Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng: 'Công tác cán bộ là then chốt của then chốt'

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu khai mạc Đại hội.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu khai mạc Đại hội.
TPO - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các đại biểu dự đại hội cần thẳng thắn trao đổi, thảo luận một cách toàn diện, đa chiều vào dự thảo các văn kiện trình tại Đại hội, trong đó tập trung thảo luận, góp ý thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm...

Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 349 đại biểu đại diện cho hơn 6 vạn đảng viên toàn thành phố. Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo đại hội.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết: Nhiệm kỳ qua, thành phố đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương. Đặc biệt, sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ.

Theo Bí thư Đà Nẵng, trong nhiệm kỳ qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nội bộ đoàn kết, thống nhất; công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy trình, chất lượng nhân sự, đảm bảo tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...

Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng: 'Công tác cán bộ là then chốt của then chốt' ảnh 1 Quang cảnh Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII. 

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030.

“Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm qua còn có những hạn chế, bất cập trên một số lĩnh vực và tiếp tục phát sinh nhiều “điểm nghẽn” mà thành phố cần phải vượt qua để tiếp tục phát triển", ông Nghĩa phát biểu. 

Ông Nghĩa đề nghị các đại biểu dự đại hội cần thẳng thắn trao đổi, thảo luận một cách toàn diện, đa chiều vào dự thảo các văn kiện trình tại Đại hội, trong đó tập trung thảo luận, góp ý thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng “Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và cần bám sát tình hình thực tiễn của thành phố; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2025 tạo thế và lực mới để đến năm 2030 xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực, xứng đáng với sự tin cậy của Trung ương và kỳ vọng của nhân dân thành phố.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thay mặt Đại hội trình bày Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XXI. Đánh giá những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, ông Quảng cho biết: Công tác cán bộ nhiệm kỳ qua còn một số vấn đề bất cập, nhất là trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; cơ cấu đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn chưa phù hợp, số lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu. Việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ trong một số trường hợp vẫn còn bị động, thiếu sự chuẩn bị dài hạn, có thời điểm còn sai sót, vi phạm...

Công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa trọng tâm, chưa kịp thời, việc kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể còn ít. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao; nội dung kiểm tra, giám sát có nơi chưa đi vào lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, công tác cán bộ...

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn bất cập, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

"Tư tưởng, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có phần giảm sút; chưa có cơ chế triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện trách nhiệm công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chưa phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Chất lượng công tác cải cách tư pháp tuy được cải thiện nhưng chưa cao, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu", ông Quảng cho biết. 

Cũng theo ông Quảng, trong đầu nhiệm kỳ, do chậm, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các sai phạm về đất đai theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc cho chủ trương về một số trường hợp cán bộ và một số dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến sai phạm, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, hai đồng chí cán bộ chủ chốt, các đơn vị và cá nhân liên quan bị xử lý kỷ luật.

5 bài học kinh nghiệm được Đảng bộ TP Đà Nẵng đúc rút

- Một là, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Điều lệ Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, nêu gương của người đứng đầu. Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phải bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, hành động quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả và vận dụng đúng các quy định pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, vi phạm ngay từ đầu.

- Hai là, phát huy dân chủ, thường xuyên xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, đồng thuận trong xã hội; đặc biệt, sau những sai lầm, khuyết điểm được chỉ ra, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã quyết tâm, bản lĩnh, đoàn kết, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay các hạn chế và giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

- Ba là, kiên định mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu. Đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình, nhất là các vấn đề mới nảy sinh để có những quyết sách, giải pháp phù hợp, đột phá và tổ chức thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, có hiệu quả.

- Bốn là, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thành phố Đà Nẵng phải thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.

- Năm , tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và các địa phương bạn; mạnh dạn đề xuất các ý tưởng có tầm nhìn, các cơ chế, chính sách đặc thù và quyết tâm chính trị cao để xây dựng và phát triển thành phố. 

MỚI - NÓNG