Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tạo niềm tin, nghị lực phi thường

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tạo niềm tin, nghị lực phi thường
TP - Trong những ngày qua, độc giả gửi về Diễn đàn Lập thêm những Điện Biên ý kiến nhiều chiều, trong đó hầu hết là trí thức trẻ hiến kế để xây dựng nên những chiến thắng mới.

> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hết thảy vì lợi ích nhân dân
> Hình ảnh Đại tướng phải được thể hiện đậm nét trong SGK

Người trẻ xem mình như chiến sĩ

Tiến sỹ trẻ tuổi nhất Việt Nam chuyên ngành vật liệu tiên tiến Võ Văn Chi tốt nghiệp Đại học Grenoble (Pháp), từ chối lời mời làm việc tại các trung tâm công nghệ lớn ở nước ngoài, về Việt Nam công tác tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, chia sẻ:

Khi còn ở trường đại học, tôi đã say sưa đọc hết bộ hồi ký của Đại tướng, được trải nghiệm cuộc đời hoạt động sôi nổi của Đại tướng từ hàng ngàn trang sách. Qua đó, tôi học được rất nhiều từ phong cách sống và chiến đấu của Đại tướng.

Ở Đại tướng có một niềm tin và nghị lực phi thường rất đáng học tập. Điều ấn tượng nhất với tôi là những hồi ức về khoảng thời gian Đại tướng bị ốm nặng trong rừng khi còn ở chiến khu, đơn độc và không có thuốc men, bác sĩ. Nhưng nhờ niềm tin vào một ngày độc lập và thống nhất, Đại tướng đã tự mình vượt qua cơn sốt và tiếp tục chiến đấu.

Trong những thời điểm khó khăn nhất, tôi nhớ lại hình ảnh này và cố gắng vượt qua hoàn cảnh để học tập hết khả năng của mình. Tôi thực sự tin rằng những gì học được từ tấm gương của Đại tướng sẽ tiếp tục giúp tôi và không ít bạn trẻ vượt qua những thử thách trong công việc và cuộc sống của mình.

Tôi nghĩ, thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi tinh thần hy sinh của thế hệ đi trước, thế hệ trước đã đánh đổi rất nhiều để giành được nền độc lập và thống nhất đất nước. Ngày nay, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nên mỗi người chúng ta cần biết hy sinh một chút lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.

Mỗi người trẻ hôm nay được trang bị nhiều kiến thức, hiểu biết cần xem mình như một chiến sĩ thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước ngày càng mạnh hơn. Mỗi thế hệ có một vai trò lịch sử của mình. Thế hệ đi trước đem lại cho chúng ta một cuộc sống hòa bình; Thế hệ hôm nay đem lại cho thế hệ sau cuộc sống tốt đẹp hơn những điều kiện tốt hơn, nhiều cơ hội phát triển hơn trên đất nước mình.

Có được những thế hệ vì Tổ quốc như vậy, Việt Nam mới có thể nhanh chóng trở thành một quốc gia phát triển. Thế hệ trẻ hôm nay cần cùng nhau cố gắng nhiều hơn và nắm tay nhau thực hiện vai trò của chúng ta, tạo nên những thành tựu lớn trong thời đại mới.

TS Võ Văn Chi
Khu Công nghệ caoĐà Nẵng

Tự hào tiếp nối

Trong dòng người nối dài viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến tôi nghĩ đến sự tiếp nối. Đó là sự tiếp nối truyền thống, tiếp nối thế hệ. Có không ít người đang quan ngại về một sự giãn cách hay sự đứt đoạn nào đó trong việc kế thừa truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, tinh thần dân tộc giữa thế hệ trẻ với lớp ông cha.

Nhưng những ngày vừa qua, những người trẻ nói riêng thể hiện niềm lưu luyến, tiếc thương về sự ra đi của một chứng nhân kiệt xuất trong lịch sử dân tộc đã đủ sâu sắc để khiến các bạn trẻ hiện thực hóa lòng tự hào và tình yêu đất nước. Lòng tự hào và tình yêu ấy là sức mạnh hóa hành động có ý nghĩa phục vụ quê hương, đất nước.

 Có một niềm tin trong tâm thức bạn trẻ đang trỗi dậy mạnh mẽ. Niềm tin ấy giúp họ có sức mạnh tinh thần, hướng tới làm những việc có ý nghĩa cho cuộc sống cộng đồng, cho sự phát triển đất nước. Tôi nghĩ, để lập nên những Điện Biên Phủ mới, mỗi bạn trẻ có thể bắt đầu từ việc làm tốt những công việc đang làm, những việc thường nhật. Tôi thấy mình có ý thức hơn, luôn nghĩ sẽ làm gì và làm như thế nào để chung tay làm nên một Điện Biên cùng tuổi trẻ cả nước

Hoa hậu Ngọc Hân

Là nhà sư phạm, tôi cho rằng khi người trẻ được định hướng, được hiểu và bồi dưỡng về chủ nghĩa dân tộc, có lòng tin sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng lớn để họ thực hiện những trọng trách lớn lao khiến lớp người đi trước tự hào về sự tiếp nối ấy. Vì thế, trong những giờ giảng, tôi dành nhiều thời gian cho sinh viên thảo luận, lồng ghép việc phát biểu và tôn vinh những giá trị của dân tộc một cách tự nhiên, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước cho các bạn trẻ.

Tôi luôn cùng sinh viên đặt câu hỏi: Yêu nước, tôn kính những vĩ nhân, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phải được cụ thể hoá như thế nào với mỗi cá nhân, mỗi công việc, mỗi ngành nghề? Trả lời câu hỏi là quá trình sinh viên luôn thôi thúc nhận thức cũng như hành động được thể hiện trong học tập, cuộc sống.

Hiện nay, môi trường giảng dạy và học tập ở đại học cũng như trên truyền thông, thấy giới trẻ có xu hướng bàn luận các vấn đề lớn trong và ngoài nước. Đây thực sự là tín hiệu hội nhập của thanh niên Việt Nam với thế giới, không muốn đón nhận và chấp nhận thông tin một chiều, luôn tìm đến những chi tiết thực chứng, và hiện thực hoá những dữ liệu còn chưa rõ ràng về các vấn đề được truyền thông.

Bởi vậy đáp ứng cho các bạn trẻ nhu cầu được phát biểu, được luận bàn, được bày tỏ cảm xúc, được hiểu đúng một vấn đề chưa rõ ràng, được phản biện... tôi thấy cần phải tạo ra một không gian cởi mở, có tính học thuật, khách quan và tôn trọng các ý kiến cá nhân, tạo môi trường cho từng cá nhân phát triển.

MC Trịnh Lê Anh
Phó trưởng khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG