Đại tướng và những mệnh lệnh thấu lòng quân sĩ

Đại tướng và những mệnh lệnh thấu lòng quân sĩ
TP - Chúng ta hay nói đến bức điện mật lịch sử do Đại tướng đích thân viết tay và được gửi đi ngày 7/4/1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...”. Những mệnh lệnh biểu cảm như hịch đó là phong cách đặc biệt của Đại tướng trong chỉ huy.

> Các vị Bộ trưởng giáo dục và hoài niệm về Đại tướng
> Người dân viếng Đại tướng đến 18h ngày 10/10

1. Trong một số trường hợp, Đại tướng lệnh nhưng không dùng thể thức mệnh lệnh mà ra lời kêu gọi. Tháng 3/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh ra lời kêu gọi “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ” (xem báo Quân đội Nhân dân số 130, ngày 10/3/1954). Phần cuối Lời kêu gọi viết:

‘Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, toàn thể các binh chủng trên mặt trận Điện Biên Phủ:

Phải nhận rõ vinh quang được tham dự vào trận lịch sử này,

Phải có quyết tâm giết giặc rất cao,

Phải nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”,

Phải vượt qua mọi gian khổ,

Khắc phục mọi khó khăn,

Hợp đồng chặt chẽ,

Chiến đấu liên tục,

Tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ,

Giành đại thắng cho chiến dịch.

Giờ ra trận đã đến.

Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên; thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”.

Có khi Đại tướng lại dùng cách viết thư như tâm tình với toàn thể quân sĩ để truyền đạt mệnh lệnh. Cuối tháng 3/1954, sau khi thực hiện xong đợt tấn công thứ nhất và đã hình thành được trận địa bao vây khu vực trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch, Đại tướng quyết định mở đợt tấn công thứ 2.

Trong thư “Thân gửi các cán bộ và chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ trước giờ ra trận” (xem Quân đội Nhân dân số 137, ngày 28/3/1954), Đại tướng dùng những lời giản dị, như tâm tình với quân sĩ: “Hôm nay tôi nói cho các đồng chí biết một việc rất quan trọng: Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở một đợt tấn công lớn vào quân địch ở Điện Biên Phủ...” .

Bức mật lệnh nổi tiếng ngày 7/4/1975
Bức mật lệnh nổi tiếng ngày 7/4/1975.
 

Sau khi nêu mục đích, thuận lợi, khó khăn và lý do chắc thắng của đợt tấn công, Đại tướng viết: “Trận chiến đấu sắp tới to lớn hơn các cuộc chiến đấu trước nhiều. Vậy thì làm sao đảm bảo được thắng lợi?
Giả lời:

Chỉ cần làm đúng một điều yêu cầu này: là tất cả cán bộ và chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết, dũng mãnh, đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một thời cơ nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ và đảng viên phải làm gương cho toàn quân, mỗi chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế tiến công lớn, không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là phải kinh khủng. Tất cả đều phải có quyết tâm như vậy, đều phải thi đua nêu cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch...
(...)

Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đang mong chờ tin chiến thắng này (...)

Bắt tay các đồng chí trước khi các đồng chí ra trận”.

Giai đoạn bao vây tiêu hao quân địch trước khi tổng công kích ở Điện Biên, Đại tướng ra lời kêu gọi, (xem báo Quân đội Nhân dân số 145, 26/4/1954), trong đó có đoạn viết: “Tôi kêu gọi:

Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường

các chiến sĩ bắn súng máy

các chiến sĩ bắn súng cối

các chiến sĩ pháo binh

Hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ.

Một viên đạn, một tên địch

Một viên đạn, mấy tên địch.

Kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng. Đồng chí nào sẽ là người chiến sĩ thiện xạ bắn súng trường giỏi nhất trên Mặt trận Điện Biên Phủ?...”.

2. Trong cuộc tọa đàm trực tuyến mà báo Tiền Phong tổ chức trên Tiền Phong điện tử ngày 8/10/2013 với chủ đề “Võ Nguyên Giáp – Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của Nhân dân”, Trung tướng Phạm Hồng Cư – nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kể về hai lần nghe mệnh lệnh của Đại tướng trên chiến trường mà ông và các chiến sĩ lay động tận tâm can, khí thế chiến đấu lên hừng hực.

