Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an khẳng định như vậy khi trao đổi với Tiền Phong chiều 28/12, xung quanh việc triển khai cấp thẻ Căn cước công dân, cũng như biện pháp giải quyết những “phiền hà” trong giao dịch dân sự mà người dân gặp phải khi đổi từ CMND sang thẻ Căn cước công dân.
CMND và thẻ Căn cước có giá trị sử dụng như nhau
Ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực. Cũng từ ngày này, 16 tỉnh, thành phố đã trang bị đủ cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ bắt đầu cấp thẻ Căn cước công dân. Đối với địa phương chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và con người để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực. Chậm nhất từ ngày 1/1/2020, phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật. Địa phương nào cấp thẻ Căn cước thì dừng cấp CMND.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, CMND 9 số và 12 số, hay thẻ Căn cước công dân chỉ khác nhau về tên gọi, còn giá trị sử dụng tương đương. Thẻ Căn cước có một số thay đổi về nội dung tuy nhiên không đáng kể và không làm thay đổi về giá trị. Luật Căn cước công dân quy định CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Cũng theo ông Vệ, người dân không nhất thiết phải đổi từ CMND sang thẻ Căn cước khi CMND vẫn còn giá trị. “Thẻ Căn cước được làm trên công nghệ hiện đại hơn và được gắn mã số định danh của từng người. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện thì cơ quan quản lý chỉ cần tra mã số trên hệ thống dữ liệu là có thể nắm được thông tin của cá nhân một cách nhanh chóng” – ông Vệ nói.
Cắt góc CMND để dân không bị làm phiền
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc có cách nào để người dân không bị “hành” khi sử dụng CMND 12 số hoặc thẻ Căn cước để thực hiện các giao dịch dân sự, như: ngân hàng, nhà đất, công chứng, thuế, bảo hiểm… trong trường hợp mã số của những giấy tờ này không trùng khớp với nhau? - Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho hay: “Trước hết phải nói là có một số cơ quan không chấp hành luật. Pháp luật quy định, CMND, Căn cước công dân, Nhà nước giao cho Bộ Công an quản lý, cấp cho người sử dụng. Khi cấp thí điểm CMND 12 số, Bộ Công an đã có thông báo tới các cơ quan liên quan về việc người A, người B… đã được cấp đổi từ CMND 9 số sang 12 số, nhưng dân vẫn gặp khó khăn, nhiều nơi vẫn bắt xác nhận”.
“Chính vì vậy, Bộ Công an đã thực hiện giải pháp tối ưu nhất để tránh phiền hà cho người dân. Cụ thể, khi người dân làm thủ tục cấp, đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc CMND cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong các giao dịch dân sự thì người dân có thể xuất trình CMND đã cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường. Đối với những trường hợp bị mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp đổi sang CMND 12 số có thể yêu cầu cơ quan công an cấp kèm giấy xác nhận” – ông Vệ thông tin.
16 tỉnh thành đủ cơ sở vật chất để cấp thẻ Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu và Quảng Bình. Các địa phương chưa đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước thì vẫn cấp CMND. Cũng từ ngày 1/1/2016, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp cấp số định danh cá nhân cho trẻ được sinh ra.