Ngày 28/11, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk Bạch Văn Mạnh cùng đại diện thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, do Bộ Nội vụ tổ chức.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu, thời gian qua trong thực thi công vụ có lúc cán bộ, công - viên chức chưa thật sự gần, sát dân, lôi cuốn nhân dân tham gia vào các hoạt động của tổ chức, đoàn thể. Dẫn đến khi triển khai những công trình, cây cầu, con đường ở một số địa phương nhưng chưa phù hợp với lòng dân. Trong khi đó, công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sự giám sát của nhân dân dẫn đến thất thoát. Do đó, công tác dân chủ phải phát huy tốt từ dưới cơ sở đi lên để lắng nghe, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tâm tư chính đáng của người dân.
Điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk |
Ông Bạch Văn Mạnh - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk cho hay, dân chủ là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước với quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trước Luật Dân chủ ra đời, Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nói về dân chủ. Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đều đề cao vai trò dân chủ. Có thực hiện tốt quy chế dân chủ thì mới giải quyết được những bức xúc chính đáng của nhân dân, nhất là “điểm nghẽn” trong các vấn đề Nhà nước, chính quyền.
Tại Đắk Lắk, theo ông Mạnh, thời gian qua địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các cấp, ngành. Tương tác giữa chính quyền với nhân dân chính là thực hiện quy chế dân chủ, để làm sao dân giám sát, kiểm tra, nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…Tuy nhiên, cá biệt ở một số vùng, một số đơn vị vẫn còn xem nhẹ vai trò phát huy dân chủ. Còn hình thức, chung chung, “khoán trắng” cho cán bộ cấp dưới về công tác dân chủ.
Ông Bạch Văn Mạnh - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk |
Luật dân chủ sẽ được cụ thể hóa thông qua Nghị định, thông tư… và làm sao để nhân dân phát huy quyền dân chủ của mình, chính quyền các cấp giải quyết các điểm nghẽn, nhất là giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân. Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm những người thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhân dân (cán bộ, công - viên chức).
“Chúng ta kiên quyết, xử lý nghiêm trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Luật Dân chủ. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà có hình thức xử lý. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự; còn ở mức ít hoặc không nghiêm trọng thì bị xử lý về mặt Đảng và các quy định khác như Luật cán bộ, công viên chức… Đắk Lắk cũng từng có cán bộ vi phạm bị xử lý do vi phạm trong thực thi công vụ liên quan đến đất đai, rừng…”.