Đám cháy được bắt đầu vào lúc 18g 50 phút tối 15/4, rồi nhanh chóng lan ra mái của ngôi nhà thờ có tuổi đời hơn 850 năm này và nhấn chìm nó trong biển lửa và thiêu rụi toàn bộ phần mái.
Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris trước khi xảy ra vu hỏa hoạn ngày 15/4.
Trước đó, cùng với việc chống trọi nhằm bảo vệ một trong những tháp chuông chính khỏi sụp đổ, các nhân viên cứu hỏa đã cứu được các tác phẩm nghệ thuật vô giá và các thánh tích tôn giáo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho phóng viên biết tại hiện trường lúc nửa đêm 15/4 rằng: “ Điều xấu nhất đã tránh được”.
Ông Macron cho biết, Pháp sẽ phát động một chiến dịch xây dựng lại nhà thờ, một trong những biểu tượng kiến trúc tinh tế nhất của kiến trúc Gothic của Pháp, trong đó có việc gây quỹ xây dựng và kêu gọi các nhân tài ở nước ngoài về nước giúp xây dựng lại.
“ Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một phần định mệnh của nước Pháp và dự án của chúng ta sẽ mất nhiều năm”, ông Macron cho biết.
Cấu trúc đá chính của nhà thờ Đức Bà Paris đã thoát khỏi bị phá hủy hoàn toàn khi bị ngọn lửa lan sang. Cũng may nhà thờ đang trong quá trình cải tạo, nên một số bộ phận bên dưới giàn giáo và một số bức tượng đồng đã được chuyển đi nơi khác từ tuần trước.
Người phát ngôn của Sở cứu hỏa Paris cho biết vào ngày 16/4: “ Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát đám cháy và làm nguội các khu vực có thể vẫn còn nóng đỏ”.
Khó trở lại như cũ
Trong một thế giới đang tồn tại nhiều chia rẽ về tôn giáo và chính trị, đám cháy tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một nhà thờ tại Pháp đã đưa mọi người xích lại cùng nhau để chia sẻ nỗi đau này. Những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Hindu và các tín ngưỡng khác tại Pháp, Ấn Độ, Argentina và nhiều nơi khác đều bày tỏ nỗi đau đớn của cá nhân trước đám cháy lớn hủy hoại nhà thờ Đức Bà Paris.
Một người dân Paris chia sẻ: “ Tôi có rất nhiều bạn bè ở nước ngoài và mỗi lần họ tới Paris tôi thường đưa họ đi thăm nhà thờ Đức Bà Paris. Bản thân tôi đã đi thăm nhà thờ nhiều lần, nhưng nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ được. Nó thực sự là biểu tượng của Paris”.
Vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris tuy không gây thiệt hại về người (mới có báo cáo về một lính cứu hỏa bị thương nặng), nhưng sự phá hủy của nó khó khôi phục được trọn vẹn và sẽ mất nhiều thời gian.
Nhân chứng lịch sử
Tác phẩm hội họa nổi tiếng được treo tại bảo tàng Louvre tái hiện cảnh hoàng đế Napoleon tự tay trao vương miện hoàng hậu cho Josephine tại nhà thờ Đức Bà Paris năm 1804.
Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là một ngôi nhà thờ đơn thuần, nó còn mang một ý nghĩa quan trọng đối với thế giới. Công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng này dường như là biểu tượng của sự trường tồn. Nhà thờ Đức Bà Paris đã sống sót sau Thế chiến I và II.
Hơn 800 năm qua, nhà thờ vẫn hiên ngang đứng đó, chứng kiến và tham dự vào lịch sử nước Pháp. Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là lịch sử của nước Pháp, mà còn là lịch sử của thế giới.
Chính dưới mái vòm cao vút của nhà thờ, vào năm 1804, Napoleon đã tự xưng ngôi hoàng đế và sau đó tự tay trao vương miện cho hoàng hậu Josephine yêu dấu của mình. Không giống như những vị vua trước đây, Napoleon đã không để Giáo hoàng trao vương miện lên đầu mình. Trong nhà thờ, ông tuyên bố rằng ông không cần sự chấp thuận của Giáo hội.
Cũng chính tại nhà thờ Đức Bà, nữ vương Mary của xứ Scots, 15 tuổi, đã kết hôn với trữ quân nước Pháp Francis vào năm 1558 khi mới 14 tuổi.
Chính nhà thờ Đức Bà Paris đã truyền cảm hứng cho đại thi hào Victor Hugo với tác phẩm bất hủ “ Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris”.
Do đó, khi nhà thờ có nguy cơ bị sụp đổ vì đám cháy, cả thế giới dường như đều cảm thấy mất mát và đều cùng nhau chia sẻ nỗi đau đớn, tất nhiên người Pháp cảm thấy mất mát lớn nhất.