'Đại phẫu' giao thông Hà Nội

'Đại phẫu' giao thông Hà Nội
TP - Thành phố Hà Nội đã  thực  hiện nhiều giải pháp như xây cầu vượt nhẹ, phân làn, phân luồng, tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến phố… nhưng do lượng phương tiện tăng nhanh nên các giải pháp không còn phù hợp. Bức tranh giao thông Thủ đô ảm đạm, lần đầu tiên xuất hiện cảnh ùn tắc tại một nút giao thông kéo dài 4 giờ. Giao thông Hà Nội đang cần một cuộc “đại phẫu”.

Bài 1: Nhiều tuyến đường... tê liệt

Tuần qua, hình ảnh nút giao thông cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) ken đặc phương tiện suốt 4 giờ vì ùn tắc đã gây chấn động dư luận. Thực tế này cũng đang xảy ra với nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Thủ đô, khiến dư luận bức xúc. Để giảm ùn tắc, trong 4 năm qua thành phố Hà Nội đã chi cho việc tổ chức giao thông trên 1.400 tỷ đồng.

Phương tiện tăng vọt

Giải thích về tình trạng ùn tắc tại nút giao thông cầu Tó những ngày qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng công an xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, lượng phương tiện tăng đột biến trên đường là nguyên nhân gây ùn tắc. Theo ông Dũng, hơn một năm trước đây cả tuyến đường Phan Trọng Tuệ, trong đó có nút giao thông cầu Tó tại địa bàn rất ít xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, hơn một năm qua, nút giao thông này thường xuyên xảy ra ùn tắc. Riêng trong sáng 20/9, do lượng phương tiện từ các hướng đường Phan Trọng Tuệ, QL70 đổ về nhiều, nút giao thông này bị tê liệt 4 giờ. Trong khoảng từ 6h30 đến 10 giờ, hàng nghìn phương tiện đi qua đây đã không thể dịch chuyển, bất động kéo dài hàng trăm mét. Cảnh tượng này nhìn từ trên cao, nút cầu Tó không khác gì một tổ kiến rối loạn.

'Đại phẫu' giao thông Hà Nội ảnh 1

Nút giao thông cầu Tó ken đặc phương tiện, ùn tắc hơn 4 giờ, sáng 20/9. Ảnh: Anh Trọng.

Giao thông tắc nghẽn cũng đang xảy ra ở nhiều tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các nút, tuyến đường như Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cầu Mới, Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, Minh Khai - Ngõ gốc Đề, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Láng Hạ - Giảng Võ, Cầu Giấy - Xuân Thủy… Thực tế, đây là những tuyến phố đã được cải tạo hạ tầng, tổ chức lại giao thông và giờ cao điểm thường xuyên có tới gần chục cảnh sát - thanh tra giao thông (TTGT) đứng làm nhiệm vụ, nhưng ùn tắc vẫn diễn ra. Vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô lưu thông qua các khu vực này xếp hàng bám đuôi nhau, nhích từng centimet. Nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng (Hoàng Mai), thời gian qua có cả chục cách tổ chức, phân luồng được áp dụng. Tuyến đường cũng nằm trong dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân, tuy nhiên hiện dự án vẫn vướng nhà của 5 hộ dân tại nút giao chưa được quận Hoàng Mai giải tỏa, dẫn đến tuyến đường làm đến đây rồi dừng lại, tạo nút thắt cổ chai gây ùn tắc suốt 10 năm nay.

Cách tổ chức giao thông tiền tỷ hết tác dụng

Để giảm ùn tắc, hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố, năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố Hà Nội chi hơn 259.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm (2011 - 2015). Trong các năm từ 2012 đến 2015, thành phố Hà Nội đã lần lượt xây dựng nhiều cầu vượt nhẹ, tổ chức lại giao thông bằng cách phân làn, phân luồng tại nhiều nút giao thông, tuyến phố lớn. Riêng hệ thống cầu vượt nhẹ, đến hết năm 2015, thành phố Hà Nội đã duyệt cho xây dựng và đưa vào sử dụng 7 cầu.

Với phương án phân làn, phân luồng, ngoài các tuyến phố nội đô thành phố Hà Nội đã cho thực hiện tách dòng phương tiện ô tô, xe máy đi theo đường riêng trên 12 tuyến phố ngoài vành đai 1, trong đó có các tuyến Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quang Trung (Hà Đông)… Tổng số kinh phí chi cho các nội dung này là 1.414 tỷ đồng. Ngoài ra trong 3 năm qua, Hà Nội còn lập thêm 5 đội TTGT mới và tăng trên 100 biên chế cho cảnh sát, TTGT, đưa con số cảnh sát, TTGT hiện nay lên hơn 1.800 người (trong đó CSGT trên 1.200 người, TTGT trên 600 người).

Đánh giá về hiệu quả các giải pháp trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trước năm 2012, trên địa bàn thành phố có 89 điểm ùn tắc, nhưng đến năm 2015 thành phố chỉ còn 34 điểm (giảm được 55 điểm). Tuy nhiên, thực tế giao thông cho thấy, nhiều điểm đen về ùn tắc được Sở GTVT cho là đã giải quyết trong các năm qua, hiện nay đang bị ùn tắc trở lại. Đó là các tuyến đường, nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc, Lê Văn Lương - Láng, Láng Hạ - Thái Hà, đặc biệt nút Ngã Tư Sở đang phát sinh 2 điểm ùn tắc mới là trước Trung tâm thương mại Royal City, cầu Mới… 

Với hệ thống các tuyến phố được phân luồng, phân làn, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phương án coi như “phá sản” khi hệ thống dải phân cách, cột biển báo phân làn, tách dòng phương tiện tại đây đã bị nhổ bỏ. Hiện phương tiện đang lưu thông trên 20 tuyến phố (đã được thực hiện phân luồng, phân làn) lại di chuyển hỗn hợp như cũ.

Các giải pháp chống ùn tắc mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra thực hiện vừa qua chỉ mang tính tình thế. Các giải pháp này chỉ có tác dụng cho các dòng phương tiện đi lại ổn định trong khoảng 2, 3 năm, đến nay lưu lượng lưu thông trên đường đã vượt nhiều so với thời điểm khảo sát, dẫn đến nó không còn phù hợp, gây ùn tắc trở lại.      

(Còn nữa)

Mỗi ngày Hà Nội mất hơn 41 tỷ đồng do ùn tắc

Hà Nội có 5,5 triệu phương tiện, trong đó có 0,5 triệu ô tô, hơn 5 triệu xe máy, tốc độ tăng trung bình 14%/ năm. Theo khảo sát và tính toán của Ủy ban An toàn giao thông của Liên Hợp Quốc, với dân số trên 7 triệu người, ít nhất mỗi ngày thành phố Hà Nội có 70% số người đi ra đường. Nếu tính cả đi và về, mỗi ngày sẽ có 14 triệu lượt người đi lại. Với thực trạng giao thông như hiện nay, mỗi ngày người dân chỉ cần bị ùn tắc ít nhất từ 15 - 20 phút, thì chi phí trung bình người dân, chi phí xã hội phải bỏ ra trên 41 tỷ đồng/ngày.

MỚI - NÓNG