Chuyện thứ nhất: Năm 1947, Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn bảo vệ Bộ Tổng của ông đóng ở Bình Ca. Bình Ca là một vị trí cực kỳ quan trọng bảo vệ An toàn khu, vì sau lưng Bình Ca đã là Tân Trào. Trưa ngày 7/10/1947, ông nhớ rõ vì đó là ngày quân Pháp nhảy dù Bắc Cạn để đánh vào chiến khu Việt Bắc, một sĩ quan liên lạc đi ngựa đến sở chỉ huy tiểu đoàn gọi to: “Chính trị viên Hồng Cư, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương ra nhận lệnh”. Hai ông chạy ra đứng nghiêm. Người sĩ quan rút tờ lệnh của Tổng Tư lệnh ra đọc. Tờ lệnh chỉ ghi đúng một câu: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên. Văn”.

Con đường Thái Nguyên - Bình Ca (Tuyên Quang) và đoạn sông Lô gần đó rất trọng yếu vì nếu khai thông được, quân Pháp sẽ dễ dàng đánh thốc vào ATK. Nghe lệnh, hai ông phân công nhau, tiểu đoàn trưởng Vũ Phương (sau này hi sinh trong trận Tu Vũ mở đầu chiến dịch Hòa Bình 1950) đi kiểm tra trận địa, ông Hồng Cư đi kiểm tra, truyền đạt mệnh lệnh và động viên bộ đội. Đó là năm 1947 gian khó, bộ đội trong đơn vị hầu hết là người Hà Nội, quân phục chưa có, ai có gì mặc nấy, ăn uống kham khổ, chưa quen lam chướng nên phần đông bị phù thũng, sốt rét. Ông đi đến các lán, thấy rất nhiều anh em đang lên cơn sốt, đắp chăn nằm run lập cập. Ông truyền lệnh: Tổng Tư lệnh có lệnh cho chúng ta: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Kỳ lạ! Vừa nghe lệnh xong, các chiến sĩ đều tung chăn ngồi dậy, khoác súng lập cập, liêu xiêu ra trận địa. “Cả đời tôi không quên được hình ảnh ấy” - Tướng Hồng Cư nói.

Tiểu đoàn 42 vâng lệnh Tổng Tư lệnh, ngày đêm không rời trận địa. Khi quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, ngay trận đầu tiểu đoàn đã bắn chìm một tàu đổ bộ LCVP hạng trung của địch trên Sông Lô. Sau đó tiểu đoàn đánh nhiều trận nữa, bắn chìm nhiều tàu giặc. Đồng chí Võ nguyên Giáp gửi thư khen tiểu đoàn, trong đó có đoạn viết: “Trận Bình Ca, tiểu đoàn 42 đã đánh tàu đổ bộ, bắn chìm pháo thuyền, xung phong cướp súng, lập chiến công, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên Sông Lô”. Những lời này được khắc trên bia đá đặt tại Đài chiến thắng Bình Ca trên sông Lô. Tiểu đoàn 42 được gọi tên là Tiểu đoàn Bình Ca. Cũng cần nói thêm là hình ảnh những người chiến sĩ gian khó của tiểu đoàn 42 trong những ngày đêm quyết trụ giữ Bình Ca đã được nhà thơ Chính Hữu, lúc đó công tác ở cùng trung đoàn khắc họa rất đẹp và cảm động trong bài thơ “Đồng chí”: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay! /Đêm nay rừng hoang sương muối /Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới /Đầu súng trăng treo”.

Chuyện thứ hai: Trong cuộc tấn công giải phóng miền Nam mùa xuân 1975, ông Hồng Cư là phái viên của Tổng cục Chính trị ở cánh quân Duyên hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Sao vàng do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Ngày 7/4/1975, đang ở Đà Nẵng, ông được nghe mệnh lệnh lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Nghe xong lệnh, các chiến sĩ hét rầm trời: Hoan hô Đại tướng. Quyết chiến quyết thắng. Quyết chiến quyết thắng. Cứ như thế mãi.

Trên mấy trăm chiếc ô tô, cánh quân Duyên hải đã cùng xe tăng và các phương tiện kỹ thuật khác hành quân thần tốc, đánh thốc vào chọc thủng phòng tuyến Phan Rang của địch, tiến thẳng vào Sài Gòn. Tăng của Quân đoàn 2 đã húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG