Kiến nghị Quốc hội giám sát trạm BOT Cai Lậy
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phản ánh, qua theo dõi tình hình trạm thu phí BOT Cai Lậy mấy ngày qua, ông cho rằng đây là hiện trạng rất đáng buồn. Thậm chí ông còn lo ngại, nếu không xử lý kịp thời có thể sẽ lây lan sang các khu vực khác. Chính tình trạng trạm BOT dày đặc, không đảm bảo khoảng cách, thiếu tính minh bạch mới dẫn đến bức xúc trong dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, việc thu phí BOT hiện nổi lên hai vấn đề: Khoảng cách đặt trạm và mức thu phí. Những bức xúc của người dân hầu hết đều liên quan đến hai vấn đề này, mà nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý. Mức thu, thời gian, khoảng cách đặt trạm thiếu công khai, minh bạch.
“Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Hay cầu Việt Trì trước đây cũng tương tự. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, chỉ ra nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo”, ông Tỵ đề nghị.
Qua phản ánh trên các phương tiện truyền thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, bức xúc ở đây vẫn còn. Cùng với đó, một số dự án khác cũng xảy ra tình trạng lái xe đưa tiền lẻ để phản ứng với việc thu phí. “Người dân có nhiều cách phản ứng, chúng ta không ủng hộ những cách phản ứng trái quy định của pháp luật, nhưng đề nghị tổng rà soát lại để nghe kiến nghị của dân, có đối thoại, lắng nghe ý kiến của dân, những người chịu tác động của dự án”, bà Nga nêu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra thực trạng một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp kiểu “tráng đường”, đầu tư thêm một chút rồi thu phí. Như ở Tiền Giang, dự án trên Quốc lộ 1A cũng làm như thế, rồi thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương, dân bức xúc là đúng.
Một số nơi khác có tình trạng tương tự, dân mới ý kiến, thậm chí thu phí đường chính hết rồi lại mở đường tránh cho nhanh hồi vốn. “Giám sát phải chỉ rõ địa chỉ, không bắn chỉ thiên. Tôi đề nghị bổ sung thêm giám sát dự án BOT Cai Lậy thực hiện ra sao, đưa ra kiến nghị giải quyết. Chúng ta làm luôn cho hiệu quả, không chờ đợi”, ông Phúc đề xuất.
Mặc dù chưa nhận được đơn thư ở trạm Cai Lậy, nhưng theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, ở các trạm Bến Thủy, Lương Sơn, Hòa Bình đều có đơn thư phản ánh. Tuy nhiên, bà Hải tán thành đề xuất giám sát trạm BOT Cai Lậy để có thêm thực tiễn trong báo cáo giám sát, cũng như đáp ứng mong mỏi của người dân.
Ai lợi nhất, ai chịu thiệt?
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hạn chế lớn nhất hiện nay là quy định thiếu đồng bộ từ khâu chuẩn bị tới thực hiện, mới chỉ ở tầm nghị định, thông tư các bộ. Đây cũng là quan ngại rất lớn đối với nhà đầu tư, nếu có luật, có cơ sở pháp lý cao thì huy động vốn sẽ tốt hơn. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận sự đóng góp của khu vực tư nhân trong việc thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ. Chúng ta chưa có cuộc đánh giá tổng kết nào về việc xây dựng, triển khai pháp luật, dẫn đến đầu tư khá ồ ạt thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải chú ý đến vấn đề quy hoạch, từ đó mới thu hút vốn đầu tư, trong đó cần lưu ý đến tính đặc thù của từng vùng, miền.
Ngoài ra cần khắc phục hạn chế việc lựa chọn nhà đầu tư, vì thời qua đều thực hiện theo chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư dự án. Đặc biệt, việc quy định trạm thu phí phải phù hợp theo quy hoạch, đảm bảo khoảng cách 70 km. Trên thực tế có những trạm đặt không đúng, thậm chí đặt trạm thu phí luôn cả tuyến khác cạnh BOT, tạo ra dư luận không tốt.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, bản thân BOT không có lỗi, chủ trương này cũng không có lỗi. Vấn đề là do cơ sở pháp lý thiếu đồng bộ, không ổn định nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện. Theo bà Nga, không phải nhà đầu tư nào cũng gian dối, cũng có nhà đầu tư làm tốt, nên phải đánh giá cân bằng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý đến việc cần làm rõ thêm vai trò kênh tín dụng và các ngân hàng trong lĩnh vực BOT. Bởi thực chất các dự án BOT đều sử dụng vốn vay, có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay, thời gian vay nhiều dẫn đến thời gian thu phí kéo dài, mức thu cao.
Không làm BOT trên tuyến đường độc đạo
Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thực hiện các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như tình trạng nhiều dự án BOT là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (các tuyến quốc lộ và đường HCM), hạn chế sự lựa chọn của người dân.
Bên cạnh đề nghị ban hành Luật đối tác công tư khắc phục các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành, đoàn giám sát cho rằng, không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT. Trường hợp cấp thiết phải tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân
địa phương.
Xả trạm đợi quyết định của Bộ GTVT
* Trước sự phản ứng của người dân, từ ngày thu phí (1/8) đến nay, chủ đầu tư đã phải nhiều lần xả trạm trong thời gian ngắn để giải tỏa sự ùn tắc giao thông. Chiều tối ngày 14/8 tại trạm thu phí Cai Lậy xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, giao thông hỗn loạn, gây mất an ninh trật tự nên chủ đầu tư quyết định xả trạm cho thông xe. Chiều 15/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Bon cho biết, trạm thu phí Cai Lậy sẽ ngừng thu phí cho đến khi có quyết định của Bộ GTVT. Dự kiến, sáng nay, 16/8, Bộ GTVT sẽ có cuộc họp (tại Hà Nội) sau đó sẽ có quyết định chính thức về việc thu phí tại trạm Cai Lậy.
Nhật Huy
* Sáng nay (16/8), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật sẽ chủ trì cuộc họp tại Bộ GTVT để giải quyết tình trạng căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang.
Đại diện cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT trong việc này cho hay, đã lên phương án kéo dài thời gian thu phí trạm Cai Lậy từ 6 năm 5 tháng hiện nay lên khoảng 15 năm. Dự kiến, mức phí của trạm hiện nay sẽ giảm 30%. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ tính toán phương án miễn giảm phí cho các hộ dân xung quanh trạm Cai Lậy.
Sỹ Lực