Vụ rò rỉ các bức điện tín này có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước đồng minh đặc biệt.
Các quan chức ngoại giao khi ra nước ngoài thường nhận xét thẳng thắn trong những công văn mật gửi về nước, nên những vụ rò rỉ điện tín thỉnh thoảng xảy ra thường gây nên sự bối rối lớn về chính trị.
Các bức điện tín nói trên được báo Anh Daily Mail đăng tải đầu tiên. Trong những ghi chép đó, Đại sứ Darroch cảnh báo chính phủ Anh rằng “sự nghiệp của ông Trump có thể kết thúc trong nỗi nhục”, và mô tả mâu thuẫn trong Nhà Trắng là “những cuộc chiến đấu bằng dao”.
Một nguồn tin từ chính phủ Anh nói với CNN rằng những điện tín được trích dẫn trong bài viết của Daily Mail là chính xác.
Daily Mail nói rằng những điện tín đó bắt đầu được gửi từ năm 2017 đến nay, đề cập mọi thứ, từ chính sách đối ngoại của ông Trump đến các kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ trong năm 2020. Trong bức điện đề ngày 22/6, ông Darroch nghi ngờ khẳng định của ông Trump rằng ông đã đổi ý định trả đũa Iran sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ vào tháng trước vì ông nhận được thông tin vào phút chót rằng chiến dịch không kích của Mỹ có thể giết chết 150 người Iran. Nhà Trắng chưa bình luận gì về câu chuyện này.
Các bức điện tín bị rò rỉ vào thời điểm nhạy cảm của chính trị Anh, khi các thành viên đảng Bảo thủ đang bầu ra thủ tướng mới để thay thế bà Theresa May.
“Dư luận Anh chờ đợi các đại sứ cung cấp những đánh giá trung thực, chưa được biết đến về tình hình chính trị ở nước mà họ đang công tác. Quan điểm của họ không nhất thiết là quan điểm của các bộ trưởng hay chính phủ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi trả lương cho họ để họ thẳng thắn. Đại sứ Mỹ tại Anh cũng gửi những đánh giá của ông ấy về chính trị và các cá nhân ở Anh về nước”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh nói về vụ việc.
“Dĩ nhiên chúng tôi mong đợi những tư vấn như vậy sẽ được các bộ trưởng và công chức xử lý đúng cách và điều quan trọng là các đại sứ của chúng tôi có thể đưa ra những tư vấn của họ và những tư vấn đó được giữ bí mật. Các quan chức của chúng tôi ở Washington có quan hệ mạnh mẽ với Nhà Trắng và chắc chắn quan hệ đó sẽ vượt qua được vụ việc này”, tuyên bố nói thêm.
Thủ tướng sắp ra đi của Anh, bà Theresa May, dù có nhiều nỗ lực để lấy lòng và phát triển quan hệ với ông Trump nhưng chưa bao giờ tạo được sự gần gũi về chính trị với nhà lãnh đạo Mỹ. Nếu Anh rời khỏi EU, lãnh đạo mới của nước này chắc chắn sẽ muốn đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, và ông Trump chắn chắn sẽ mặc cả quyết liệt. Vì thế, đang có suy đoán rằng vụ rò rỉ này là hành động mang động cơ chính trị của ai đó ở London để dọn chỗ ở Washington cho một đại sứ ủng hộ Brexit mạnh mẽ.
Ông Darroch từng là một cố vấn an ninh quốc gia thời ông David Cameron còn làm thủ tướng Anh và là đại diện cao nhất của Anh ở EU. Dù là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông không được coi là người tương đồng về tư tưởng với nhóm muốn Brexit cứng sắp trở thành chủ nhân mới của số 10 phố Downing.
Cho đến nay ông Trump vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc trên Twitter như cách ông thường làm. Nhưng Tổng thống Mỹ không ngần ngại chỉ trích chính phủ Anh. Nhiều lần ông đã khiến bà May bối rối khi chỉ trích cách bà xử lý các cuộc đàm phán Brexit. Ông cũng không ngần ngại tham gia các vấn đề nội bộ của Anh khi nhận xét nhiều ứng viên của đảng Bảo thủ. Ông còn gây ra mối thù khó xóa bỏ với Thị trưởng London Sadiq Khan.
Sau vụ việc này, vị trí của ông Darroch ở Mỹ giờ có vẻ khó khăn. Dù các ghi chép của ông rất nhạy cảm về nguồn tin, nhưng cách mô tả của ông về Nhà Trắng từng được báo chí Mỹ nhiều lần nói đến.