Luân chuyển theo đường “tiểu ngạch”
Ông được nhiều người biết đến vì những phát biểu tại diễn đàn Quốc hội của ông đều phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri, xuất phát từ những bức xúc trong đời sống xã hội. Ba nhiệm kỳ Quốc hội, ông luôn tìm được chỗ dựa vững vàng từ cử tri. Có lẽ vì thế mà ông không ngại ngần đề cập đến những vấn đề gai góc, nóng bỏng.
Tại các phiên họp, đại biểu Ngô Văn Minh luôn là một trong số những gương mặt được báo giới tìm đến nhiều nhất. Ông sẵn sàng trả lời những vấn đề bức xúc mà cử tri và người dân quan tâm, không ngại đụng chạm, không hề né tránh. Còn nhớ cách đây chừng hai tháng diễn ra phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách, như thường lệ, báo chí tìm đến ông đặt vấn đề phỏng vấn. Biết vậy, ông xua tay nhẹ, ám hiệu đang bận trao đổi với một đại biểu khác. Xong việc, ông tiến ra bàn ăn để báo chí dễ bề tiếp cận. Và rồi ông thẳng thắn nêu quan điểm về vụ Trịnh Xuân Thanh, thời điểm đó vừa mới được đề cập và đang rất nóng.
Ít ngày sau, bước vào phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngô Văn Minh lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vụ Trịnh Xuân Thanh. Ông mạnh dạn đưa ra đề nghị, phải làm rõ có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” như Trịnh Xuân Thanh? Phần chất vấn thẳng thắn, gai góc, cách nhìn rất riêng của ông Minh lập tức được hầu hết các trang báo dẫn lời, được đông đảo cử tri đón nhận.
Ngày hôm sau, khi phần chất vấn của mình chưa được đề cập, vị đại biểu đoàn Quảng Nam lại lấy quyền được tranh luận để truy tiếp. Theo ông, những vấn đề chất vấn ông đã nêu, được đông đảo cử tri rất quan tâm, các đại biểu Quốc hội chia sẻ, là vấn đề rất bức xúc trong xã hội, nhưng lại không thấy bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì, mặc dù vụ Trịnh Xuân Thanh có nguyên nhân lớn thuộc về Bộ Nội vụ.
Tình trạng “nghiện dự án”
Bên cạnh những bất cập về cán bộ, đại biểu Minh còn được biết đến với những phân tích sâu sắc về thực trạng sử dụng ngân sách và tình trạng “nghiện dự án” tại các địa phương. Ngay tại kỳ họp đầu tiên khóa mới, ông đã đề cập đến tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng thuế của dân. Vậy mà năm nào việc chi tiêu ngân sách cũng có vấn đề, chi không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, có trường hợp “tiền trảm, hậu tấu”. Theo ông, “điều này là không chấp nhận được, cần phải làm rõ trách nhiệm. Năm ngoái cũng như vậy, năm nay cũng như vậy, chúng ta rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, rút làm gì nữa”.
Nói về hiện tượng “hoành tráng hóa công sở” khi nhiều nơi xây dựng công trình nghìn tỷ, tại một phiên chất vấn dịp cuối năm 2015, ông Ngô Văn Minh gọi đây là loại bệnh “nghiện dự án, nghiện công trình, phô trương hình thức”. Theo ông Minh, điều này có nguyên nhân do kỷ cương phép nước không nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu không rõ. Nhân dân chưa hài lòng vì không thấy ai bị phê bình hoặc có phê bình ai chắc là không được công khai nên nhân dân không biết.
Cũng tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh còn để lại nhiều dấu ấn tại các phiên chất vấn về thủy điện. Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông không giấu được bức xúc khi vấn đề trách nhiệm không được làm rõ, lại đổ cho địa phương, ông chia sẻ. “Với tư tưởng của cơ quan quản lý nhà nước như thế, dân còn chịu thiệt. Dân còn kêu trời kể khổ, đại biểu còn lên tiếng”.