Mới đây cư dân sinh sống tại chung cư Việt Đức Complex (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) căng băng rôn phản đối việc chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà - Việt Đức tự ý cải tạo xây dựng các tầng kỹ thuật thành văn phòng cho thuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dẫn đến việc cư dân không được cấp sổ đỏ.
Trước đó, cuối năm 2020, khách hàng mua dự án chung cư Việt Đức Complex cũng từng xuống đường căng băng rôn ở trước dự án này để phản đối chủ đầu tư dùng "chiêu" cắt điện ép ký biên bản bàn giao nhà.
Cư dân chung cư Việt Đức Complex trước đó căng băng rôn trước cổng UBND quận Thanh Xuân kêu cứu, phản đối chủ đầu tư dùng "chiêu" cắt điện ép ký biên bản bàn giao nhà. |
Ngoài chung cư Việt Đức Complex, trên địa bàn quận Thanh Xuân, cư dân của nhiều tòa nhà chung cư cũng từng bị chủ đầu tư dùng "chiêu" cắt nước để ép cư dân đóng phí dịch vụ khi mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Tại Hưng Yên, ngày 8/11/2021, Trung tâm Dưỡng lão KAIGO trực thuộc Công ty TNHH Trung tâm Dưỡng lão KAIGO có tại địa chỉ số MRA 99 - Thủy Nguyên - huyện Văn Giang bị Ban Quản lý Dự án giai đoạn 2, bất ngờ bị cắt điện, nước khiến Trung tâm Dưỡng lão KAIGO vô cùng bức xúc vì không có điện để chạy khí rung, máy trợ tim, máy thở ôxy cho người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm. Nguyên nhân Trung tâm Dưỡng lão KAIGO bị cắt điện, cắt nước được cho là do đang có tranh chấp về hợp đồng thuê nhà.
Tại TP.HCM, cách đây không lâu, hàng chục hộ dân sinh sống trong chung cư New City (TP.Thủ Đức) cũng treo băng rôn phản đối Ban quản lý cắt nước trong thời điểm chung cư này vừa có ca mắc COVID-19 và đang bị phong toả làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của họ.
Cư dân New City giăng băng rôn phản đối bị cắt nước và phí quá cao so với tiện ích họ được thụ hưởng. (Ảnh: Đình Sơn) |
Theo cư dân New City, CĐT là Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thuận Việt khi ký hợp đồng với người mua đã cam kết có trên 20 dịch vụ, tiện ích phục vụ cư dân như hồ bơi, sân tennis, tiệc nướng ngoài trời, sân bóng đá, phố đi bộ,… nhưng CĐT liên tục tự ý cắt giảm các dịch vụ mà không có sự trao đổi, đồng ý của cư dân và hiện nay chỉ còn duy nhất hồ bơi hoạt động.
Trao đổi với PV, Luật sư Trần Thanh Quyết cho biết, trong trường hợp người dân trực tiếp ký hợp đồng với điện lực quận hoặc huyện nơi sinh sống thì chủ đầu tư cắt điện của cư dân là hoàn toàn sai.
Tuy nhiên, Luật sư Quyết khuyến cáo cư dân nên hoàn thành nghĩa vụ tiền điện, nước, phí dịch vụ, phí gửi xe. Bởi nếu không đóng tiền, chủ đầu tư có thể cắt điện, nước theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.
“Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định, trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí này thì đơn vị quản lý vận hành được áp dụng chế tài tạm ngừng cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (do mình cung cấp) hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này. Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan”, Luật sư Quyết nói.