Trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020, Bộ GD&ĐT đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ có 4 trường ĐH mô hình mới ra đời là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nga, Đức. Và trong 4 trường này sẽ có trường lọt “top” 200 ĐH hàng đầu thế giới.
Sau đúng 10 năm, 4 trường ĐH theo mô hình ĐH mới, chỉ có ĐH Việt Nhật, ĐH Việt Đức đi vào hoạt động và chưa có tên trên bản đồ của bất cứ bảng xếp hạng nào trên thế giới. Hai trường còn lại vẫn chưa thấy đâu. Các trường ĐH khác của Việt Nam có vào lọt vào một vài bảng xếp hạng, nhưng bảng xếp hạng nào cũng là câu hỏi cần câu trả lời.
Vừa qua, trong bảng xếp hạng 417 trường ĐH châu Á năm 2019 của tạp chí Times Higher Education (THE, Anh) vừa công bố, tiếp tục không có bóng dáng một trường ĐH nào của Việt Nam. Những người trong cuộc cũng nhận thấy, Việt Nam có thể tham gia bảng xếp hạng của QS, và thực tế đã chứng minh là năm 2019, Việt Nam có 7 trường ĐH lọt top các trường ĐH châu Á và 2 trường ĐH lọt top 1.000 trường ĐH thế giới.
Nhưng tham gia bảng xếp hạng của THE lại là một thách thức không hề nhỏ. Có 3 yếu điểm cốt tử được chính những người trong cuộc và chuyên gia chỉ ra, đó là tăng nguồn thu từ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, quốc tế hóa và công bố nghiên cứu quốc tế.
Thống kê của Web of Science (Cơ sở dữ liệu khoa học cung cấp thông tin về danh mục tạp chí uy tín thế giới) giai đoạn 2011-2016, Việt Nam có hơn 15.000 công bố thuộc danh mục ISI hoặc Scopus, tỷ lệ tăng trưởng đạt 17%/năm (từ 1.461 bài báo lên 3.814 bài báo).
Trong khi đó, Thái Lan có số công bố gấp gần 3 lần Việt Nam, Malaysia gấp 4 lần, Singapore gấp gần 5 lần. Ước tính đến năm 2030, số bài báo khoa học của Việt Nam cũng chỉ bằng Singapore hiện tại, đến năm 2025 Việt Nam bằng Thái Lan năm 2016. Tức là, Việt Nam tụt hậu 10 năm so với Thái Lan và 15 năm so với Singapore về công bố ISI.
Vì chưa chú trọng nghiên cứu nên câu chuyện chuyển giao khoa học công nghệ là một yêu cầu vẫn còn xa vời đối với các trường ĐH Việt Nam. ĐH phải gắn với nghiên cứu. Nếu không, ĐH cũng chỉ là trường học cấp 4.
Bởi vậy, việc lọt vào những bảng xếp hạng uy tín như THE, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Leiden (của Hà Lan) vẫn là giấc mơ xa vời của giáo dục ĐH Việt Nam. Đặc biệt là đối với bảng xếp hạng Thượng Hải, khi một trong những tiêu chí đánh giá là giải Nobel.