Đại tướng Phan Văn Giang: Sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài.

Chiều 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) và động viên công nghiệp.

Tờ trình do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày cho biết, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, nhất là cuộc xung đột Nga - Ucraina đang diễn ra, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp QPAN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Đồng thời thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang: Sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống ảnh 1

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh Như Ý

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh,

Trong đó, ban soạn thảo hướng tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và và phát triển công nghiệp QPAN; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

Dự thảo tập trung vào 5 chính sách nổi bật như: Công nghiệp QPAN; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp; hợp tác quốc tế công nghiệp QPAN; trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp;

Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Cùng với đó, UBQPAN cũng cơ bản nhất trí với dự thảo luật, quy định nguồn lực tài chính cho phát triển CNQPAN do ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm và trong điều kiện NSNN còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp, đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm cho công nghiệp QPAN.

Chính phủ dự kiến sẽ không quy định về "nguồn vốn chuyên biệt" mà thay bằng "nguồn vốn hợp pháp khác". Theo cơ quan thẩm tra, đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại tướng Phan Văn Giang: Sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống ảnh 2

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh Như Ý

Về chế độ chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp (Điều 50), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động trả lương cho người lao động, chuyên gia theo cơ chế thị trường.

Kinh phí trả lương của người lao động thuộc các đơn vị hạch toán tham gia phục vụ QPAN trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, không bao gồm trong quỹ tiền lương thực hiện hàng năm, được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao ổn định, quản lý tiền lương thông qua kết quả sản xuất kinh doanh.

Ông Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài và đối tượng "nhà khoa học", "nhà khoa học trẻ tài năng"… như quy định của Luật Khoa học và Công nghệ tại khoản 4 Điều này.

UBQPAN đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định chế độ, chính sách cho người lao động cho phù hợp với tính chất đặc thù trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh và với pháp luật liên quan.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.