan tâm người vào ra ở đây, nhưng gần đây nhiều PV muốn tiếp cận hiện trường mỏ sắt đều bị bảo vệ chặn ngay từ cổng.
Hơn 11 giờ trưa, dưới cái nắng như đổ lửa, đường vào xí nghiệp TIC không một bóng người. Khi PV Tiền phong có mặt, các nhân viên bảo vệ ở trong nhà tránh nóng. Vừa qua cánh cổng, một tấm bảng mới được cắm ghi chữ “cấm vào”. Cổng chính của xí nghiệp đóng im ỉm, gỉ sét, bên trong hàng loạt xe, máy nằm bất động...
Đường dẫn vào moong mỏ lâu ngày không có xe qua lại, cỏ cây mọc um tùm. Phía trái, ngọn núi cát cao hàng chục mét cỏ cây bao phủ. Đây là cát do TIC bóc đất tại moong mỏ đổ lên. Do mưa gió xói mòn, ngọn núi cát tạo ra những hang hốc rất nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một hồ nước rộng lớn chính là moong mỏ, sâu tới gần 30m. Nhìn từ xa, moong mỏ như hồ tự nhiên, nước xanh trong đến lạnh người. Càng lại gần, phía bờ moong những hang hốc, vết nứt sâu gần chục mét lộ ra rất nguy hiểm. Quan sát kỹ trong các hang, nước đọng lại màu đỏ. Người dân xóm 1, xã Thạch Đỉnh cho biết, hồ nước này có nhiều nơi sâu lên tới hơn 30m.
Mặt nước trong moong mỏ lặng im nhưng ít ai dám lại gần bờ moong vì có cảm giác bị tụt xuống bất cứ lúc nào. Do lâu ngày bỏ hoang, hệ thống máy móc, ống dẫn gỉ sét. Con đường quanh moong trước đây rộng hàng chục mét để các loại xe lớn lăn bánh chở cát, vật liệu phục vụ việc khai thác nay gần như lở hết.
Khi PV tìm cách trở ra, một nhân viên bảo vệ vội vàng lao xe máy đến. “Sao anh vào không xin phép. Mời anh ra ngoài cho. Nếu lãnh đạo biết được anh vào đây chúng tôi sẽ khó ăn khó nói”. Sau đó, người này kèm PV ra khỏi xí nghiệp khai thác mỏ…
Dân điêu đứng…
Dự kiến có 25 nghìn hộ dân của 6 xã bị ảnh hưởng khi mỏ sắt Thạch Khê vận hành. Ảnh hưởng trực tiếp là hơn 70 hộ dân của xóm 1, xã Thạch Đỉnh đã phải đi tái định cư. Những người nông dân rời mảnh đất hương hỏa cha ông nhường đất cho đại dự án nhưng nhiều hộ vẫn chưa được bồi thường đầy đủ. Cuộc sống mới chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà thiếu thốn đủ bề, nước ngọt nhiễm phèn, không nghề nghiệp…nhiều người dân phải bỏ xứ đi kiếm sống.
Năm 2013, sau hai năm dự án dừng triển khai, khoảng 20 hộ dân xóm 1, Thạch Đỉnh đóng cửa nhà mới ở khu tái định cư, lần mò trở về nơi ở cũ. “Không ngờ cái đại dự án sắt lại làm khổ người dân ra nông nỗi này. Giá như dưới ngôi nhà của chúng tôi chỉ là nước, là đất, đâu đến cơ sự này”, ông Bùi Quang Chiến, xóm 1, xã Thạch Đỉnh nói với chúng tôi.
Ông Chiến từng là xóm trưởng xóm 1, xã Thạch Đỉnh. Xóm duy nhất bị di dời sau khi dự án triển khai. Dù đất đai chưa được bồi thường đủ nhưng vì dự án, ông Chiến cùng hàng chục hộ dân phải lên vùng tái định cư, nhường đất cho dự án. Khi có 300m2 tại khu tái định cư, vợ chồng ông Chiến không biết làm nghề gì để sống. Trong cơn bĩ cực, ông lần mò về ngôi nhà cũ, may mắn là ngôi nhà chưa bị đập bỏ. Sau nhiều lần tìm hiểu được biết dự án đã dừng hoạt động nên hai vợ chồng ông quyết để trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”. “Đấy chú xem, hàng trăm con gà, 5 con bò, mấy ruộng lạc, dưa mỗi năm tha hồ sống và nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Mong Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây, chúng tôi đường cùng rồi”, ông Chiến nói.
Cạnh đó ông Nguyễn Duy Hội cũng bỏ khu tái định cư trở về. Ngôi nhà cấp bốn mái tôn đang được ông Hội thay lại để tránh nắng mưa. “Mấy năm dự án dừng triển khai, cây cối, nước ngọt đã trở lại như trước đây. Người dân mong muốn dự án dừng triển khai để ổn định cuộc sống”, ông Hội tâm sự. Mấy tháng nay, gần 20 hộ dân trở về sống trong lo lắng vì thông tin dự án sắp tiếp tục triển khai.
Từ khi dự án mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động, cuộc sống người dân 6 xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc gặp muôn vàn khó khăn. Nhà ở không được xây dựng, cơi nới, nguồn nước ngầm bị tụt làm đất đai khô cằn, không có nước sinh hoạt, tưới tiêu. Thạch Đỉnh lúc mặt trời đứng bóng, cái nóng bỏng rát hắt ra từ những núi cát khô khốc như thiêu đốt vào cảnh vật, con người nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương, trong một lần nói chuyện với PV Tiền phong về dự án mỏ sắt Thạch Khê: Tư tưởng nhiều cán bộ nhân dân rất hoang mang dao động, mất niềm tin vào Dự án và Cty TIC. “Các kế hoạch, lộ trình đã công bố của Dự án đều không được thực hiện. Dự án triển khai quá chậm, trong khi đời sống nhân dân ngày càng sa sút, đi không được, ở không xong, kế hoạch di dời không rõ ràng...”, ông Nguyễn Quốc Hương cho hay.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Hà, do quy hoạch mỏ sắt nên cơ sở hạ tầng thiết yếu của nhiều xã không được tu sửa, xuống cấp nghiêm trọng. Nhà dân từ lâu không được xây dựng, sửa chữa, nhiều hộ hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cửa dột nát. Nhiều gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất (hoặc phần lớn đất canh tác) trong khi chưa có phương án tái định cư, chưa chuyển đổi nghề nghiệp. Riêng xã Thạch Hải theo qui hoạch toàn xã phải di dời, đến nay có trên 110 hộ dân rất cấp thiết phải cấp đất tách hộ (có nhiều hộ dân sống chung 4 thế hệ trong một nhà) nhưng không có quỹ đất. Xã Thạch Bàn có trên 50 hộ dân thôn Đồng Thanh cấp thiết phải di dân tái định cư (sát moong mỏ) nhưng khu tái định cư Thạch Bàn II chưa hoàn thiện...