Vinachem tự đàm phán để khoanh nợ
Theo thông tin của PV Tiền Phong, để giải cứu nợ cho Công ty Đạm Ninh Bình, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Công Thương có báo cáo thực trạng tài chính của Vinachem cũng hết sức khó khăn, không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và dự án muối mỏ kali tại Lào. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định, đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ.
“Trường hợp China Eximbank không đồng ý cho giãn nợ, đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là BIDV nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV ngay khi có nguồn tài chính”, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo tìm hiểu của PV, trong vài tháng gần đây, Vinachem cũng có 2 báo cáo riêng về số liệu dự kiến trả nợ China Eximbank tương ứng với đề xuất khoanh nợ. Theo đó, nợ gốc của khoản vay sẽ kéo dài đến hết năm 2028 mới trả hết. Tuy nhiên, kế hoạch dòng tiền để trả nợ đính kèm của tập đoàn chỉ tính đến hết năm 2021. Một bản báo cáo của Vinachem gửi Bộ Công Thương ngày 21/4/2017 cho thấy: Trong 5 năm tới, dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phải tiếp tục trông chờ vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình khó khăn của Công ty Đạm Ninh Bình, một lãnh đạo Vinachem cũng thừa nhận đang hết sức khó khăn. Với mức tiền lãi lên tới 2,5 -2,6 tỷ đồng/ngày như hiện nay, không có cách gì để công ty thoát khỏi khó khăn. Theo vị lãnh đạo này, chỉ khi giá đạm lên 8 triệu đồng/tấn là hoàn toàn có thể thoát khỏi khó khăn. Nhiều nhận định khác cho rằng, dự án Đạm Ninh Bình “trả giá” cũng một phần do Vinachem đã cho phép thực hiện nhiều đầu việc không đúng quy định của hợp đồng EPC. Chưa kể việc Hội đồng thành viên tập đoàn này còn đồng ý cho nghiệm thu khi một số thông số không đạt giá trị. Điển hình như việc Hội đồng thành viên Vinachem chấp thuận cho ban quản lý dự án tiếp nhận nguyên trạng nhà máy khi chưa được nghiệm thu.
Làm sai chỉ đạo của cấp trên
Bên cạnh những thông tin về khối nợ, lỗ và tiền đầu tư nhà máy tính bằng con số hàng nghìn tỷ đồng, tình hình kinh doanh của Đạm Ninh Bình khá u tối trong những năm tới. Tuy nhiên, những con số này, theo đánh giá trong một văn bản của Bộ Tài chính là vẫn “giấu”, chưa lột tả được hết tình hình khó khăn hiện tại. Để làm rõ tình hình tài chính của Vinachem và Đạm Ninh Bình, thậm chí 23/5/2017, Bộ Tài chính đã phải gửi công văn yêu cầu cơ quan cho vay lại là BIDV cung cấp bổ sung phân tích tình hình tài chính của đơn vị để đánh giá khả năng cân đối nguồn trả nợ của hai đơn vị trên.
Kết luận sau đó của Bộ Tài chính cho thấy, Đạm Ninh Bình chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn. Chi phí lớn và tình hình thị trường không thuận lợi khiến công ty bị lỗ tới 1.132 tỷ đồng trong năm 2016.
Cũng trong một bản báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính chỉ ra sự thật đáng giật mình quanh việc đầu tư của Vinachem. Đánh giá về trách nhiệm trả nợ của Vinachem, Bộ Tài chính cho rằng: “Việc Vinachem vẫn tiếp tục đầu tư dài hạn Dự án muối mỏ Kali tại Lào trong khi tình hình tài chính không khả quan, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền đảm bảo trả nợ cho dự án Đạm Ninh Bình, không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại ngày 18/11/2016 và Ban chấp hành Trung ương là “chỉ vay trong khả năng trả nợ””.
Truy đến cùng trách nhiệm những người liên quan
Góp ý tại tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức về các dự án nghìn tỷ thua lỗ, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” cần được mổ xẻ kỹ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của những người có liên quan từ phê duyệt, thẩm định, đề xuất, triển khai và cả nghiệm thu các dự án. Bên cạnh đó cần làm rõ tại sao những dự án kém hiệu quả như vậy lại tăng lên ghê gớm trong 10 năm qua? Có phải nó gắn với phân cấp hay không?
“Các dự án nghìn tỷ này khác với thông lệ quốc tế ở chỗ, trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch, trách nhiệm cá nhân. Doanh nghiệp, tổ chức dùng tiền của nhà nước thì cũng phải giải trình xem dự án như thế nào, ai chịu trách nhiệm, ai duyệt, hiệu quả là gì. Người thường làm sai bị xử lý, nhưng ở đây có nhiều dự án thiệt hại tới hàng chục nghìn tỷ mà không có ai bị làm sao cả, thậm chí còn lên chức”, TS Lê Đăng
Doanh nói.
“Việc Vinachem vẫn tham gia góp vốn đầu tư tại gần 40 đơn vị, doanh nghiệp và hiện tiếp tục triển khai đầu tư dài hạn mới vào dự án muối mỏ kali tại Lào dẫn tới sức ép về tài chính trong thời gian tới rất cao”.
Bộ Tài chính cảnh báo
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, với trường hợp của Đạm Ninh Bình hiện nay, trước mắt Bộ Tài chính phải làm việc với Eximbank China để đàm phán, cơ cấu lại nợ và thời hạn trả. Trong trường hợp không thoả thuận được thì theo nghĩa vụ, Bộ Tài chính sẽ buộc phải thu xếp nguồn để đứng ra trả thay.