Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

Đại sứ du lịch không phải để hưởng lợi

Không cẩn thận, bầu chọn đại sứ du lịch lại là cuộc chơi tốn kém, không hữu ích. Ảnh: Như Ý
Không cẩn thận, bầu chọn đại sứ du lịch lại là cuộc chơi tốn kém, không hữu ích. Ảnh: Như Ý
TP - Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói như thế trong cuộc họp báo lấy ý kiến báo chí về Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn và hoạt động Đại sứ Du lịch Việt Nam sáng 29/5 tại Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTT&DL).

Thời điểm này rất cần đại sứ?

Ông Hồ Anh Tuấn nhắc lại thực tế đáng quan ngại của du lịch Việt Nam, sau khi khách Trung Quốc gần như ngừng nhập cảnh qua đường bộ, hàng không. “Cuộc họp thường kỳ của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch ngày 30/5 sẽ tập trung vấn đề này. Năm nay chỉ tiêu đề ra đón 8,3 triệu khách quốc tế. Từ giờ đến cuối năm không còn bao lâu, chúng ta phải nghĩ cách tăng cường lượng khách ở các thị trường khác”, ông nói.

Lãnh đạo Bộ nói thêm, trong tình hình khó khăn, Bộ có đoàn trực tiếp đón đoàn khách khoảng 2 nghìn người, trong đó có cả khách nói tiếng Hoa, đến Việt Nam bằng tàu biển, cập cảng Quảng Ninh ngày 3/6 tới. Du khách đến Việt Nam bằng tàu biển được đánh giá là quan trọng trong thời gian tới. Chính vì thế, trong thời điểm này danh hiệu đại sứ du lịch góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tuy nhiên, không hiếm người cho rằng không nên vin vào chức danh mang tính hình thức này để thúc đẩy du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch vẫn là cách giải quyết triệt để, mời gọi khách tốt nhất đến Việt Nam. “Việc duy trì, kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch là câu chuyện thường xuyên, lâu dài”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn từng nói.

Không hạn chế số lượng?

Hiện có bốn hồ sơ ứng cử đại sứ du lịch, thế mà trong buổi lấy ý kiến, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ VHTT&DL cho biết, sẽ không chỉ có một đại sứ. Điều này thể hiện rõ trong bản quy chế, theo đó đại sứ du lịch Việt Nam là danh hiệu danh dự do Bộ VHTT&DL bổ nhiệm cho các cá nhân, nhóm cá nhân hội đủ điều kiện.

Thực tế, không ít ứng viên coi đây là cơ hội để nổi tiếng, phát ngôn gây sốc. Và không dễ chọn ứng viên “xứng tầm, là biểu tượng cho vẻ đẹp Việt Nam, đất nước con người Việt Nam thân thiện mến khách” như ý kiến của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói: “Thị trường du lịch Việt Nam đang giảm sút, càng nhiều người quảng bá cho du lịch càng tốt. Nhưng đại sứ du lịch không phải chỗ hưởng lợi, không phải chức vụ địa vị gì, dựa trên tinh thần tình nguyện là chính. Họ là những người có uy tín, được công chúng yêu mến, thật sự có đạo đức hay những người nước ngoài yêu mến Việt Nam, biết về văn hóa Việt Nam”.

Bản quy chế quy định rõ việc phát ngôn trước công chúng, và “không sử dụng danh hiệu đại sứ du lịch Việt Nam vào mục đích tư lợi, trái pháp luật”.

Hy vọng ở thị trường mới

Một trong số giải pháp được lãnh đạo ngành nhắc tới là chuyển hướng thị trường. Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN được xem là tiềm năng trong thời điểm tới. Bên lề cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng cho biết, từ năm 2011 đến nay, du khách Nga đến Việt Nam tăng gần 300%. “Chúng tôi xác định Nga là thị trường nguồn chiến lược của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh biển Đông căng thẳng, khách Trung Quốc sụt giảm”, ông Hưng nói.

Về giải pháp cụ thể hơn để thu hút khách Nga, ông Hưng cho biết, vừa qua Tổng cục Du lịch phối hợp Phú Yên, Ninh Thuận tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch Việt-Nga, giới thiệu những điểm đến hấp dẫn của một số tỉnh gặp khó khăn trong phát triển du lịch như Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định.

Hai bên cũng nghĩ đến ý tưởng thành lập CLB du lịch Nga-Việt. “Mặc dù lượng khách Nga vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Tôi nghĩ với CLB đó, chúng ta cùng nhau tạo dựng sản phẩm tốt hơn”, ông Hưng nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Tình cũng cho biết, sắp tới Bộ VHTT&DL, Cục Hợp tác quốc tế tổ chức tuần lễ Việt Nam tại Nga. Ngoài các hoạt động thông thường, chuyến đi này nhắm tới du khách Nga tiềm năng, thông qua các roadshow. Bộ cũng khai trương lớp học các kỹ năng ngoại giao, văn hóa cho các tùy viên văn hóa, đại sứ du lịch tương lai.

Ngoài khách Nga, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết thêm, thị trường Ấn Độ tiềm năng không kém: Đất nước đông dân thứ hai thế giới, trong đó 300 triệu người có thu nhập ở mức trung lưu. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng có ý kiến về sự hợp tác phát triển du lịch của hai bên qua một số giải pháp cụ thể như: đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), mở đường bay thẳng. Đặc biệt, Ấn Độ cũng gợi ý về chuyến quảng bá du lịch Việt trên truyền hình, qua việc đưa đoàn làm phim Bollywood đến Việt Nam.

Bác nguyện vọng của Lục Tiểu Linh Đồng; Bobby Chin tỏa sáng

“Việc Lục Tiểu Linh Đồng ngỏ ý muốn làm đại sứ du lịch Việt Nam tại Trung Quốc xảy ra trước khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền Việt Nam. Tôi nghĩ mọi chuyện dừng lại, cho đến khi Trung Quốc hiểu được sai lầm của họ. Còn đầu bếp Bobby Chin rất nổi tiếng, đang chủ động bày tỏ muốn làm đại sứ du lịch Việt Nam, anh ấy cố gắng quảng bá ẩm thực Việt”, ông Nguyễn Văn Tình nói.

MỚI - NÓNG
Sau nhiều sự cố đê điều, yêu cầu 21 tỉnh, thành cử người túc trực 24/24
Sau nhiều sự cố đê điều, yêu cầu 21 tỉnh, thành cử người túc trực 24/24
TPO - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi chủ tịch UBND 21 tỉnh thành phố chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị quản lý, vận hành các trạm bơm tiêu trên địa bàn đảm bảo an toàn chống lũ của đê trong quá trình vận hành các trạm bơm tiêu qua đê.