Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà nho có 7 người con tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - vùng đất hiếu học và giàu truyền thống cách mạng. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng gắn liền với những dấu mốc lịch sử, những chiến công vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ thời niên thiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ nhiều phẩm chất của một nhân cách lớn. Với lòng yêu nước nồng nàn, thông minh, ham học hỏi, từ rất sớm Đại tướng đã tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước, từng bước giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940 và đến năm 1941 được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Với nhân dân nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với nhân dân, đúng như lúc sinh thời Đại tướng đã từng nói “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.
Đại tướng là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự được thế giới công nhận, tôn vinh. Trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi, song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trở thành người tướng quân bách chiến, bách thắng, vị tướng huyền thoại của dân tộc, được nhân dân kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của nhân dân”; được thế giới nể phục, tôn vinh là Anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam, một trong 10 nhà cầm quân kiệt xuất nhất lịch sử nhân loại.
Đại tướng là nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội và bạn bè quốc tế. Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Dẫu rằng Đại tướng đã rời xa chúng ta, nhưng lẽ sống của Đại tướng và những tư tưởng, khát vọng mà Đảng, Bác Hồ, các bậc tiền nhân đã theo đuổi chắc chắn sẽ còn sống mãi với lịch sử, với dân tộc và là tấm gương sáng để thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Đó là bài học về đạo đức của người làm cách mạng, và bài học trong phát huy tinh thần xung kích tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng là người thấm nhuần và học tập suốt đời 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Cuộc đời của Đại tướng là tấm gương sáng về sự thanh liêm, chính trực, ham học hỏi, luôn khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, sống nghĩa tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.
Trong Hồi ký của mình và trong nhiều bài nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, với thanh niên, Đại tướng luôn nhắc nhở chúng ta phải học tập và làm theo tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần của người làm cách mạng: “Dĩ công vi thượng” (phải đặt lợi ích của đất nước, của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết). Học tập và noi gương Đại tướng, mỗi thanh niên cần phải ra sức phấn đấu rèn luyện toàn diện để trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, đó là sống có lý tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn.
Thanh niên phải luôn đứng ở vị trí người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội để hành động tích cực, chủ động sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, cần có hiểu biết về những vấn đề thời đại, những biến động trong quan hệ quốc tế và dự báo xu hướng phát triển của thế giới trong tương lai để hình thành cho mình bản lĩnh, sự nhạy cảm chính trị, cách thức nắm bắt, xử lý những vấn đề cụ thể, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ.
Thước đo cho sự phát triển của một quốc gia, dân tộc không chỉ là tiềm lực kinh tế, quân sự, mà bên trong đó là một trật tự xã hội hiện đại, dân chủ, công bằng; một nền văn hóa được cụ thể hóa ở mỗi con người với tính nhân văn, nghĩa tình, sống thủy chung, đoàn kết, yêu thương.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng luôn quan tâm, dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Năm 1980, khi còn là Phó Thủ tướng, tại Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 30, ngày 30/10/1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và nói chuyện về chủ đề “Thanh niên với cách mạng khoa học - kỹ thuật”. Đại tướng căn dặn: “Thế hệ thanh niên ngày nay phải ra sức phấn đấu học tập nâng cao trình độ chính trị văn hóa và khoa học kỹ thuật, hăng hái hành động và sáng tạo, rèn luyện mình trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, trở thành người chiến sĩ trên mặt trận khoa học và kỹ thuật, vừa có nhiệt tình cách mạng vừa làm chủ được khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại”.
Những lời căn dặn của Đại tướng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị với thanh niên Việt Nam. Đứng trước bối cảnh hội nhập của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để hội nhập sâu rộng với thế giới, việc không ngừng học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn cao, năng lực thực tiễn tốt là nhiệm vụ tiên quyết hàng đầu của thanh niên. Mỗi thanh niên cần nhận thức và có thái độ tích cực, chủ động, phải tự mình nỗ lực vươn lên, hăng say trong học tập, chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, làm chủ khoa học, công nghệ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ Việt Nam kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Đại tướng luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân, bạn bè quốc tế và lớp lớp thanh thiếu nhi Việt Nam.