Ông Phạm Hữu Hoan nói:
Tuyển sinh vào lớp 10 năm nay vẫn thực hiện theo phương thức xét kết hợp với thi tuyển. Việc xét căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của bốn năm học ở THCS (đã được lượng hóa theo quy định). Bên cạnh đó, các em dự thi hai môn văn và toán, điểm thi nhân hệ số hai.
Chỉ những em có hộ khẩu, hoặc bố hoặc mẹ có hộ khẩu ở Hà Nội mới được dự kỳ xét tuyển vào các trường THPT công lập. Việc đăng ký dự thi được chia theo khu vực (Sở sẽ hướng dẫn chi tiết trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 sắp ban hành). Mỗi thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng (NV). NV1 là trường thuộc khu vực nào thì NV2 cũng phải chọn trường trong khu vực đó.
Hiện đã biết có bao nhiêu chỉ tiêu chưa, thưa ông?
Cho đến giờ vẫn chưa xác định cụ thể chỉ tiêu cho từng trường nên chưa có tổng chỉ tiêu trên toàn thành phố. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì số chỉ tiêu vào các trường công lập sẽ đáp ứng chỗ học cho khoảng 65% số học sinh tốt nghiệp THCS. Theo ước tính của chúng tôi, số em tốt nghiệp THCS năm nay của Hà Nội ước chừng khoảng 70.000.
Năm nay, theo quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thì sĩ số với lớp 10 trong các trường THPT sẽ giảm xuống còn 41 học sinh/lớp (năm ngoái là 42 học sinh/ lớp); với những Trung tâm GD Thường xuyên có tổ chức dạy học chương trình THPT 11 môn thì sẽ giao chỉ tiêu ít hơn so với mọi năm. Việc hạn chế này là do Sở muốn tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thêm nguồn tuyển.
Sở muốn tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập nhưng tại sao năm ngoái có trường ngoài công lập phải giảm chỉ tiêu so với khả năng điều kiện cơ sở vật chất của họ?
Trường mà các bạn nói tới là Trường THPT Lương Thế Vinh. Việc cắt giảm chỉ tiêu của trường Lương Thế Vinh là do Sở phải cân đối nguồn tuyển trong khu vực. Trong khu vực mà trường Lương Thế Vinh đóng (quận Cầu Giấy) có khá nhiều trường ngoài công lập. Nếu giao đủ chỉ tiêu cho trường đó theo đề xuất của họ thì các trường ngoài công lập trong khu vực sẽ không có học sinh để tuyển.
Năm ngoái và nhiều năm trước, điểm đầu vào của nhiều trường khu vực ngoại thành rất thấp. Nhiều ý kiến cho rằng với những trường đó thì nên cho phép họ xét tuyển, quan điểm của ông thế nào?
Mình không còn cách nào khác là chấp nhận điểm tuyển khá thấp của một số trường ở khu vực ngoại thành. Hiện nay, thành phố cho phép học sinh sau khi học xong một học kỳ được phép chuyển từ trường này sang trường khác. Nếu học sinh vào học ở một trường nào đó tuyển đầu vào do xét thì khi các em muốn chuyển tới một trường tuyển đầu vào do thi thì làm thế nào!
Điểm tuyển sinh đầu vào giữa các trường hiện rất chênh lệch, việc cho phép một học sinh đạt điểm đầu vào rất thấp dẫu đã trúng tuyển vào một trường có điểm tuyển thấp chuyển đến một trường có điểm tuyển cao thì có công bằng?
Việc chuyển trường phải do hội đồng trường xét, đồng thời Sở cũng yêu cầu các trường không tiếp nhận trường hợp học sinh có điểm thấp so với điểm chuẩn của trường mình quá 3 điểm.
Không bao giờ có chuyện một học sinh chỉ đủ điểm đỗ vào một trường chẳng hạn như THPT Trung Văn lại được chuyển tới một trường có điểm chuẩn cao như THPT Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, sở dĩ quy định này không được đưa vào quy chế là bởi còn phải xét tới những trường hợp đặc biệt.
Ví dụ khi thi vào lớp 10 thì nhà em A ở Mỹ Đức với 38 điểm em đã có thể đỗ vào một trường THPT khu vực đó. Một năm sau nhà em chuyển về quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó, cả khu vực Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng không có một trường công lập nào có điểm chuẩn dưới 45. Nếu đưa quy định trên vào quy chế thì em ấy tự nhiên mất quyền học trường công chỉ vì một khó khăn có tính khách quan.
Cảm ơn ông.
Đề thi vào lớp 10 năm nay sẽ ra theo hướng thế nào, thưa ông?
Sở sẽ khảo sát mặt bằng chung năng lực của học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố để căn cứ vào đó đưa ra mức độ khó của đề.
Việc ra đề về cơ bản sẽ bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng; đảm bảo được sự phân hóa rõ nét để cho những học sinh có học lực khá giỏi sẽ đạt điểm 8,9,10, đồng thời có những câu khá dễ nhằm giúp học sinh tránh được điểm 0, chỉ những học sinh quá kém mới có thể bị điểm 0.