GS.TS Dương Phú Hiệp:
Dân chủ trong Đảng bằng chất vấn công khai
>Sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo
>Cần chú trọng dân chủ trong Đảng
Chất vấn như Quốc hội
Trong một số giải pháp đưa ra lần này có nói đến việc sẽ triển khai thực hiện chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp cùng với đó sẽ ban hành quy chế để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… cá nhân ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này và tôi cũng rất mong việc chất vấn hay bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được làm công khai như các phiên chất vấn tại Quốc hội hiện nay.
Đây là nghệ thuật biết thắng từng bước, đặt ra như thế cũng là một bước đi tới dân chủ. Khi đó toàn dân sẽ được theo dõi, tham gia góp ý và tôi nghĩ nếu làm được như thế thì lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ tăng lên.
Điều tôi nhấn mạnh ở đây là sự công khai, chất vấn công khai, bỏ phiếu tín nhiệm công khai, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai với toàn dân.
Nghị quyết đã nêu lên 3 vấn đề cấp bách, trong đó tôi chú ý đến vấn đề thứ ba là việc xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Đây là điều rất đúng, bây giờ phải ghi rõ làm chức này phải làm được gì, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm phải rõ ràng, nếu không làm được thì phải kỷ luật. Chứ tâm lý chúng ta vẫn nghĩ rằng làm lãnh đạo là chỉ có lợi lộc mà chẳng thấy trách nhiệm cụ thể rõ ràng gì cả.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, vừa tạo kẽ hở cho các việc làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Ông nghĩ sao về việc khi tiến hành chất vấn trong Đảng sẽ không tránh khỏi tình huống cán bộ cấp dưới trực tiếp chất vấn cấp trên và khó tránh khỏi tâm lý e ngại, sợ đụng chạm, trù dập?
Đúng là sẽ khó tránh khỏi việc e ngại và quả thực để làm được việc này là không dễ. Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa lãnh đạo, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nếu có sai lầm thiếu sót thì phải dám thừa nhận và dám sửa chữa công khai. Chứ còn nói dối hay giấu giếm, bao che cho nhau thì không có văn hóa. Văn hóa lãnh đạo cần phải xây dựng để mọi người dù ở cương vị nào cũng dám tự phê bình và phê bình, dám nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm.
Xây dựng Đảng không phải chỉ là công việc của riêng Đảng mà phải tạo điều kiện và tổ chức để nhân dân được góp ý kiến. Xây dựng Đảng mà chỉ bó hẹp trong Đảng, không công khai minh bạch thì thành công sẽ hạn chế.
Chúng ta phải dân chủ trong tổ chức, trong bầu cử, ứng cử để có người tài đức ra giúp nước. Phải làm sao để người có tài có đức thì có chức có quyền, chứ đừng để nó thành ngược lại. Vì ở ta vẫn có “văn hóa chạy”, từ chạy bằng chạy cấp đến chạy chức chạy quyền, chạy án… một xã hội mà để cho tình trạng đua nhau “chạy” như thế thì nguy hiểm lắm.
Nhưng cũng băn khoăn, phải tìm ra cách làm mới, nếu không mới thì lại đâu vào đấy. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói bây giờ trong nước, không phải một con sâu mà cả một đàn sâu.
Chính điều này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị là nếu không nhanh chóng chỉnh đốn thì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Touneh Đrong Minh Thắm chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, ngày 24-11-2011 Ảnh: TTXVN. |
Để có những nghị quyết phù hợp với thực tiễn
Là người từng giữ chức vụ Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, ông có trăn trở gì về công tác lý luận hiện nay của Đảng?
Mặc dù tư tưởng và lý luận có mối liên quan chặt chẽ, nhưng khi ra Nghị quyết về công tác lý luận và công tác tư tưởng thì không nên nhập làm một vì mỗi loại công tác có những yêu cầu khác nhau.
Công tác tư tưởng hay công tác tuyên huấn thì phải nói theo, nói đúng như Nghị quyết, còn công tác lý luận thì phải dám xem xét lại Nghị quyết và biết đặt ra những vấn đề mới khác với Nghị quyết để Nghị quyết ngày càng phù hợp với thực tiễn, đóng được vai trò chỉ đạo thực tiễn.
Muốn vậy phải tôn trọng cả những ý kiến trái chiều để tranh luận mới hy vọng đi tìm được chân lý. Chúng ta cần phải đổi mới công tác lý luận hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
“Điều tôi nhấn mạnh ở đây là sự công khai, chất vấn công khai, bỏ phiếu tín nhiệm công khai, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai với toàn dân” - GS TS Dương Phú Hiệp. |
Việc đổi mới chính trị lâu nay chúng ta có làm nhưng vẫn chưa theo kịp với đổi mới kinh tế vì vậy cũng có những khó khăn cản trở. Đổi mới chính trị chứ không phải chỉ đổi mới hệ thống chính trị. Khi nói đến chính trị là có 4 yếu tố.
Một là tư tưởng chính trị trong đó có lý luận chính trị, đường lối, chính sách, cương lĩnh. Hai là tổ chức chính trị, tức là hệ thống chính trị. Ba là hoạt động chính trị và bốn là quan hệ chính trị. Bốn lĩnh vực này đều phải đổi mới cả, mà đi đầu là đổi mới về tư tưởng, đường lối, tư duy rồi từ đổi mới đó mới sang đổi mới các lĩnh vực sau. Thực tế thì chúng ta có đổi mới nhưng còn chậm.
Đảng ta có truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, nay phải nghiêm túc phân tích kỹ vì sao có tình trạng suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Để khắc phục sự suy giảm niềm tin đó, không có con đường nào khác là Đảng phải tự đổi mới, phải chấn chỉnh Đảng, toàn Đảng và từng Đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân và như Bác Hồ đã từng căn dặn trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Cảm ơn ông.