Đại úy 'mê' chất độc

Đại úy Nguyễn Phi Hùng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo đơn vị về nguyên lý hoạt động của thiết bị chống khủng bố H-03.
Đại úy Nguyễn Phi Hùng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo đơn vị về nguyên lý hoạt động của thiết bị chống khủng bố H-03.
TP - Đại úy Nguyễn Phi Hùng (Thạc sỹ, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Viện Hóa học - Môi trường quân sự, Bộ Tư lệnh Hóa học) còn khiến đồng đội nể phục về trình độ chuyên môn cũng như đam mê nghiên cứu chất độc hóa học. 

Quyết tâm thực hiện tâm nguyện của mẹ, tốt nghiệp Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và hoàn thành chương trình cao học tại Viện Hóa học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Phi Hùng trải qua kỳ thực tập nghiêm ngặt tại Viện Hóa học- Môi trường quân sự. “Mẹ tôi là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, là thương binh 4/4. Mong mỏi của mẹ là được thấy con trai đứng trong hàng ngũ quân đội và đây cũng là ước mơ của chính bản thân tôi”, đại úy Hùng tâm sự.

Nhắc đến lĩnh vực nghiên cứu chất độc quân sự, đại úy Hùng cho rằng, hình như anh có duyên với những thứ nguy hiểm. Gần 15 năm phục vụ trong quân ngũ, đến nay, đại úy Hùng đã chủ trì, tham gia rất nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, Binh chủng và cấp cơ sở. Trong đó, anh đã trực tiếp tham gia các dự án về xử lý chất độc quân sự tồn lưu sau chiến tranh như dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa”; dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin và asen trong đất tại một số sân bay dã chiến thuộc các Quân khu 4, 5, 9”; dự án môi trường “Điều tra chất lượng môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của các đồn biên phòng và dân cư lân cận 4 tỉnh Tây Nguyên”.

Trong số các nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ mà đại úy Hùng tâm huyết nhất là khi được giao tham gia quan trắc và giảm thiểu ô nhiễm thuộc dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1” từ năm 2006 đến 2010. Do tính chất công việc phải xử lý khẩn trương và triệt để trả lại môi trường trong sạch cho sân bay Biên Hòa, nhiều đêm anh và các cộng sự thức trắng để đưa ra các phương án thi công phù hợp để không ảnh hưởng sức khỏe của bộ đội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Đến nay, giai đoạn 2 của dự án mà đại úy Hùng được giao làm thư ký hạng mục thi công và quan trắc giảm thiểu đang được hoàn thành, chuẩn bị các bước để nghiệm thu các cấp.

Với nhiệm vụ là thư ký đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị H-03” từ năm 2012-2013, anh đã góp phần không nhỏ trong nghiên cứu, chế tạo và áp dụng thử thiết bị chống khủng bố H-03. Đề tài đã bảo vệ thành công năm 2013 và được trao giải nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2015. Trên cơ sở đó, năm 2015, anh được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Hoàn thiện và áp dụng thử thiết bị H-03” (5/2015 - 11/2016). Mục đích của đề tài là tối ưu hóa công nghệ chế tạo, hoàn thiện một số nhược điểm của thiết bị H-03 để có thể đưa vào sản xuất và trang bị cho các đơn vị đặc biệt chuyên trách làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Theo đại úy Hùng, đây là lĩnh vực nghiên cứu rất mới trên thế giới và có tính bảo mật cao nên việc thu thập thông tin và tài liệu rất khó khăn, quá trình thử nghiệm rất tốn kém và nguy hiểm, đòi hỏi phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị phòng hóa. Tuy vậy, với quyết tâm cao của Ban chủ nhiệm đề tài, đến nay các nội dung nghiên cứu của đề tài gần như đã hoàn thành. Đề tài sẽ kết thúc và nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng vào tháng 11 năm nay.

Chia sẻ với Tiền Phong, đại úy Hùng cho biết, phương châm sống yêu thích nhất của anh là luôn luôn học hỏi để phát triển và hoàn thiện bản thân. “Mục tiêu của tôi là tích cực tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, phục vụ huấn luyện, nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc hóa học, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh”, đại úy Hùng nói.

Ngoài nhiều phần thưởng, danh hiệu những năm trước đây, năm 2015, đại úy Hùng đã gặt hái rất nhiều thành công như trở thành đại biểu chính thức tham dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần thứ 2; được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen và là một trong 10 gương mặt trẻ triển vọng toàn quân; được T.Ư Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo... Hiện, anh là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (2014-2018) và là Thư ký Hội đồng khoa học của Viện Hóa học - Môi trường quân sự.

MỚI - NÓNG