“Đại gia” Việt hãy trở thành những ngòi nổ…

“Đại gia” Việt hãy trở thành những ngòi nổ…
TPO - Triển lãm với cái tên khá khiêu khích “Đại gia Việt Nam”, do 12 họa sĩ trẻ tổ chức, sắp diễn ra tại Hà Nội.
Giấy mời và poster của triển lãm, trong đó 12 họa sĩ được thể hiện một cách biếm nhại
Giấy mời và poster của triển lãm, trong đó 12 họa sĩ được thể hiện một cách biếm nhại.

Từ 17-1 đến 4-2-2012, nhóm 12 họa sĩ trẻ gồm Trần Đình Bình, Nguyễn Thùy Dương, Đỗ Hiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Hổ, Triệu Tuấn Long, Nguyễn Minh Nam, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Tuấn Tú, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đình Vũ tổ chức triển lãm với cái tên khá khiêu khích “Đại gia Việt Nam” tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên, tại Việt Nam, có một triển lãm hội họa về những người thành đạt, giàu có thường được mệnh danh là “đại gia” Việt. 12 nghệ sĩ tham gia triển lãm với 12 thái độ, 12 cách tiếp cận cũng như bút pháp khác nhau. Nhưng họ có chung một cách làm: đưa cuộc sống của những người giàu có vào tranh, qua đó làm bật ra nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến chính nền nghệ thuật đang trong cơn khủng hoảng này.

Một số tác phẩm trong triển lãm
Một số tác phẩm trong triển lãm.

Nhiều quốc gia trong khu vực cũng như thế giới, nền nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng được tầng lớp giàu có và có văn hóa quan tâm. Họ chính là những nhà đầu tư có hiểu biết và có tâm muốn nâng lên vị thế nghệ thuật dân tộc. Trong khi ở Việt Nam, thị trường hội họa gần như thiếu hẳn việc trao đổi, mua bán giữa người Việt với nhau. Đa số những người giàu có vẫn chưa biết cách chơi nghệ thuật và không muốn đầu tư vào nghệ thuật.

Họa sỹ Đỗ Hiệp, thay mặt các họa sĩ tham gia triển lãm chia sẻ: “Hy vọng qua cuộc triển lãm, cái nhìn của “đại gia” Việt về nghệ thuật hội họa Việt sẽ thay đổi, nghệ thuật Việt chờ đợi những nhà đầu tư giàu có và có văn hóa. Chúng tôi vẽ và dĩ nhiên chúng tôi muốn bán được tranh, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn các “đại gia” bên cạnh việc quan tâm tới những siêu xe, những du thuyền, những biệt thự; họ nên quan tâm đến cả nghệ thuật hội họa. Qua triển lãm này, chúng tôi muốn “đại gia” Việt hãy trở thành những hạt nhân, ngòi nổ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nghệ thuật nước nhà”.

5 bức tranh đắt nhất được bán đấu giá trong năm 2011 bao gồm :

“Đức mẹ Darmstadt” Hans Holbein "Bé" có giá 70 triệu USD

“Thư họa của Tề Bạch Thạch” của Tề Bạch Thành có giá 65 triệu USD

“Di cư tới Trĩ Xuyên” của Vương Mông có giá 62,11 triệu USD

“1949-A-No1” của Clyfford có giá 61,7 triệu USD

“Tôi có thể nhìn toàn bộ căn phòng... và không có ai trong đó” của Roy Lichtenstein có giá 43,2 triệu USD

Theo Viết
MỚI - NÓNG